Hiện tượng lây nhiễm thứ phát là từ F1 trở thành F0. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với 12.000 hộ gia đình và phân tích tỷ lệ lây nhiễm thứ phát đối với cả hai loại biến thể Omicron và Delta. Kết quả cho thấy Omicron có khả năng gây lây nhiễm thứ phát cao gấp 2,7-3,7 lần so với Delta trong cộng đồng những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, đối với những người đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản của vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ này là 2,61 lần, và đối với những người đã được tiêm mũi tăng cường, Omicron gây tỷ lệ lây nhiễm thứ phát cao hơn 3,66 lần so với Delta. Trong khi đó, trong cộng đồng những người chưa tiêm phòng COVID-19, tỷ lệ lây nhiễm thứ phát do Omicron chỉ cao hơn 1,17 lần so với Delta.
Như vậy, những người chưa được tiêm phòng đều có nguy cơ cao nhiễm biến thể Omicron hoặc biến thể Delta, nhưng những người đã tiêm phòng thì có nguy cơ nhiễm Omicron cao hơn nhiều so với khả năng nhiễm Delta.
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Imperial College London (Anh) thực hiện, biến thể Omicron cũng có khả năng né tránh kháng thể sinh ra trong cơ thể những người từng mắc bệnh COVID-19 trước đó. Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng tái mắc COVID-19 với biến thể Omicron là cao hơn 5,41 lần so với Delta.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù Omicron có thể dễ dàng né tránh kháng thể, nhưng biến thể này gây bệnh nhẹ hơn so với Delta. Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Imperial College London, tỷ lệ những người bị nhiễm Omicron có nguy cơ phải điều trị nội trú ít nhất một đêm là hơn 40%. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy "nguy cơ gây tổn thương phổi do Omicron thấp hơn đáng kể so với virus SARS-CoV-2 ban đầu".