Sự thiếu kiến thức cũng như kỹ năng sống, kỹ năng làm việc chính làm điểm yếu lớn nhất của sinh viên mới ra trường, đi làm. Đó là một trong những trở ngại lớn khiến nhà tuyển dụng chưa dám mạnh tay để tạo điều kiện cho các bạn thử và học hỏi. Hơn nữa, những đòi hỏi thái quá khi bản thân chưa có nhiều tiềm năng cũng là thứ khiến nhà tuyển dụng “lắc đầu” đối với sinh viên mới ra trường.
Và đôi khi, chính những công việc có phần nặng nhọc, tưởng chừng như vô vị giai đoạn ban đầu khiến nhiều “người mới” trong môi trường công sở cảm thấy chán nản. Tuy nhiên, mọi chuyện về cơ bản đều có lý do của nó. Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ đông đảo dân văn phòng, một thành viên đã có dịp chia sẻ câu chuyện “lập nghiệp” của bản thân mình từ những ngày đầu:
“Mình sẽ kể cho các bạn một câu chuyện có thật, ở đây mình không muốn nói đến sự thành công hay thất bại mà chỉ muốn chia sẻ quá trình mình làm việc khi mới ra trường. Có thể câu chuyện này sẽ giúp các bạn sinh viên mới ra trường hoặc vừa xin được việc làm có những suy nghĩ và nhìn nhận thực tế hơn.
Mình là Tuấn Trần. Năm 2006 mình tốt nghiệp đại học, công việc đầu tiên mình xin được là nhân viên kinh doanh của một công ty bánh kẹo ở Sài Gòn. Khi mới vào làm, anh giám đốc hỏi mình: "Cậu mới ra trường phải không?". Mình trả lời: "Vâng". Anh nói: "Vậy cậu tạm thời đi bốc vác bánh kẹo cùng anh em nhé!".
Mình hơi bất ngờ vì nhận giấy giới thiệu từ Khánh Hòa gửi vào là nhân viên kinh doanh. Thấy anh nói vậy mình cũng chưa tiện hỏi đành mỉm cười và gật đầu.
Sau 3 tháng làm bốc vác khắp các đại lý trong nội thành và ngoại thành. Anh giám đốc gọi mình lên nói chuyện, mình mừng thầm vì nghĩ sẽ thoát khỏi công việc nặng nhọc và nhàm chán này. Khi gặp anh nói: "Hiện tại công việc kinh doanh của công ty hơi chậm và công nợ đại lý tồn đọng nhiều, cậu đi cùng anh em thu nợ nhé!".
Mình chưa hiểu vì sao vẫn chưa được giao đúng nhiệm vụ là kinh doanh, định hỏi anh thì lúc đó anh có khách, đành chấp nhận nhưng trong lòng vẫn không thoải mái. Ba tháng đi đòi nợ mệt mỏi cũng đã trôi qua.
Một hôm anh giám đốc gọi mình lên và nói chuyện, anh hỏi về các đại lý, về sản phẩm, giá cả, sản phẩm nào bán chạy, chính sách công nợ, mình rất lo lắng nhưng kết quả lại ngoài mong đợi. Anh giám đốc cười và bảo: “Cậu làm việc rất tốt, ngày mai cậu có thể ra đường kinh doanh được rồi”.
Trên đường về mình mới hiểu ra rằng: Vì biết mình mới ở Hà Nội vào và vừa ra trường nên cũng chưa có kinh nghiệm nên anh muốn mình học được từ thực tế. Ba tháng bốc vác mình đã thuộc đường đi lối lại, mình đã nắm được tất cả những đại lý lớn nhỏ của công ty, mình cũng đã thuộc hết các mã hàng và giá cả các sản phẩm công ty đang bán.
Biết được sản phẩm nào bán chạy, bán cho đại lý nào, bán cho khu vực nào. Đối thủ cạnh tranh là ai, sản phẩm của họ là gì… Những điều đó cứ đến tự nhiên trong quá trình mình đi giao hàng.
Rồi 3 tháng đi xác nhận và đòi công nợ mình cũng hiểu được tình hình kinh doanh của đại lý, chính sách thanh toán của họ như thế nào, quy trình thanh toán đối với các siêu thị ra sao, mối quan hệ mật thiết giữa các anh kinh doanh với họ như thế nào... Điều đó cũng đến tự nhiên trong quá trình tôi đi đòi nợ cùng anh em.
Bởi vậy, khi đi bán hàng thực tế mình cũng không phải giới thiệu nhiều, bởi họ cũng đã quen biết mình, các mẫu mã, sản phẩm mình cũng đã thuộc, công việc khá trôi chảy và thuận lợi. Mình đã rất thành công trong cương vị kinh doanh của mình và anh em rất quý nhau.
Bây giờ mình đã có 1 công ty cho riêng mình và anh cũng đã trở thành 1 người thành đạt nhưng mình vẫn không thể nào quên những bài học đầu tiên anh đã dạy mình, sự chân thành và mộc mạc của 1 người anh, người giám đốc của mình”.
Ngay sau khi được đăng tải cách đây không lâu, tâm sự của chàng công sở này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Rất nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho vị sếp tuyệt vời bên trong câu chuyện đã được để lại bên dưới:
“Người sếp đầu tiên thường ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách làm việc của một cá nhân. Gặp được một người sếp tốt, đó là một thứ gì đó vô cùng may mắn”.
“Mình cũng đã từng bắt đầu công việc trong tâm thế không biết gì và cũng được gặp những người sếp tốt, dám tin tưởng cho mình làm và thử. Nhưng nếu bản thân bạn không nỗ lực thì "may mắn" đó cũng chẳng tồn tại lâu được. Muốn nhận lại những điều tốt đẹp thì phải học cách cho đi trước thôi”.
“Điểm mấu chốt chính là bạn may mắn vì gặp được người anh, người sếp có tâm và có tầm như vậy”.
Đối với sinh viên vừa “chân ướt, chân ráo” ra trường mà nói, công việc thực tiễn đôi khi còn quá lạ lẫm so với những kiến thức trong trường lớp cho nên họ khó tránh khỏi cảm giác bị sốc khi được giao làm những thứ không giống như chuyên môn bản thân mình đã được học.
Tuy nhiên, sếp đầu tiên chính là người có tầm ảnh hưởng nhất và phần nào định hướng phong cách làm việc của mỗi cá nhân sau này. Cho nên nếu may mắn gặp được một người có tâm cũng như có tầm, mặc dù khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ học được vô vàn những điều hay ho từ họ.