Phát biểu trên chương trình truyền hình Ruang Bicara tối 15/2, bà Arip cho biết: "Biến thể Omicron cũng không gây sốt cao như biến thể Delta, trong khi đau đầu và buồn nôn là hai trong số các triệu chứng chủ yếu khi nhiễm Omicron". Bà cũng cho biết thời gian xuất hiện các triệu chứng khi nhiễm Omicron là khoảng 5 ngày, ngắn hơn so với biến thể Delta. Bà khuyến nghị những người có triệu chứng sốt và đau đầu nên được điều trị ngay lập tức.
Tiến sĩ Arip lưu ý rằng người dân cần chủ động điều trị ngay khi có triệu chứng, luôn đảm bảo cách ly và tiêm vaccine tăng cường nhằm tăng miễn dịch.
Trong một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Chemical Senses, số người thông báo có triệu chứng mất vị giác đã tăng nhanh trong 2 năm gần đây. Sự không hoạt động của vị giác được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau như mất vị giác hoàn toàn (ageusia), mất vị giác một phần (hypogeusia) và rối loạn vị giác (dysgeusia).
Mục đích của nghiên cứu trên là tìm hiểu xem việc xuất hiện tình trạng mất vị giác có đúng là triệu chứng của COVID-19 hay không. Nghi ngờ của họ xuất phát từ thực tế là hiện tượng mất vị giác hiếm khi xảy ra trước khi mắc COVID-19 và thường bị nhầm với mất khứu giác vì hai giác quan này có liên hệ mật thiết với nhau.
Các nhà khoa học từ Trung tâm Cảm nhận hóa học Monell đã chứng minh rằng hiện tượng mất vị giác chính là triệu chứng khi nhiễm COVID-19 và tách biệt với mất khứu giác. Nghiên cứu đã xem mức độ mất vị giác ở các bệnh nhân COVID-19. Kết quả cũng cho thấy tuổi tác và giới tính ảnh hưởng đến mức độ mất vị giác. Người trung niên (36-50 tuổi) xuất hiện triệu chứng này nhiều nhất trong số các nhóm tuổi, và bệnh nhân nữ có nguy cơ mất vị giác cao hơn bệnh nhân nam. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh cần đưa nội dung kiểm tra vị giác vào danh mục khám bệnh tiêu chuẩn, ví dụ như trong các đợt khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp các bác sĩ xác định được trường hợp mất vị giác là do COVID kéo dài, tuổi tác hay do tác dụng phụ của thuốc.