Nhân loại vẫn đang không ngừng nghiên cứu các phương pháp điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên ung thư vẫn là căn bệnh khó điều trị. Ung thư là 1 thuật ngữ chung cho hơn 200 bệnh ung thư khác nhau, mỗi loại ung thư lại có các đặc điểm khác nhau, do đó chưa thể tìm ra 1 loại thuốc thần thánh để điều trị cho tất cả các bệnh.
Hơn nữa, tế bào ung thư có khả năng xâm lấn và di căn. Một khi ung thư đã di căn thì việc điều trị vô cùng khó khăn. Không những vậy, tế bào ung thư còn có khả năng về thích nghi, né tránh, nó có thể thay đổi về gen để chống lại các thuốc điều trị.
Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu vẫn khuyên rằng ung thư càng được phát hiện, điều trị sớm thì tiên lượng càng tốt. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân ung thư khi được bác sĩ chỉ định mổ lại từ chối vì sợ rằng: "đụng dao kéo, tế bào ung thư sẽ di căn và gây tử vong sớm hơn".
Ung thư mà đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan nhanh và tử vong sớm hơn?
ThS. BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) cho rằng: "Đây là một trong những định kiến sai lệch mà có không ít người mắc phải. Trong thực tế hoàn toàn ngược lại, đối với đa số các loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm".
Bác sĩ Tuấn nói, quan niệm này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó nhiều bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật. Đến khi bệnh đã nặng mới vào viện, lúc này thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất.
"Có một số lý do có thể giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên, với nhiều người bệnh, đặc biệt giai đoạn muộn, vẫn có chỉ định phẫu thuật để giải quyết biến chứng của khối u chứ không phải để khỏi bệnh. Ví dụ như phẫu thuật mở thông dạ dày nuôi dưỡng khi người bệnh không ăn uống được... Do đó sau mổ có thể bệnh vẫn tiến triển xấu đi.
Trong nhiều trường hợp, sau khi phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân không được điều trị bổ sung sau mổ một cách bài bản, bệnh cũng có thể tái phát lại trong thời gian ngắn".
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, phẫu thuật không phải là sự kết thúc điều trị ung thư, mà chỉ là nền tảng cho các điều trị bổ sung tiếp theo. Phẫu thuật vẫn là phương pháp tốt nhất để điều trị triệt căn ung thư. Nhiều trường hợp giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần được phẫu thuật tốt là có thể khỏi bệnh gần như hoàn toàn, ví dụ như ung thư tuyến giáp, ung thư trực tràng, ung thư vú... Do đó người bệnh lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị bệnh tốt hơn.
Những thói quen giúp phòng chống bệnh ung thư
- Sống lạc quan, vui vẻ
Cảm xúc tích cực sẽ giúp cải thiện khả năng miễn dịch của bạn và giúp chống được nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư. Ngược lại, cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
- Tập thể dục đều đặn
Nếu muốn ngừa bệnh, mọi người nên kiểm soát lượng calo mình nạp mỗi ngày, khi muốn giảm cân bạn hãy nạp ít calo hơn và đốt cháy mỡ thừa bằng cách tập thể dục. Các nhà khoa học trường Harvard khuyên mọi người nên tập thể dục ngay cả khi không muốn giảm cân.
- Ngủ đủ giấc
Khảo sát của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy những phụ nữ ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 47%. Bởi khi thiếu ngủ cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ melatonin - thứ có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất estrogen ở phụ nữ và ngăn chặn ung thư vú.
- Giảm cân
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, những người béo phì có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau bao gồm ung thư vú (đối với phụ nữ sau mãn kinh), ruột kết, trực tràng, thực quản, thận, tuyến tụy, túi mật và nội mạc tử cung...
- Có chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những giải pháp phòng ngừa ung thư vô cùng hiệu quả bởi có khoảng 30% bệnh nhân ung thư ở phương Tây mắc bệnh đều vì lý do này.
Trái cây và rau xanh được coi là những thực phẩm phòng ngừa ung thư hiệu quả bởi chúng chứa nhiều chất xơ. Các món ăn giàu chất xơ làm giảm độc tính của tác nhân gây ung thư bằng cách hòa loãng hay vô hiệu hóa tác nhân này, làm giảm thời gian chất bã di chuyển trong ruột...