Theo gia đình chia sẻ, bé bị té chống tay trước Tết mấy ngày, tay sưng, nhưng ba và ông nhất quyết không chịu đi bệnh viện mà đưa đi bó thuốc gần nhà. Đến khi cánh tay sưng quá, bé đau, da nổi mụn nước, gia đình mới cho em đưa đi khám.

Biến chứng do bó thuốc nam, bé trai phải ăn Tết trong viện - Ảnh 1.

Tại bệnh viện, cánh tay bệnh nhi cứng đơ vì đau và ngứa. Các bác sĩ cho bệnh nhi chụp xương và xét nghiệm máu vì nghi ngờ có gãy xương và da đã bị nhiễm trùng.

Kết quả hình chụp thấy xương cẳng tay bị gãy và xét nghiệm máu có dấu hiệu bị nhiễm trùng.

Theo các bác sĩ, thông thường, với những chấn thương xương tương tự, bệnh nhi sẽ được bó bột, uống thuốc giảm đau, giảm sưng và về nhà theo dõi, tái khám. Nhưng với trường hợp này, bệnh nhi phải nhập viện để chăm sóc phần da nhiễm trùng, sau đó mới có thể điều trị phần xương bị gãy.

Thay vì điều trị tại nhà, bệnh nhi phải nằm viện, phải sử dụng kháng sinh do biến chứng của thuốc nam. Qua trường hợp này, các bác sĩ một lần nữa khuyến cáo người dân không tự ý điều trị khi bị chấn thương.

Đồng thời, khi bị chấn thương, các bác sĩ lưu ý mọi người hãy sơ cứu theo 4 bước sau đây:

Bất động, nằm nghỉ: Không nên di chuyển vì sẽ làm tổn thương nặng hơn.

Chườm lạnh: Sử dụng đá lạnh bỏ vào một cái khăn hoặc túi chườm chuyên dụng nếu có, chườm lên vùng bị chấn thương từ 5 - 10 phút, chia nhiều lần trong ngày, cách này giúp giảm đau và giảm sưng.

Băng ép, đeo nẹp: Sử dụng băng thun hoặc nẹp để băng ép, cố định vùng bị tổn thương, việc này giúp tổn thương không bị nặng hơn và xương gãy (nếu có) không bị di lệch.

Kê cao tay, chân bị chấn thương: giúp máu lưu thông tốt, giảm sưng.

Sau khi đã sơ cứu, hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra các tổn thương gãy xương nếu có và mức độ chấn thương.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận vài chục trường hợp chấn thương nhiều mức độ. Việc sơ cứu ban đầu đúng, giúp quá trình điều trị sau đó nhanh hơn và hiệu quả hơn.