Cơ duyên nào đã tạo ra sự kết hợp giữa Thanh Hằng và Kim?
Tôi nghĩ, mọi sự khởi đầu chính là Thanh Hằng. Dù sau khi phim Mẹ Chồng công chiếu, một số bạn bè tôi có nhận xét, Mẹ Chồng có chất văn học và hỏi tôi có ý định viết sách không. Nhưng tôi không để tâm lắm.
Một ngày đầu tháng 6/2021, khi thành phố bắt đầu đợt giãn cách thứ nhất, nhiều hoạt động đã phải dừng lại, thì tôi nhận được cuộc gọi từ nhà sản xuất Live On (NSX phim Mẹ Chồng) chuyển ý của Thanh Hằng. Theo đó, Thanh Hằng muốn tái sinh Ba Trân (nhân vật nữ chính phim Mẹ Chồng do Thanh Hằng thủ vai), tái sinh câu chuyện Mẹ Chồng trong không gian văn học. Chính xác là cô ấy muốn biên kịch chúng tôi chuyển thể kịch bản điện ảnh Mẹ Chồng thành tiểu thuyết Mẹ Chồng. Tôi và đồng biên kịch TotoChan đã rất xúc động và cảm kích vì không nghĩ là sau 4 năm, Hằng vẫn trăn trở với nhân vật, với bộ phim mà cô ấy đã dành rất nhiều tâm sức và muốn một lần nữa được tái sinh câu chuyện ấy dưới một diện mạo mới.
Nhân vật Ba Trân là nhân vật chị đã đo ni đóng giày cho Thanh Hằng?
Thật ra thì khi viết kịch bản, khi tạo nên hình tượng Ba Trân hay tất cả các nhân vật trong câu chuyện Mẹ Chồng, tôi chẳng nghĩ đến diễn viên nào cả. Tôi rất dị ứng với việc sáng tạo "đo ni đóng giày" vì có cảm giác sự sáng tạo sẽ bị bó buộc. ,Nên khi viết, tôi chỉ hình dung mọi thứ xoay quanh nhân vật trong tưởng tượng của mình, phụng sự cho nhân vật, cho câu chuyện của mình. Cho đến khi, đạo diễn cho chúng tôi biết, Thanh Hằng sẽ là người đảm nhiệm vai Ba Trân thì ngay lúc đó tôi đã bật ra "Đúng là cô ấy rồi. Nếu không phải Thanh Hằng thì sẽ là ai bây giờ? Cái sức mạnh, sức khí của Thanh Hằng đã khiến cho tôi tin rằng, Thanh Hằng chính là Ba Trân. Cô ấy thật sự thấu hiểu Ba Trân hơn ai hết.
Sau này, Hằng có chia sẻ với tôi: Em biết chị thương nhân vật quá nên bảo bọc và tôn thờ nhân vật. Điều đó cũng hay nhưng hay là chị thả nhân vật ra một chút để người ta thương nhân vật cùng mình, dễ ôm nhân vật của mình vào lòng hơn. Tôi rất cảm kích trước lời chia sẻ này của một diễn viên dành cho nhân vật của mình. Đó cũng là cách mà Hằng tương tác với tôi trong hành trình thực hiện cuốn tiểu thuyết này. Hằng không viết cuốn tiểu thuyết này, nhưng những cảm xúc của Hằng dành cho Ba Trân hay những cảm xúc của Ba Trân - Thanh Hằng đã được tôi tiếp nhận để sáng tạo. Hơn nữa, Thanh Hằng chính là người chủ ý tạo ra concept này, việc thực hiện sách với hình thức, diện mạo ra sao, làm thêm sách nói như thế nào, đều là do chủ ý của Thanh Hằng.
Các nhân vật mà chị tạo ra có bị ảnh hưởng bởi tính cách hoặc những tổn thương, hoài bão của bản thân không?
Tôi không bưng những tổn thương của mình vào nhân vật vì như vậy sẽ nhanh cạn và một màu. Khi sáng tác, tôi chỉ theo nguyên tắc, phụng sự câu chuyện mà mình mong muốn mang lại cho khán giả, độc giả; và dĩ nhiên tôi nhìn góc nhìn thấu cảm của mình cho các nhân vật mà tôi sáng tạo, đó là góc nhìn và sự thấu cảm dành cho cuộc sống, cho những người sống quanh tôi. Tôi chỉ đưa quan điểm sống của mình vào nhân vật mà thôi.
Như khi tôi viết về Mẹ Chồng với tổn thương của những người phụ nữ trong "đống tro tàn" phong kiến, tôi dùng sự thấu cảm dành cho mẹ tôi, cho bà tôi và những người cùng thời với họ. Cuộc đời làm dâu của Mẹ tôi cũng sóng gió lắm. Vì Mẹ là một tiểu thư con địa chủ, được gả cho bố là con trai một của một gia đình buôn bán nhỏ. Bà nội tôi vốn đã mang nặng tư tưởng phong kiến, có những định kiến với con dâu lại càng khắc nghiệt hơn khi con dâu - là mẹ tôi - còn nhiều vụng về. Tôi thương Mẹ nhưng cũng không trách bà nội hay bà ngoại mình, tôi đều dành cho họ sự thấu cảm hiểu rõ rằng họ đều là nạn nhân của tư tưởng và định kiến.
Về ảnh hưởng thì tôi lại thấy mình bị ảnh hưởng bởi nhân vật. Tôi không mạnh mẽ, không quyết đoán, không bứt phá ra khỏi vòng an toàn nhưng các nhân vật của tôi họ đã có một cuộc đời quyết liệt với bản thân của họ, dù rằng mỗi nhân vật trải qua không gian, đời sống khác nhau như: Lệ Liễu, Mẹ Tuệ hay cả Ba Trân.
Các nhân vật trong "Mẹ chồng", dù là phụ nhưng đều có câu chuyện rất riêng của họ?
Nhiều bạn sau khi coi phim và đọc sách đã liên lạc cũng như chia sẻ của tôi về cảm nhận nhân vật. Đọc tiểu thuyết mới hiểu vì sao bà Hai Lịnh lại cực đoan, cay nghiệt đến vậy. Và họ rất thương Bà Hai Lịnh chứ không trách giận như sau khi xem phim. Hoặc nhân vật Hai Đìa, yêu Ba Trân nên đã trở thành người lặng lẽ ở phía sau, tuyệt đối trung thành, làm tất cả mọi thứ vì Ba Trân nhưng đến nhìn thẳng mặt người mình yêu cũng không thể. Đó chính là điều tác giả chúng tôi mong muốn vì ý đồ của chúng tôi, tất cả các nhân vật trong phim đều là nạn nhân của tư tưởng và định kiến.
Nếu coi câu chuyện là rừng thì có thể xem hệ thống nhân vật là thảm thực vật của rừng. Có cây lớn, cây nhỏ, cây cao, cây thấp, cây cổ thụ, cây thân thảo… Nhưng tất cả đều hòa quyện và cộng sinh với nhau để tạo nên vẻ đẹp và sự bền vững của rừng. Mỗi một cây dù nhỏ nhưng nếu ta biết nguồn gốc và đặc tính sinh trưởng của nó ta sẽ thấy rõ vai trò trong sự cộng sinh với cây lớn để tạo nên vẻ đẹp của rừng. Bởi thế, ở tuyến nhân vật phụ tôi cũng như chị TotoChan khi viết kịch bản luôn cố gắng để họ không là cái bóng mờ nhạt mà đều có riêng câu chuyện của mình. Đó cũng là cách chúng tôi giải thích mọi nguồn cơn về số phận cũng như bi kịch của nhân vật chính.
Được biết, "Mẹ chồng" đã có lời đề nghị mua bản quyền để phát triển phim truyền hình dài tập Mẹ chồng?
Đúng vậy. Tôi rất vui, bất ngờ vì sau khi ra sách thì chỉ vài ngày sau đã nhận đến 3 lời đề nghị mua bản quyền để chuyển thể thành phim truyền hình. Đứa con của mình ra đời 4 năm rồi mà được tái sinh và nhận được sự yêu thương của mọi người như vậy thì bà mẹ quê là tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa.
KIM sinh ngày 16/7/1975 tại Thái Nguyên. Cô từng theo học và nhận bằng Cử nhân báo chí năm 1997 và có 12 năm làm phóng viên, biên tập viên tại các báo trong nước.
Năm 2009 cô chuyển hướng theo học Khoa Đạo diễn Trường Cao Đẳng Sân Khấu Điện Ảnh Tp.HCM và tốt nghiệp năm 2012. Là biên kịch của các tác phẩm: Lô Tô; Mẹ Chồng; Hạnh Phúc Của Mẹ; Quỳnh Hoa Nhất Dạ ( tất cả đều đồng biên kịch với Biên kịch Ngọc Bích - Totochan).
Năm 2019 cô nhận giải thưởng Cánh Diều Vàng ở hạng mục Biên Kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh với phim Hạnh Phúc Của Mẹ.