7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán đang dần trôi qua, từ mai sẽ là ngày đầu tiên làm việc của năm mới Canh Tý 2020. Có thể một vài người còn đang hân hoan trong không khí rộn ràng của năm mới, vài người khác thì tiếc nuối những ngày nghỉ thảnh thơi. Còn ở đâu đó, có một vài người vẫn chìm trong nỗi sầu thất bại kéo dài từ năm cũ sang năm mới.
Có thể một vài biến cố đã xảy ra với họ: Bị đuổi việc, bị hạ lương, bị đối xử tệ nơi làm việc, cảm thấy bản thân không có năng lực... Nhưng điểm chung của tất thảy những người này là họ chưa tìm được lối đi cho chính mình. Vậy chả nhẽ cứ đắm chìm mãi trong sự mệt mỏi kéo dài hay sao?
Thức tỉnh đi, có một bài thuốc hữu ích cho bạn đây: Hãy biết ơn vào những gì tồi tệ đã xảy ra!
Minh Hiếu từng là nhân viên phụ trách lên kế hoạch truyền thông cho một Agency ở Hà Nội. Start-up này được lập nên bởi những người bạn chơi cùng nhau và Hiếu là một trong số đó. Thời gian đầu làm việc, mọi thứ đều mới mẻ, ai nấy cũng tràn trề nhiệt huyết cống hiến cho đứa con của mình.
Tuy nhiên, vì một vài lý do khách quan: Leader tổng không giỏi trong việc chèo lái, lương thấp, các khách hàng làm ăn thua lỗ... nên start-up này sớm lâm vào tình trạng bệ rạc, chán chường. Nhân viên của công ty rời đi dần dần, giờ đây ở lại chỉ còn là những người bạn chơi với nhau.
Một chuyện không ngờ đã xảy ra: 3/4 người bạn lập start-up này đã bí mật oẳn tù tì để quyết định xem có nên sa thải Minh Hiếu hay không. Thực ra Hiếu là một người có tài, nhưng chẳng qua không cùng quan điểm xây dựng công ty với những người còn lại nên anh mới lâm vào tình cảnh đáng thương như vậy.
Và kết quả là Hiếu bị sa thải. Nhưng anh không hề biết đã có vụ oẳn tù tì đáng sợ kia. Hiếu bắt đầu chìm vào nỗi thất bại. Anh luôn nghĩ mình là kẻ kém cỏi, bị bỏ lại phía sau và chẳng có tài cán gì. Suốt 6 tháng sau khi bị sa thải, Hiếu thậm chí không dám gặp lại những người bạn cũ và không dám apply cho một công việc mới nào.
Những tưởng cơn mê trong nỗi thất bại sẽ kéo dài, nhưng may sao lúc ấy một người bạn khác của Hiếu đã kịp đến thức tỉnh anh, rằng hãy biết ơn vào những gì tồi tệ đã xảy ra.
Người bạn này dạy Hiếu, hãy biết ơn rằng mình được thất bại để trưởng thành, để tìm một cơ hội mới. Có thể năng lực của Hiếu không đáng để phải ở làm làm việc cùng những người bạn kia. Cậu xứng đáng có một môi trường làm việc chuyên nghiệp và chỉn chu hơn.
Biết ơn vào điều tồi tệ, Hiếu đã không trách những khách hàng ngày ấy rời bỏ công ty. Cậu đã thiết lập lại mối quan hệ công việc với họ và may mắn, cậu được giới thiệu vào làm ở chính doanh nghiệp ấy. Công việc mới có mức lương tốt hơn và môi trường hấp dẫn, tuyệt vời.
Biết ơn vào điều tồi tệ, cậu không còn trách những người bạn cũ mà cậu đã đi kết thân với những người khác. Bạn mới như một luồng sinh khí tích cực làm cuộc sống của Hiếu trở nên tốt đẹp hơn.
Và biết ơn vào điều tồi tệ, nên Hiếu hiểu rằng, thất bại sẽ là bàn đạp của thành công. Phải có thất bại, cậu mới nhìn ra được thiếu sót của mình và tránh những sai lầm ấy trong tương lai. Giờ đây, Hiếu nghĩ nếu không có những điều tồi tệ ấy, cậu sẽ không có được như ngày hôm nay.
Chắc hẳn không chỉ mỗi Minh Hiếu mà nhiều chị em công sở cũng đã từng ít nhiều nếm mùi thất bại, đắng cay trong năm 2019. Điều quan trọng là bạn hãy cứ tin tưởng vào tương lai cũng như nhìn ra lý do vì sao mình thất bại để không vấp phải sai lầm lần 2 trong năm tới.
Một cánh cửa đóng lại là lúc cánh cửa khác mở ra. Mọi chuyện đến cuối cùng rồi sẽ ổn, còn nếu chưa ổn, tức là chuyện này chưa đến hồi kết!