Biến chứng suy hô hấp, nhiễm trùng máu do mắc Whitmore - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Bệnh nhân nam, 19 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Cách nhập viện 8 ngày có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, đau tức ngực trái.

Bệnh nhân vào Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 17 trong tình trạng rất nặng với triệu chứng mệt nhiều, sốt cao, khó thở, suy hô hấp. Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành cấp cứu kịp thời, thực hiện đặt nội khí quản, thở máy, nội soi khí phế quản để tầm soát tổn thương, lấy mẫu bệnh phẩm cấy khuẩn và làm kháng sinh đồ.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng nhiễm trùng máu rất nặng. Kháng sinh phổ rộng được sử dụng ngay lập tức theo kinh nghiệm. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phổi trái bị xẹp hoàn toàn, có nhiều đám tổn thương đông đặc và tràn dịch màng phổi mức độ nhiều.

Ngay khi có kết quả cấy đờm là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và kháng sinh đồ nhạy cảm với một số kháng sinh, bệnh nhân được điều trị ngay theo kháng sinh đồ và đáp ứng tốt với kháng sinh.

Bệnh diễn biến khá hơn, hết sốt, tuy nhiên vẫn còn đau ngực trái nhiều, khó thở. Chụp lại cắt lớp vi tính lồng ngực phổi trái vẫn còn tổn thương nặng.

Bệnh viện Quân y 17 đã hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Đà Nẵng thống nhất phẫu thuật mở ngực bóc vỏ phổi, làm sạch màng phổi, cắt lọc tổ chức phổi hoại tử, dẫn lưu khoang màng phổi, tiếp tục điều trị phối hợp thuốc. Đồng thời tăng cường nuôi dưỡng tích cực, cân bằng nước điện giải, khoáng chất, tập phục hồi chức năng hô hấp.

Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân phục hồi, toàn trạng ổn định, chuyển khoa khác tiếp tục điều trị duy trì.

Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm có thể lây cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền Bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.

Việt Nam là một trong số những vùng lưu hành của bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng. Bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%, có thể diễn tiến cấp tính hoặc bán cấp tính.

Các triệu chứng của bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh khác và có thể gây ra sự chậm trễ trong việc điều trị kháng sinh thích hợp. Thậm chí, sau khi điều trị thì bệnh nhân vẫn có thể tái phát về sau. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp tính có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.

Vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu… Các trường hợp mạn tính được phát hiện khi có những ổ áp xe phát triển âm thầm ở các vị trí mô hoặc cơ quan khác nhau. Vấn đề phòng ngừa và điều trị đối với bệnh Whitmore cho đến nay vẫn là một thách thức lớn.

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước để bảo vệ, chống tiếp xúc với đất, nước nhiễm vi khuẩn và làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn.