Theo nhận định của một số đài khí tượng trên thế giới như Nhật Bản, Hải quân Mỹ, vùng áp thấp đang hoạt động trên vùng biển ngoài khơi phía Đông của Philippines có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão.
Một số kịch bản được nhận định có thể xảy ra với vùng áp thấp này, trong đó kịch bản có xác suất cao là vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão, đổi hướng di chuyển theo Tây Tây Bắc, quét qua đảo Luzon của Philippines rồi đi vào Biển Đông. Nếu kịch bản này xảy ra, trong tuần tới, Biển Đông có thể đón bão số 2.
Một kịch bản khác là vùng thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng Bắc, tiến về phía Đài Loan (Trung Quốc).
Windy dự báo, vùng áp thấp này có thể trở thành cơn bão mạnh ngoài khơi Phillipines, sau khi càn quét đảo Luzon của Philippines, bão có thể vào Biển Đông vào khoảng thứ Ba tuần sau (25/7).
Trước đó, trong ngày 14/7, một áp thấp nhiệt đới từ vùng biển phía Đông của Philippines cũng đi vào Biển Đông, chiều 15/7 mạnh lên thành bão số 1, tên quốc tế là bão Talim.
Sau khi đạt cường độ mạnh nhất khi áp sát bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, men theo đất liền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, suy yếu rất nhanh thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 10/2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trong đó khoảng thời gian từ nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, Biển Đông có thể đón 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (gồm cả bão số 1).
Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, trên Biển Đông có thể xuất hiện 2-4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động, khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.