Làm sao để sống hòa thuận được với mẹ chồng luôn là câu hỏi lớn được các nàng dâu trăn trở. Nhiều người bảo, thôi thì cứ sống hết mình, lo trọn bổn phận dâu hiền, vợ thảo ắt nhà chồng sẽ nhận ra mà yêu thương, tôn trọng lại. Song thực tế cuộc sống làm dâu không đơn giản như vậy, giống câu chuyện của Phương Thanh chia sẻ dưới đây, hẳn nhiều người nghe xong sẽ hình dung được đâu đó có bóng dáng mình trong đó.
Thanh tâm sự, vợ chồng cô lấy nhau được 3 năm, vì chồng cô là con trai độc nhất trong gia đình, bố chồng lại mất từ lâu, em gái đã lập gia đình nên dù có điều kiện nhưng chồng cô vẫn nhất quyết không ra ở riêng. Anh nói không thể để mẹ ở một mình được. Hoàn cảnh như vậy, Thanh đành chấp nhận sống chung với mẹ chồng.
Thanh kể, mẹ chồng cô khó tính mà hay để ý con dâu lắm. Ngay sau hôm cưới, bà đã dành cả 1 ngày để giảng giải những phép tắc, quy định riêng của gia đình, yêu cầu cô làm theo. Nào là con dâu phải dậy trước 5h sáng, cơm nước, quần áo, nhà cửa tinh tươm xong mới được đi làm.
Ảnh minh họa
Nhiều hôm công việc cơ quan áp lực, đêm lại làm thêm đến muộn nên sáng ra Thanh muốn ngủ cố thêm chút nữa mà mẹ chồng cô đã gõ cửa ầm ầm gọi con dâu. Rồi kiểu gì cả ngày hôm ấy bà cũng tỏ thái độ bực dọc, lên lớp Thanh rằng phụ nữ có gia đình rồi phải có ý thức, sống theo khuôn khổ sau này mới dạy được con.
Lắm khi oải quá, Thanh cũng muốn nói lại mẹ chồng vài câu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại làm thế không khí gia đình thêm căng thẳng, chồng cô lại thêm đau đầu.
Mệt nhất là lúc nào mẹ chồng Thanh cũng nghi ngờ con dâu giấu tiền về cho nhà đẻ. Chẳng là chồng Thanh cũng làm trưởng bộ phận nhân sự của một công ty truyền thông, tài chính kinh tế hai vợ chồng khá dư giả. Lúc đầu bà còn muốn vợ chồng Thanh đưa lương cho bà giữ hộ, song cô không đồng ý. Thanh bảo có lẽ đó chính là 1 phần lý do bà luôn tỏ ra không thân thiện gần gũi con dâu.
Thi thoảng bà vẫn bóng gió nói Thanh ghê gớm. Có lần cô còn vô tình nghe được bà nói chuyện với con trai trong phòng riêng: "Đàn ông đừng tin vợ quá mà giao hết tiền cho vợ. Nó mang về cho bố mẹ đẻ, con quản sao được".
Nghe những lời sau lưng ấy của mẹ chồng, Thanh buồn lắm. Cảm thấy hụt hẫng, tủi thân vô cùng. Song được cái chồng cô là người biết sống, không nghe mẹ mà hắt hủi vợ bao giờ nên Thanh cũng còn có động lực cố gắng.
Đến một hôm, mẹ Thanh dưới quê bị ốm. Vì công việc bận quá cô chưa thu xếp về thăm bà được. Tiện có em gái về, Thanh gọi điện bảo chuyển khoản nhờ em mang biếu bà 1 triệu giúp cô. Thế nào mẹ chồng Thanh đứng ngoài nghe thấy, bà chẹp miệng đi vào bảo luôn con dâu:
"Đấy, tôi nói có sai đâu, đúng là mẹ con tôi nuôi ong tay áo. Cô bỏ cái kiểu lấy chồng rồi mà cứ suốt ngày lo chuyện nhà đẻ đi nhé. Không có kiểu ăn cơm nhà nội, mang tiền về cho nhà ngoại như thế đâu. Tôi là tôi ghét nhất cái kiểu đó". Thanh kể nghe bà nói thế cô ấm ức lắm mà giải thích thì mẹ chồng cứ xua tay.
Ảnh minh họa
Cho đến hôm ấy, em chồng Thanh về chơi. Vừa bước vào nhà, cô ấy đã rút ví 2 triệu ra biếu mẹ. Thanh nhanh chí chạy lại gần em chồng:
"Ấy chết, cô nó cất tiền đi ngay. Cô không biết là mẹ ghét nhất kiểu con gái đi lấy chồng rồi mà còn mang tiền cho nhà đẻ à. Mẹ cấm chị không được ăn cơm nhà nội, rồi mang tiền của cho nhà ngoại đó".
Nghe chị dâu nói thế, em chồng Thanh ngây người, mẹ chồng thì ngắn tũn mặt, đứng ú ớ không biết nói lại thế nào. May em chồng Thanh tinh ý, lại là người hiểu chuyện nên cô ấy nhanh nhảu bảo luôn với mẹ:
"Mẹ nói như thế là không được, chị dâu cũng như con, tuy đã đi lấy chồng thật những vẫn phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm lo cho bố mẹ đẻ chứ. Mẹ nghĩ thế nào nếu giờ bố mẹ chồng con cũng cấm đoán không cho con quan tâm nhà đẻ?".
Nghe con gái nói, mẹ chồng Thanh có chút xấu hổ đuối lý. Thanh bảo sau khi được con gái phân tích, bà mới như vỡ lẽ, từ đó thay đổi hẳn thái độ với con dâu, không những không bắt bẻ mà còn ra chiều tâm lý với Thanh hơn. Được như vậy, Thanh cũng lấy làm mừng.