Trước sự đô thị hóa mạnh mẽ, dường như những căn nhà cổ kính xưa cũ dần bị thay thế bởi những tòa nhà, công trình thể hiện sự giàu có, xa hoa của gia chủ. Rất ít người mong muốn và giữ gìn những điều xưa cũ ngay trong chính căn nhà mình đang sống.

Căn nhà cổ 100m2 trên tầng thượng biệt thự 5 tầng

Và một căn biệt thự kiên cố, hiện đại cao 5 tầng rộng gần 500m2, nhưng trên sân thượng lại mở ra một không gian nhà cổ với mái ngói, trụ gỗ, sập gụ tủ chè... cho cảm giác yên bình và dung dị vô cùng.

nhà cổ - Ảnh 1.

Trên tầng thượng của một căn biệt thự rộng gần 500m2, gia chủ đã dựng một căn nhà gỗ rộng 100m2, có cả sân vườn, cây cối, khung cảnh không khác gì một căn nhà cổ của làng quê Bắc Bộ. Được biết căn nhà cổ trải qua 4 thế hệ và đã có tuổi đời lên tới 100 năm.

Gia chủ vốn là người làm trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc, muốn giữ gìn truyền thống lâu đời của gia đình cũng như mong muốn tạo dựng được một công trình có sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống nên đã quyết định di dời căn nhà cổ lên biệt thự 5 tầng.

Chi 1 tỷ đồng "cẩu" căn nhà cổ lên tầng thượng

Ngôi nhà cổ được gia chủ di dời từ mặt đất lên trên tầng thượng, chứ không phải xây mới như nhiều người vẫn tưởng.

nhà cổ - Ảnh 2.

Gia chủ đã phải huy động đội nghệ nhân gỗ lành nghề nghiên cứu và ghi nhớ các chi tiết của căn nhà cổ. Sau đó, bắt đầu tháo dỡ toàn bộ ngói, cột kèo, vách rồi đưa về làng nghề Quốc Oai để kiểm tra. Những khối gỗ đã mục nát theo thời gian sẽ được thay thế, những chi tiết còn lại được giữ nguyên hiện trạng.

Khi đã đủ nguyên liệu, ngôi nhà được dựng lên đúng như nguyên mẫu. Bước này được lắp đặt trước để gia chủ kiểm nghiệm lại công trình, cuối cùng khi đã thực sự ưng ý, căn nhà lại tháo ra rồi đưa về biệt thự, và dùng cần cẩu di dời lên tầng thượng để lắp đặt. Gia chủ đã mất 8 tháng để hoàn thành căn nhà cổ này và tổng chi phí cho việc di dời lên đến 1 tỷ đồng.

Căn nhà cổ rộng 100m2, trong đó là không gian thờ tự của gia đình gia chủ. Bên trong được gia chủ bài trí với bộ bàn ghế gỗ, sập gụ tủ chè, câu đối... được chạm trổ tinh xảo theo đúng với nét văn hóa truyền thống lâu đời của làng quê Bắc Bộ.

nhà cổ - Ảnh 4.

nhà cổ - Ảnh 6.

Bên cạnh gian nhà cổ là một không gian hiện đại khác nhưng gia chủ vẫn để nguyên tường gạch, ngói đỏ để hòa quyện cùng nét truyền thống xưa cũ của căn nhà trăm tuổi. Tất cả mọi không gian, chi tiết thiết kế trên tầng thượng đều "nhuộm màu "thời gian, thể hiện sự hoài niệm và cổ kính, tạo cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khi chiêm ngưỡng căn nhà.

Trên tầng thượng là không gian hoài niệm, cổ kính, bên dưới biệt thự, các tầng lầu cũng được gia chủ thiết kế và bài chí đậm chất nghệ thuật. Là gia đình theo nghệ thuật điêu khắc, nên mỗi tầng lầu trong biệt thự đều chứa đựng rất nhiều những tác phẩm điêu khắc, những bức tranh, bức tượng... của gia chủ.

Được biết gia chủ của công trình này là nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ và Quỳnh Liên. Gia đình anh chị có truyền thống hoạt động nghệ thuật, bố của anh Nguyễn Văn Vũ là họa sĩ Nguyễn Văn Chư.

Tầng 1 là phòng trưng bày một số tác phẩm điêu khắc, tranh, hồ cá... và vườn cây. Tầng lửng trưng bày tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Chư.

Tầng 2 là khu vực văn phòng. Trên tầng 3 là không gian sinh hoạt chung của gia đình với ba phòng ngủ. Tầng 5 có một phòng tập thể thao, phòng kỹ thuật. Ngoài tầng thượng là căn nhà cổ, một góc sân thượng khác, gia chủ còn thiết kế như một công viên thu nhỏ để mọi người ghé qua ngắm cảnh và hàn huyên tâm sự.

Biệt thự 500m2, "độc nhất vô nhị" ở Hà Nội: Gia chủ chi tiền tỷ để "cẩu" căn nhà cổ 100 tuổi lên tầng thượng  - Ảnh 9.

(Nguồn: Điêu Khắc Liên Vũ, Aikofarm, Invest TV)