Hết liệt sau 24h

Bệnh nhân Nguyễn Văn P (48 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người, tiểu tiện không tự chủ. 

Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân chụp CT và kết quả bệnh nhân bị nhồi máu não. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành sử dụng tiêu sợi huyết cho bệnh nhân vì bệnh nhân đột quỵ trong thời gian vàng dưới 4 tiếng. 

Điều bất ngờ sau khi tiến hành thủ thuật tiêu sợi huyết bệnh nhân đã tỉnh táo, đi lại bình thường.

Bí quyết vàng giúp người đột quỵ hồi phục sau 24h: Rất quan trọng ai cũng cần ghi nhớ - Ảnh 1.

Một bệnh nhân bị đột quỵ được áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết tại BV Bạch Mai

Hay như trường hợp bệnh nhân Vũ Long B (76 tuổi, trú tại Xã Tú Nang, Yên Châu, Sơn La) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Sơn La trong tình trạng liệt nửa người trái, nói khó, tiểu tiện không tự chủ.

Sau khi tiến hành cấp cứu, đảm bảo các chỉ số sinh tồn, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ (nhồi máu não).

Nhận thấy trường hợp này bị đột quỵ trong khoảng "thời gian vàng" (trong 4,5 giờ đầu) nên bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Sau 24 giờ bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, bắt đầu nói rõ và nghe tốt, nửa người bên trái chỉ còn yếu nhẹ.

Khi nào điều trị tiêu sợi huyết

Tại Hội thảo về Tập huấn công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816 mới đây do Bộ Y tế tổ chức, bác sĩ Trịnh Kim Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đột quỵ là căn bệnh gây tử vong thứ 2 trên thế giới. 

Trước đây, gần như 100% bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não tử vong đột ngột, nếu sống được đều bị di chứng nặng nề do thiếu kỹ thuật, thuốc điều trị. Vì phát hiện các triệu chứng khởi phát chậm nên đến bệnh viện muộn, làm mất cơ hội "thời gian vàng" trong điều trị can thiệp giảm thiểu tác hại. 

Bí quyết vàng giúp người đột quỵ hồi phục sau 24h: Rất quan trọng ai cũng cần ghi nhớ - Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhân hồi phục nhanh nhờ tiêu sợi huyết

Hiện y học đã có bước đột phá mới khi làm tái thông động mạch máu não bị tắc bằng phương pháp bơm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và  động mạch một cách gián tiếp. Cao hơn là kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng đường động mạch nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạch máu ở não khi cơn đột quỵ mới xuất hiện.

Kỹ thuật điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật điều trị triệt để đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp trong 3 giờ đầu. Đây là một biện pháp điều trị đã làm cải thiện kết quả lâm sàng của bệnh nhân sau 3 tháng thêm ít nhất 13%, có thể thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và không đòi hỏi nhiều phương tiện chẩn đoán đắt tiền.

Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ở miền Bắc và đến nay có rất nhiều nơi đã chủ động tiến hành kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân giúp giảm tình trạng chuyển tuyến tới 96 % và thành công của kỹ thuật này lên tới 80 %.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi một người có các biểu hiện méo miệng (biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng); yếu liệt tay chân (có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao), ngôn ngữ bất thường (đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ đơn giản xem họ có hiểu và lặp lại được không) cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Theo PGS Tôn bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời. 

Nếu bệnh nhân được đến phòng cấp cứu trong 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng và được chẩn đoán là đột quỵ do thiếu máu, thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối) sử dụng đường tĩnh mạch sẽ được chỉ định khẩn cấp nhằm làm tan cục máu đông và giải phóng mạch máu bị tổn thương. 

Vì vậy, ghi nhớ thời điểm xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên là quan trọng, giúp bác sĩ cấp cứu quyết định liệu pháp điều trị thích hợp.