Đoạn video dài khoảng 27 giây được đăng tải trên mạng xã hội Twitter cho thấy cảnh đám đông biểu tình đang ném các vật thể vào một chiếc của Sở cảnh sát TP New York, phía trước chiếc xe có một rào chắn được đặt ngăn cách.

Chiếc xe này sau đó đã tông qua rào chắn và lao vào nhóm biểu tình. Khi đám đông đang hò hét và kêu la, có một người được trông thấy đã nhảy lên nóc chiếc xe ô tô.

Hiện vẫn chưa rõ thương vong sau sự việc.

Vụ việc nói trên đã châm ngòi thêm vào "ngọn lửa" tiêu cực giữa cảnh sát và người dân. Hiện có rất nhiều cuộc biểu tình bạo động nổ ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd do cảnh sát TP Minneapolis gây ra.

Biểu tình bạo lực ở Mỹ: Xe cảnh sát vượt rào tông vào đám đông - Ảnh 1.

Chiếc xe tải của Sở Cảnh sát TP New York tông vào nhóm biểu tình hôm 30-5. Ảnh: Twitter/@pgarapon


Thị trưởng TP New York Bill de Blasio cho biết đang điều tra vụ việc nhưng nhấn mạnh rằng các nhân viên cảnh sát không còn lựa chọn khác tại thời điểm đó.

"Tôi sẽ khiển trách các nhân viên cảnh sát, những người đã giải quyết vấn đề như thế trong tình huống hoàn toàn bất khả kháng đó. Người dân vây quanh chiếc xe cảnh sát đã sai và họ đã gây ra một tình huống khó khăn. Tôi ước các nhân viên cảnh sát có thể tìm cách khác." – Ông Bill de Blasio nói.

Thị trưởng cũng cho biết ông đang trao đổi với lãnh đạo của các nhóm cộng đồng và có khả năng rằng trong số những người biểu tình cố ý gây kích động bạo lực gồm có những người từ nơi khác đến TP New York.

Ông de Blasio nói: "Đại diện cho các nhóm cộng đồng và cư dân của thành phố chúng ta không tham gia vào các cuộc biểu tình bạo lực và tiêu cực như thế này".

Hôm 30-5 được đánh dấu là đêm thứ 5 biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ sau cái chết của ông George Floyd, một người đàn ông da màu đã bị nhân viên cảnh sát TP Minneapolis quỳ đè lên cổ trong gần 9 phút.

Derek Chauvin, 44 tuổi, cảnh sát chẹt cổ ông Floyd khiến nạn nhân tử vong, bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát do bất cẩn. Người này dự kiến ra tòa vào ngày 1-6 tại tòa quận Hennepin, bang Minnesota. 3 cảnh sát còn lại cũng đang bị điều tra và có khả năng sẽ bị truy tố.

Tính đến chiều 31-5, có gần 1.400 người bị bắt vì biểu tình bạo động ở 17 thành phố khắp nước Mỹ.