Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại đây vừa điều trị thành công cho ca bệnh mắc Hội chứng Cushing lạc chỗ.
Bệnh nhân là chị Bùi Thị V, hơn 40 tuổi. Vì bị teo cơ nên cuộc sống của chị V phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của người thân. Ba năm trở lại đây, chị V thấy tăng cân nhiều (tăng 9kg), da mỏng, xuất hiện các vết rạn da rộng ở vùng bụng và đùi, béo mặt, bụng to. Kèm theo đó, chị bị mắc chứng mất ngủ, rối loạn lo lắng dẫn đến suy giảm trí nhớ rõ rệt.
Cuối tháng 6/2020, gia đình quyết định đưa chị V đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng phù toàn thân. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy Cortisol máu tăng cao nên bệnh nhân được nhập viện vào Khoa Nội tiết Đái tháo đường.
Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, chị V được chẩn đoán mắc Hội chứng Cushing (là bệnh do tuyến thượng thận tăng tiết Cortisol kéo dài, liên tục). Tuy nhiên các thăm khám về hình ảnh không tìm thấy nguyên nhân phổ biến như U tuyến thượng thận hay u tuyến yên. Tiếp tục làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn, bệnh nhân V được xác định mắc hội chứng Cushing do U tiết hormone kích thích vỏ thượng thận (ACTH) lạc chỗ.
Đây là nguyên nhân khiến nồng độ cortisol máu của chị V quá cao, dẫn đến chị bị mắc một loạt biến chứng như đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể 2 mắt, loãng xương gây xẹp đốt sống và Glocom mắt... Mặc dù đã được chụp PET/CT nhưng không thể tìm thấy khối u nguyên phát.
Do tình trạng của bệnh nhân xấu hơn, và nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 3 - 6 tháng.
Trước tình hình này, các bác sỹ Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai quyết định chọn giải pháp mổ cắt tuyến thượng thận 2 bên, là nơi sản xuất ra Cortisol gây ra biểu hiện của bệnh. Đây là một phương pháp đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới nhưng hiếm khi được thực hiện ở Việt Nam.
Do người bệnh đã có nhiều biến chứng nặng nên để ca phẫu thuật được diễn ra thuận lợi, hạn chế tối đa nguy cơ sau mổ, các bác sĩ khoa Nội tiết phải điều chỉnh thật tốt huyết áp, đường huyết, điện giải và dinh dưỡng nâng cao thể trạng để ổn định sức khỏe, kiểm soát tốt các bệnh nền giúp bệnh nhân có thể vượt qua được cuộc mổ an toàn.
Chỉ trong vòng 3 tuần sau mổ, bệnh nhân tiến triển tốt, hết phù, huyết áp ổn định 130/80 mmHg mà chỉ cần 1 loại thuốc (thay vì phải dùng 2 thuốc như trước), đặc biệt là đường huyết của chị V đã trở về bình thường và chị không phải dùng thuốc hạ đường huyết nữa. Bệnh nhân có thể ăn ngủ được, tinh thần tốt, tự làm các hoạt động cá nhân tại giường và bắt đầu tập đi lại trong phòng.
Sau gần 2 tháng điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 26/8, chị V đã được xuất viện trở về nhà.
Bác sỹ Nguyễn Đình Đức, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho chị Bùi Thị V, khuyến cáo người dân có biểu hiện tăng cân, kèm theo các dấu hiệu đỏ da, da mỏng, xuất hiện các vết rạn da rộng ở vùng bụng và đùi, béo mặt, bụng to, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, giảm trí nhớ, ở nữ có thể rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, ở nam có thể giảm ham muốn tình dục,… thì có thể là dấu hiệu gợi ý nghĩ đến Hội chứng Cushing.
Người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được chẩn đoán, điều trị đúng hướng, tránh để tình trạng bệnh kéo dài gây ra nhiều biến chứng nặng nề.