Một trong hai bệnh nhân tử vong sau quá trình gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hà Nội) ngày 25/12 được chẩn đoán viêm xoang mãn, viêm amidan và có chỉ định phẫu thuật nội soi xoang, cắt amidan, gây mê nội khí quản.

Việc bệnh nhân mất mạng khi gây mê để cắt amidan khiến nhiều người e ngại.

Khi nào nên cắt amidan?

PGS.TS Võ Thanh Quang - Giám đốc Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam - khuyến cáo chỉ cắt amidan trong những trường hợp sau:

- Bệnh nhân hay bị viêm, tái phát nhiều, từ 5-6 lần trong một năm.

- Bệnh nhân bị áp xe.

- Viêm amidan gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.

- Amidan quá to, gây cản trở đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ, hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh...

- Ngoài ra, amidan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng, hoặc nghi ngờ ác tính.

Theo PGS Quang, thông thường, trẻ trên 5 tuổi bắt đầu được cắt amidan. Nhiều trường hợp dưới 5 tuổi có amidan to quá cũng nên được chỉ định cắt. Hiện nhiều trường hợp trên 50 tuổi vẫn cắt amidan.

Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi cắt amidan - Ảnh 1.

Chỉ nên cắt amidan khi có chỉ định. Ảnh: Brrowardhealth.

Biến chứng nguy hiểm nhất khi cắt amidan

Theo PGS Quang, cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện và khá an toàn nếu do những phẫu thuật viên kinh nghiệm và ở các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín thực hiện, có chuyên khoa phụ trợ như phòng mổ, phòng hồi sức cấp cứu.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây biến chứng, thậm chí tử vong do chảy máu khi nhân viên y tế thực hiện không đúng kỹ thuật (cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được).

Chảy máu là biến chứng thường gặp khi cắt amidan. Tuy nhiên, biến chứng này được giảm thiểu nhờ kỹ thuật cắt bằng dao siêu cao tầng, bệnh nhân chảy máu rất ít.

Bên cạnh đó, bệnh nhân được gây mê trước khi cắt amidan để giảm đau. Khi đó, bệnh nhân còn có thể đối mặt với biến chứng của gây mê - sốc phản vệ.

“Khi gây mê, người ta thường phải tiêm 4-5 loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc mê, thuốc giãn cơ. Các bác sĩ phải tách ra xem bệnh nhân phản ứng với thuốc nào, chưa kể trường hợp hai thuốc cùng có trong mạch máu tại một thời điểm, chúng mới có phản ứng”, PGS Quang cho hay.

Chuyên gia cho biết đây là biến chứng trong quá trình gây mê, tương tự khi bệnh nhân được tiêm các loại thuốc khác (thậm chí cả khi ăn thức ăn) vào người, không chỉ do thuốc mê.

Do đó, trước khi tiến hành gây mê và phẫu thuật, bệnh nhân cần được tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cẩn thận.

“Tại Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung ương, với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng, chúng tôi phải cho thử dị ứng với một loạt thuốc mê khác nhau.

Nhưng đó chỉ là tương đối, không đảm bảo khi tiêm, người bệnh sẽ không bị sốc. Phản ứng trong quá trình gây mê là điều khó lường trước, do đó, phải luôn sẵn sàng để đối phó”, PGS Quang cho hay.

PGS Quang lưu ý khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách, hoặc chỉ định cắt amidan nếu cần thiết.

(Theo Zing)