Bộ phim "A Tourist’s Guide to Love" do đạo diễn Steven K. Tsuchida thực hiện, Dustin Nguyễn tư vấn sản xuất, được phát hành trên toàn cầu vào ngày 21/4. Kịch bản phim xoay quanh câu chuyện của một nữ chuyên viên ngành du lịch (Rachael Leigh Cook đóng). Sau khi chia tay người yêu, cô tham gia một đề án khám phá về ngành du lịch ở Việt Nam. Cô gặp hướng dẫn viên du lịch người Việt (Scott Ly) và bắt đầu chuyện tình mới. Họ trộm một chiếc xe bus du lịch để khám phá cuộc sống và tình yêu.

Biên kịch Eirene Trần Donohue: A Tourist’s Guide to Love là bức thư tình tôi gửi cho Việt Nam - Ảnh 1.

Scott Ly và Rachael Leigh Cook trong một cảnh phim A tourist’s guide to love. (Ảnh: Netflix)

Kịch bản "A Tourist’s Guide to Love" do Eirene Trần Donohue - người Mỹ gốc Việt viết, lấy cảm hứng từ chính những chuyến du lịch của cô khi trở lại khám phá cội nguồn. Khi nói về "đứa con" này, Eirene Trần Donohue nói đó là bức thư tình cô gửi cho Việt Nam, quê hương của mẹ cô và cũng là nơi cô gặp được tình yêu của cuộc đời mình.

"Bộ phim này như một lá thư tình tôi gửi cho Việt Nam. Vì thế, nó không thể làm ở một nơi nào khác ngoài nơi này, bạn không thể tìm thấy Hồ Gươm ở Thái Lan hay Philippines…" - Eirene Donohue cho biết – "Đa số các phim làm ở Mỹ về Việt Nam thường nói về chiến tranh, còn tôi muốn làm một bộ phim nói về vẻ đẹp của Việt Nam, về sự hiện đại của Việt Nam và về tình yêu ở Việt Nam. Đất nước Việt Nam mà tôi muốn thể hiện trong phim đưa đến cho thế giới thấy là một quốc gia rất đẹp, những con người nơi đây không phải khi nói tới chỉ là nạn nhân chiến tranh mà họ thực sự đang sống cuộc đời tại đất nước này".

Biên kịch Eirene Trần Donohue: A Tourist’s Guide to Love là bức thư tình tôi gửi cho Việt Nam - Ảnh 2.

Eirene Trần Donohue (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng các diễn viên phim "A Tourist’s Guide to Love" tại buổi gặp gỡ truyền thông sáng 20/4. (Ảnh: Netflix)

Eirene Trần Donohue có mẹ là người Việt, sinh ra tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, Việt Nam đối với cô không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là quê ngoại của mẹ mà đây còn là nơi mang đến cho Eirene Trần Donohue tình yêu.

"Một trong những kỷ niệm tuyệt vời nhất trong đời tôi là sau khi tôi tốt nghiệp đại học, cả gia đình tôi có cơ hội quay lại Việt Nam. Lúc đó là vào mùa đông. Chỉ hai ngày trước khi tôi về Việt Nam, anh bạn trai đã chia tay với tôi" - Eirene Donohue kể tiếp – "Trong thời gian tôi ở Hà Nội, tôi và chị mình đã tới một nhà hàng vào tuần cuối cùng. Ở nhà hàng lúc đó có 4 anh chàng rất bụi bặm đã ngồi sẵn và không còn chỗ cho tôi nữa. Trong số 4 anh chàng đó, tôi đã ngồi cạnh một anh chàng chuyên về nước khoáng người Canada".

"Lúc đó với tôi, anh chỉ là một câu chuyện tình thoáng qua trong chuyến du lịch này mà thôi. Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Nhưng khi trở về Mỹ, vài tháng sau tôi gặp lại anh ấy. Và 22 năm rồi, anh ấy đã trở thành ông xã của tôi và hiện tại chúng tôi có một đứa con 9 tuổi. Vì vậy, Hà Nội là một nơi rất đặc biệt với tôi. Tôi đã đến quán cà phê nơi gặp anh ấy, tôi suy nghĩ về cuộc đời từ thời điểm đó đến nay và đó cũng chính là một trong những cảm hứng cho tôi làm phim này", Eirene Donohue nói.

Biên kịch Eirene Trần Donohue: A Tourist’s Guide to Love là bức thư tình tôi gửi cho Việt Nam - Ảnh 3.

Eirene Trần Donohue trong buổi giao lưu với các sinh viên trường điện ảnh tại Hà Nội ngày 18/4. (Ảnh: Netflix)

Trước khi đến thành phố Hồ Chí Minh cho buổi họp báo ra mắt phim, nhà biên kịch Eirene Trần Donohue đã tổ chức một buổi chia sẻ, truyền cảm hứng cho gần 50 sinh viên đến từ những trường điện ảnh ở Hà Nội. Nữ biên kịch người Mỹ gốc Việt cho biết cô thường viết kịch bản phim hài tình cảm bởi cô thích thể loại này. 

"Tôi sẽ làm những bộ phim tôi thích xem" - Eirene Donohue chia sẻ - "Việc mình viết kịch bản phim sáng tạo sẽ phải ngồi cảm ngày, đầu óc chỉ xoay quanh việc đó thôi. Tôi muốn trong đầu tôi luôn nghĩ tới những việc tươi sáng, những điều hạnh phúc chứ không phải là viết những điều kinh dị đáng sợ thì cả ngày tôi sẽ thấy điều đó. Mọi người cũng thấy cuộc sống có quá nhiều những điều tối buồn bã nên trong phim tôi muốn cho mọi người thấy những điều tươi trẻ, hạnh phúc".

Theo Eirene Trần Donohue, những bạn trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp biên kịch cần một số yếu tố cơ bản, đó là sự tích lũy kinh nghiệm để tạo ra những nhân vật thật sự "sống", quan tâm tới thị trường phim ảnh và lòng kiên trì đến cùng với con đường của mình.

"Ai cũng có thể viết được nhưng muốn viết chuyên nghiệp thì phải có bài bản. Mình phải học cách viết kịch bản như thế nào, học từ những bản nháp của kịch bản khác, học từ các bộ phim mình đã xem và điều quan trọng là phải biết điều gì thực sự quan trọng cho một người biên kịch", Eirene Trần Donohue cho hay.

"Một khía cạnh khác là chúng ta phải khiến cuộc sống của mình thú vị trước đã. Mình viết về kinh nghiệm của chính mình vì thế từ kinh nghiệm này là tâm thế tò mò về thế giới này, tìm cách gặp được nhiều người hơn để học hỏi kinh nghiệm. Tôi bắt đầu sự nghiệp viết của mình những năm 30 tuổi, các bạn có thể bắt đầu ngay khi vừa tốt nghiệp nhưng bạn cũng có thể đi ra ngoài thế giới, làm những công việc khác để có kinh nghiệm khác. Như vậy, mình có thể đi ra ngoài, phiêu lưu và làm những công việc khác, gặp gỡ nhiều người để nghe trải nghiệm của họ. Từ đó mình sẽ có bí kíp riêng để viết ra những nhân vật phim chân thật, đi, đứng, nói, cười chứ không phải nhân vật giả".

Biên kịch Eirene Trần Donohue: A Tourist’s Guide to Love là bức thư tình tôi gửi cho Việt Nam - Ảnh 4.

Trong buổi giao lưu diễn ra vào ngày 18/4, gần 50 sinh viên đến từ những trường điện ảnh ở Hà Nội đã có cơ hội được trò chuyện với không chỉ biên kịch người Mỹ gốc Việt Eirene Trần Donohue mà còn được nghe những chia sẻ từ Giám đốc bộ phận Đầu tư và phát triển nhân tài sáng tạo tại Netflix, ông Christopher Mack.

"Ngoài việc sáng tạo, các bạn còn phải quan tâm đến hiện trạng làm phim ở chỗ bạn như thế nào, tức là phim đang có xu hướng gì, thể loại nào được mọi người yêu thích. Ngoài ra, cũng phải để ý các đơn vị sản xuất phim, để ý những ngôi sao nào đang nổi… Tôi biết mỗi biên kịch đều rất sáng tạo và tài năng nhưng nếu các nhà phân phối hay sản xuất đánh giá phim không ra tiền thì họ cũng không đầu tư tiền cho mình đâu. Như vậy, mình không đi theo con đường chuyên nghiệp được", nữ biên kịch nói tiếp.

"Điều quan trọng nữa khi muốn làm biên kịch phim là phải hơi điên điên, hoang tưởng chút xíu. Mọi người sẽ nói với bạn rằng nghề này rất khó, khả năng thành công rất ít nên mình phải có chút điên với nó" – cô bộc bạch – "Thật ra mọi người nói đúng, nghề này khó và khả năng thành công ít nhưng nếu bạn không tin mình thì không ai tin mình cả. Mình phải tin mình là người đó, là người thành công thì những người khác đã bỏ cuộc thì mình chính là người tiếp tục đi trên con đường này".