Cập nhật lúc ...

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 23/2: F0 là trẻ em tăng cao, Bộ Y tế cập nhật phác đồ điều trị mới; Người khỏi bệnh có thể gặp hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19

0  diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 0:05:03:00 23/02/2022

    Cập nhật chi tiết cấp độ dịch tại 63 tỉnh, thành phố

    Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là vùng cam và vùng đỏ. So với cập nhật cấp độ dịch ngày 9/2, ở thời điểm đó cả nước có 48 tỉnh, thành thuộc vùng xanh, 15 tỉnh, thành thuộc vùng vàng thì đến ngày 22/2, số tỉnh, thành vùng xanh đã giảm 3 địa phương; tỉnh, thành vùng vàng tăng thêm 3 địa phương.

    Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 6.597 xã, phường là vùng xanh, chiếm 62,2% (cập nhật ngày 9/2, cả nước có 8.106 chiếm 76,4%); Có 2.668 xã, phường thuộc vùng vàng chiếm 25,2% (tăng thêm 531 xã, phường so với ngày 9/2); Có 1.076 xã, phường là vùng cam, chiếm 10,1% (tăng 745 xã, phường so với ngày 13/2). Đến nay, cả nước có 244 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 3,3% (tăng thêm 210 xã, phường so với đánh giá ngày 9/2).

    Danh sách 45 tỉnh, thành thuộc vùng xanh gồm:

    Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, TP Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TPHCM, Trà Vinh.

    18 tỉnh, thành thuộc vùng vàng:

    Bình Phước, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.

    Theo quy định, vùng xanh sẽ được nới lỏng nhiều dịch vụ; vùng cam phải hạn chế một số hoạt động.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:04:00:00 23/02/2022

    Cách giảm nhẹ các triệu chứng COVID-19 tại nhà

    Nếu bạn bị nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bạn sẽ phải cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho người khác. Một số cách dưới đây có thể giúp bạn làm giảm nhẹ các triệu chứng của COVID-19.

    1. Các triệu chứng của COVID-19

    1.1 Các triệu chứng COVID-19 dạng nhẹ

    • Sốt hoặc ớn lạnh
    • Ho
    • Nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau họng
    • Mệt mỏi
    • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
    • Tiêu chảy
    • Buồn nôn hoặc các vấn đề khác…

    1.2 Các dấu hiệu và triệu chứng của COVID-19 nghiêm trọng cần phải cấp cứu

    • Khó thở
    • Đau dai dẳng hoặc cảm thấy áp lực trong ngực
    • Nhầm lẫn mới
    • Không có khả năng thức dậy hoặc không tỉnh táo
    • Môi, da hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam (tùy thuộc vào màu da)
    photo-1645519538906

    Nghẹt mũi là một triệu chứng phổ biến của COVID-19.

    Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), các tình trạng sau đây làm tăng nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng:

    • Bệnh ung thư
    • Bệnh thận mãn tính
    • Các bệnh phổi mãn tính, bao gồm COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), hen suyễn (trung bình đến nặng), bệnh phổi kẽ, xơ nang…
    • Bệnh lao
    • Sa sút trí tuệ hoặc các tình trạng thần kinh khác
    • Bệnh tiểu đường (loại 1 hoặc loại 2)
    • Hội chứng Down
    • Tình trạng tim (suy tim, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, tăng huyết áp…)
    • Nhiễm HIV
    • Tình trạng suy giảm miễn dịch, bao gồm hệ thống miễn dịch suy yếu do sử dụng kéo dài corticosteroid hoặc các loại thuốc làm suy giảm miễn dịch khác.

       

      Lưu ý: Một số người mắc bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch của họ có thể có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng.
    • Bệnh gan
    • Thừa cân và béo phì
    • Thai kỳ
    • Hút thuốc, hiện tại hoặc trong quá khứ
    • Đột quỵ hoặc bệnh mạch máu não, ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não
    • Tình trạng sức khỏe tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn tâm trạng và rối loạn phổ tâm than phân liệt.
    • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện

    2. Các biện pháp tự nhiên ứng phó với triệu chứng COVID-19 nhẹ

    photo-1645519541573

    - Khó thở: Nếu bạn đang có các triệu chứng khó thở, bạn nên nằm sấp hoặc úp mặt xuống thay vì nằm ngửa.

    - Hụt hơi: Nếu khó thở khiến bạn lo lắng, bác sĩ có thể tư vấn các bài tập thở có thể hữu ích. Có thể tham khảo thực hiện một kỹ thuật thở đơn giản để giúp giảm căng thẳng liên quan đến COVID-19.

    Một nghiên cứu công bố vào tháng 7/2021 trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng cho thấy, trong các trường hợp nhiễm trùng nhẹ hoặc trung bình, duy trì hoạt động thể chất, ngủ bảy giờ mỗi ngày hoặc hơn, uống 2 lít nước trở lên mỗi ngày và tiêu thụ nhiều protein có nguồn gốc thực vật hơn… có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi sớm và an toàn từ COVID-19.

    - Ho: Để giúp kiểm soát cơn ho, hãy thử giảm ho bằng uống nước ấm hoặc trà nóng với chanh.

    - Mất nước: Để giảm nguy cơ mất nước, hãy uống nước thường xuyên và duy trì ăn uống. 

    Cố gắng uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Nếu mất nước do sốt, có thể bổ sung dung dịch điện giải như oserol.

    - Chán ăn: Để ăn uống dễ dàng hơn, hãy chọn những thức ăn dễ tiêu hóa, lỏng cho dễ nuốt. Mặc dù mất vị giác và khứu giác có thể khiến thức ăn không ngon miệng, nhưng chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bạn hồi phục sức khỏe nhanh hơn.

    3. Dùng thuốc không kê đơn cho COVID-19

    photo-1645519544045

    Một số loại thuốc không kê đơn có thể cải thiện các triệu chứng của COVID-19:

    3.1 Sốt, đau đầu hoặc đau nhức toàn thân: Nếu sốt trên 38,5 độ C hoặc/và đau nhức toàn thân… có thể dùng acetaminophen (tylenol), naproxen hoặc ibuprofen. Cần lưu ý, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đảm bảo dùng đúng liều lượng, khoảng cách giữa các liều dùng thuốc, không phạm phải chống chỉ định (những trường hợp không được dùng thuốc)… mục đích là để dùng thuốc an toàn, hiệu quả.

    3.2 Nghẹt mũi: Nếu bạn đang rất nghẹt mũi, có thể sử dụng thuốc thông mũi trong thời gian ngắn, chẳng hạn như thuốc xịt mũi, có thể giúp thông mũi và mở rộng xoang giúp bạn thở dễ dàng hơn.

    3.3 Tăng sức đề kháng cho cơ thể: Một số người có thể cần bổ sung vitamin C, hoặc/và kẽm để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc.

    Bên cạnh đó, cần tập thể dục đều đặn hàng ngày sẽ giúp nâng cao miễn dịch cho cơ thể, giúp chống lại COVID-19.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:03:36:00 23/02/2022

    F0 dùng thuốc kháng virus khi nào?

    Với số lượng F0 gia tăng đột biến trong những ngày đầu năm 2022, các loại thuốc kháng virus cũng được tìm kiếm mạnh. Tuy nhiên, có phải F0 nào cũng nên sử dụng thuốc kháng virus? 

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 23/1: Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng; TP.HCM quan ngại xuất hiện biến thể "tàng hình" chủng virus mới - Ảnh 1.

    Theo Infonet 

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:02:25:00 23/02/2022

    Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng ở Việt Nam

    Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Việt Nam đang ghi nhận tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 rất nhanh. Trung bình tuần qua, nước ta phát hiện khoảng 40.000 ca nhiễm nCoV mỗi ngày.

    Thực tế này khiến nhiều ý kiến cho rằng biến chủng Omicron đã xuất hiện phổ biến trong cộng đồng. Thực tế, đến nay, Bộ Y tế mới xác định 205 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng Omicron. Trong số này, chủ yếu vẫn là các ca nhập cảnh từ nước ngoài.

    F0 nhiễm Omicron có thể nhiều hơn số lượng công bố

    Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định biến chủng Omicron nhiều khả năng đã có, thậm chí lây lan rộng, trong cộng đồng Việt Nam.

    Bác sĩ này lý giải: “Qua thực tế điều trị và quan sát tình hình dịch trong thời gian qua, tôi nhận thấy có 3 điểm đáng lưu ý. Đây đều là các đặc điểm tiêu biểu của biến chủng Omicron đang xuất hiện nhiều trên thế giới”.

    Đầu tiên, tốc độ lây lan SARS-CoV-2 trong cộng đồng thời gian qua rất cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã tăng từ mức 8.000 lên tới 40.000 trường hợp mỗi ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (từ 2/2 đến 22/2).

    Đây là điều chưa từng xảy ra ở tất cả làn sóng dịch Covid-19 trước đó tại Việt Nam, gồm cả thời gian khốc liệt nhất như TP.HCM hồi tháng 8.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 23/1: Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng; TP.HCM quan ngại xuất hiện biến thể "tàng hình" chủng virus mới - Ảnh 1.

    Nhiều người dân tham dự các lễ hội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 tạo điều kiện để SARS-CoV-2 lây lan rộng. Ảnh: Đức Anh.

    Thứ hai, bác sĩ Phúc nhận thấy số người tái nhiễm SARS-CoV-2 đang xuất hiện khá nhiều trong cộng đồng. Theo ông, các F0 sau khi khỏi bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến chủng mới.

    Vị chuyên gia lấy ví dụ một trường hợp từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó có thể tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Điều tương tự cũng xảy ra với Omicron.

    Liên quan vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng Omicron của người từng nhiễm biến chủng Delta cao hơn nhóm từng nhiễm Alpha.

    Yếu tố cuối cùng khiến bác sĩ Phúc cho rằng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng Việt Nam là việc số lượng trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 ngày càng nhiều.

    Theo các nghiên cứu trên thế giới, biến chủng Omicron dường như lây lan ở trẻ em nhiều hơn so với các chủng ban đầu.

    Các báo cáo từ Nam Phi, nơi lần đầu tiên xác định được biến chủng này, cũng cho thấy tỷ lệ nhập viện của trẻ em bị nhiễm Omicron cao hơn so với các đợt trước. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn với Omicron.

    Việt Nam bắt đầu giải trình tự gene F0 trong cộng đồng

    Trao đổi với Zing sáng 22/2, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), cho biết theo yêu cầu của Cục Y tế Dự phòng, viện hiện chỉ giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ những ca nhập cảnh.

    “Với các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chúng tôi cũng vừa bắt đầu triển khai giải trình tự gene những mẫu này theo chỉ đạo mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng. Trong thời gian tới, các địa phương cũng sẽ được yêu cầu gửi mẫu bệnh phẩm hàng ngày về NIHE”, vị lãnh đạo thông tin.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 23/1: Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng; TP.HCM quan ngại xuất hiện biến thể "tàng hình" chủng virus mới - Ảnh 2.

    Kỹ thuật viên làm việc trong phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.

    Mới đây, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) lấy mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên các F0 tại địa phương này để giải trình tự gene, xác định biến chủng.

    "Người nhiễm Omicron đa số triệu chứng nhẹ, do đó, dùng phương pháp giải trình tự gene mới xác định được biến chủng này có đang xuất hiện tại cộng đồng hay không. Chúng tôi cho lấy mẫu tại các bệnh viện, cả ca bệnh diễn biến nặng lẫn nhẹ, trường học để giải mã gene xem có bao nhiêu phần trăm, tôi nghĩ có thể sẽ tăng dần theo tỷ lệ", vị này nói.

    PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc giải mã trình tự gene để giám sát sự lưu hành của biến chủng Omicron trong giai đoạn này là quan trọng.

    "Mặc dù biến chủng này được thế giới cho rằng có mức độ gây bệnh nhẹ, nhưng với khả năng lây lan nhanh hơn so với Delta, chúng ta vẫn nên thận trọng và giám sát động học của dịch. Với Omicron, chúng ta sẽ có những khuyến cáo đầy đủ, rõ ràng hơn", ông nói.

    PGS Dũng lý giải nếu xác định được sự lưu hành của biến chủng Omicron, chúng ta có thể hiểu được sự gia tăng số ca nhiễm và chuẩn bị trong tình huống số ca nhiễm tăng cao hơn.

    Ông cũng khuyến cáo trong thời gian này, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tiêm đủ liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 nhiều nhất có thể.

    Nguyên nhân là với biến chủng Delta, việc tiêm đủ liều cơ bản của vaccine phòng Covid-19 có thể yên tâm. Tuy nhiên, với Omicron, mũi 2 hầu như chỉ còn hiệu lực khoảng 10-20%.

    "Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa thể tự tin là rất cao được. Bởi theo thống kê của chúng tôi, vẫn còn khoảng 600.000 người ở các địa phương, bao gồm người lớn và trẻ từ 12 tuổi, chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine", ông nói thêm và cho rằng trong khi Omicron vẫn còn khiến thế giới lo ngại, Việt Nam chưa thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:01:35:00 23/02/2022

    F0 khỏi bệnh có thể gặp hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19

    Vào tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã khảo sát các bệnh nhân, nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế, nhân viên của mình để đi đến định nghĩa chính thức về tình trạng nhiều người vẫn gặp phải các triệu chứng Covid-19 dù đã khỏi bệnh.

    Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, song, cũng có nhiều triệu chứng khác và thường ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Tình trạng này có thể xuất hiện sau đợt mắc Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.

    35% triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng

    Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, cho biết rất nhiều người bị nhiễm SARS-CoV-2 đang đối mặt với những triệu chứng kéo dài.

    Bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long Covid, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan triệu chứng hậu Covid-19.

    Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC One Health Outlook ngày 17/2 của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Y tế Ứng dụng, Đại học Birmingham, Anh, phát hiện các F0 có nguy cơ cao gặp phải hàng loạt triệu chứng hậu Covid-19 sau 12 tuần nhiễm virus. Họ cũng xác định được 115 triệu chứng Long Covid, kéo dài hơn 12 tuần.


    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra F0 khỏi bệnh có thể gặp tới hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19. Ảnh: BBC.

    Trong khi đó, theo Guardian, nghiên cứu quy mô lớn hồi tháng 7/2021 về những người mắc hội chứng Long Covid-19 của nhóm chuyên gia của Đại học College London, Anh, xác định được hơn 200 triệu chứng. Điều này khiến họ lên tiếng kêu gọi cần có chương trình sàng lọc quốc gia, quan tâm hơn tới các triệu chứng hậu Covid-19 của F0.

    Vô số triệu chứng Long Covid, từ sương mù não, ảo giác đến run, ù tai, kéo dài tới 10 hệ thống cơ quan của cơ thể. Đặc biệt, gần 35% trong số các triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng trong ít nhất 6 tháng sau khi F0 khỏi bệnh.

    Nhà thần kinh học Athena Akrami, Đại học College London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Rất nhiều phòng khám sau Covid-19 ở Anh đã tập trung vào việc phục hồi chức năng hô hấp. Đúng là rất nhiều người bị khó thở, nhưng họ cũng có nhiều vấn đề và triệu chứng khác mà các phòng khám cần có cách tiếp cận toàn diện hơn”.

    Ngay cả bản thân vị chuyên gia này cũng đã gặp các triệu chứng hậu Covid-19 sau 16 tháng nhiễm nCoV.

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí E Clinical Medicine của The Lancet, đã khảo sát 3.762 người mắc chứng Long Covid hoặc nghi ngờ bị tình trạng này. Họ đến từ 56 quốc gia trên thế giới. Các tác giả xác định có tổng cộng 203 triệu chứng khác nhau, trong đó, 66 triệu chứng được theo dõi 7 tháng.

    Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó chịu sau gắng sức và sương mù não. Các tác dụng khác còn có ảo giác thị giác, run, ngứa da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn chức năng tình dục, tim đập nhanh, các vấn đề về kiểm soát bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy và ù tai.

    Họ cũng nắm bắt được sự tăng lên của các triệu chứng theo thời gian. “Sau 6 tháng, hầu hết triệu chứng còn lại là biểu hiện toàn thân – ví dụ thân nhiệt bất thường, mệt mỏi, khó chịu sau gắng sức - và thần kinh (ảnh hưởng đến não, tủy sống, dây thần kinh)”, bà Akrami nói.

    Tổng cộng có 2.454 người được hỏi có triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng. Trung bình, họ phải trải qua 13,8 triệu chứng khác nhau trong tháng thứ 7.

    Trong suốt quá trình mắc bệnh, các triệu chứng của bệnh nhân ảnh hưởng trung bình đến 9 hệ cơ quan. TS Akrami cho biết: “Điều này rất quan trọng với các nhà nghiên cứu y tế đang tìm kiếm cơ chế bệnh của Covid-19 và với bác sĩ cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị. Bởi nó cho thấy họ không nên chỉ tập trung vào một hệ cơ quan nhất định”.

    Ngoài ra, khoảng 22% số người tham gia khảo sát cho biết họ không thể làm việc, bị sa thải, nghỉ ốm, tàn tật kéo dài, hoặc phải bỏ việc vì hội chứng hậu Covid-19. 45% yêu cầu giảm bớt khối lượng, lịch trình công việc.


    Di chứng hậu Covid-19 khiến nhiều người không thể tiếp tục công việc đang làm, buộc phải nghỉ việc hoặc bị sai thải. Ảnh: iStock.

    F0 bị bệnh nhẹ cũng có nguy cơ cao

    Trong khi đó, một đánh giá khác do các nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham, Anh, dẫn đầu và công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, cho thấy những người trải qua hơn 5 triệu chứng của Covid-19 trong tuần đầu tiên bị nhiễm virus có nguy cơ phát triển hội chứng Long Covid cao hơn đáng kể, không phân biệt tuổi tác hay giới tính.

    Nhóm chuyên gia cũng chỉ ra 50% F0 nhập viện vì Covid-19 có thêm ít nhất một biến chứng trong thời gian điều trị. Ngoài ra, 1/4 F0 bị suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân sau khi xuất viện. Tác động này với việc tự chăm sóc bản thân ở những người bị biến chứng thần kinh như đột quỵ hoặc viêm màng não thậm chí còn cao hơn.

    Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet với 70.000 F0 tại 302 bệnh viện ở Anh cho thấy biến chứng phổ biến nhất là tổn thương thận đột ngột khiến cơ quan này không hoạt động bình thường.

    Tình trạng trên ảnh hưởng đến 1/4 F0 có diễn biến nặng. Các biến chứng về phổi, như viêm phổi hoặc viêm phổi nặng, ảnh hưởng khoảng 1/5 bệnh nhân; các biến chứng về tim, như đau tim, viêm quanh tim hoặc nhịp tim bất thường, chỉ ảnh hưởng đến hơn 1/8 (12%).

    Nam giới và những người trên 60 tuổi thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Song, 27% người 19-29 tuổi và 37% người 30-39 tuổi phải nhập viện cũng gặp ít nhất một biến chứng.

    Giáo sư Calum Semple, Đại học Liverpool, Anh, bày tỏ sự ngạc nhiên vì ngay cả những người trẻ tuổi, sức khỏe dẻo dai cũng gặp biến chứng rất nặng hậu Covid-19. Ông cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc nguy cơ này với những người khỏi bệnh. Người bị chấn thương thận cấp tính cần được theo dõi liên tục và có thể phải lọc máu hoặc cấy ghép thận. Họ cũng có thể bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương sau này vì chức năng điều hòa huyết áp, khoáng chất trong xương của thận bị suy giảm.

    Cho tới nay, nguyên nhân gây ra hội chứng Long Covid vẫn chưa được xác định hoàn toàn rõ ràng. Theo một số nghiên cứu, SARS-CoV-2 có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào, từ đó sản sinh chất độc với não hoặc mạng lưới mạch máu.

    Một giả thuyết khác là do tình trạng tự miễn, trong đó, virus "đánh lạc hướng" hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình. Tình trạng này có thể tồn tại suốt nhiều tháng

    Theo WHO, tình trạng Covid-19 kéo dài không lây nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào kết luận nó có thể kéo dài bao lâu. Cách ngăn ngừa tốt nhất vẫn là tiêm chủng ngay khi đủ điều kiện và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:01:00:00 23/02/2022

    TP.HCM có thể ngưng học trực tiếp nếu trẻ mắc Covid-19 cần hỗ trợ hơn 100 ca/ngày

    Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 14/2 đến nay, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7/2 đến 13/2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Trong số học sinh là F0 thì cao nhất là cấp tiểu học với 2.786 em, trung học cơ sở là 1.875, trung học phổ thông – giáo dục thường xuyên là 1.744 và cấp mầm non là 394 em.

    Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tại 3 bệnh viện nhi của TP (đang điều trị 100 ca) thì có 84% trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng) và 11% trẻ cần phải hỗ trợ hô hấp, 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. Về độ tuổi thì trẻ dưới 12 tuổi (chưa tiêm vaccine) chiếm 93% ca bệnh,

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 23/1: Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng; TP.HCM quan ngại xuất hiện biến thể "tàng hình" chủng virus mới - Ảnh 1.

    Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 22/2.

    Về cơ sở hạ tầng thu dung trẻ em, hiện 3 bệnh viện nhi của thành phố có 450 giường ở Khoa điều trị COVID-19, mỗi bệnh viện có 150 giường, trong đó có 50 giường hồi sức (tổng 150 giường hồi sức). Ngành y tế cũng phân tầng điều trị trẻ em và tiến tới hướng dẫn chăm sóc trẻ em tại nhà.

    Bác sỹ Tăng Chí Thượng cũng cho biết, các chuyên gia y tế đã xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng, trong đó ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi thành phố. Nếu tình hình diễn tiến xấu số nhập viện nhiều thì sẽ cho cấp cứu và nhập viện tại các bệnh viện quận, huyện có khoa nhi. Đặc biệt, khi tổng số trẻ đang điều trị cần hỗ trợ trên 100 ca/ngày, Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND thành phố xem xét ngưng việc học trực tiếp. Hiện nay mỗi ngày tại thành phố có 5 trẻ em cần hỗ trợ hô hấp.

    Ngoài ra, ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đang tập huấn cho các trạm y tế, trung tâm y tế về chăm sóc trẻ em tại nhà. Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo để sớm triển khai tập huấn các giáo viên để sớm phát hiện khi có dấu hiệu nghi ngờ.

    Các bệnh viện nhi cũng sẵn sàng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Sở cũng cập nhật lại định nghĩa F0, điều chỉnh thời gian cách ly tại nhà, thời gian cách ly F1, bỏ khái niệm “phong toả theo mức độ nguy cơ” để tránh hiểu nhầm. Các chuyên gia, bệnh viện nhi cũng cung cấp số điện thoại để mở rộng kênh tư vấn từ xa cho phụ huynh, thầy cô giáo.

    Sở cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn truy vết Omicron. UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện xác định lại số liệu dân cư để đánh giá cấp độ dịch phù hợp…kiến nghị các quận huyện không ban hành quyết định phong toả mà khoanh vùng để kiểm soát nguy cơ./.

    Theo VOV

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:00:33:00 23/02/2022

    TP.HCM quan ngại xuất hiện biến thể Omicron 'tàng hình'

    Tối 22/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay số ca mắc Covid-19 mới tại TP được ghi nhận là 1.356 ca.

    Trước tình hình dịch có dấu hiệu phức tạp trở lại, đặc biệt sự lây lan chủng Omcrion, TP đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến chủng này trong cộng đồng. Omicron đang là biến chủng gây bệnh chủ yếu tại TP.

    Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đưa ra khả năng Omicron đang là biến thể áp đảo tại TP.HCM, thay thế Delta. Ông cũng nhận định nguy cơ biến thế BA.2 đã tồn tại trên địa bàn, nhưng cần những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn.

    BA.2, biệt danh là chủng Omicron "tàng hình", đã thay thế chủng Omicron ban đầu để trở thành virus thống trị ở một số nước trên thế giới. Biến chủng này được cho là có khả năng gây bệnh nặng, lây lan nhanh, vô hiệu hóa miễn dịch, vaccine và khó phát hiện qua xét nghiệm.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 23/1: Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng; TP.HCM quan ngại xuất hiện biến thể "tàng hình" chủng virus mới - Ảnh 1.

    Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng nhanh những ngày qua. Trong ảnh là một chung cư tại quận 1, nơi vừa phát hiện một "ổ dịch" mới. Ảnh: Chí Hùng.

    Chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu nhóm nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu cùng Sở Y tế sớm chuẩn bị kịch bản trong trường hợp biến thể mới này xuất hiện. Thành phố cần dự tính cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

    "Cần chuẩn bị cho tình huống biến thể này không được phát hiện ra ngay cả khi xét nghiệm, vaccine không bảo vệ được thì chúng ta cần làm gì? Như Giám đốc Sở Y tế đã nói, chúng ta có cảm giác và dường như biến thể này đang có trong cộng đồng", ông Nguyễn Văn Nên cảnh báo.

    Nói về các chỉ số liên quan dịch Covid-19, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đánh giá cả nước đang ghi nhận số F0 tăng và TP.HCM cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong vẫn đang giảm, duy trì ở mức thấp.

    TP.HCM đang đối mặt diễn biến mới khi số ca nhiễm của trẻ em, đặc biệt trẻ trong độ tuổi đi học, tăng cao. Ông yêu cầu các cấp chính quyền không lúng túng nhưng cũng không được chủ quan.

    "Sở Y tế nói về việc biến chủng Omicron đang chiếm đa số. Việc số học sinh quay lại trường cùng biến chủng mới khiến số ca tăng cao. Điều này không có gì bất ngờ và vẫn nằm trong tính toán", Bí thư nhận định.


    TP.HCM sẽ đưa trẻ em vào nhóm nguy cơ cao cần được bảo vệ. Ảnh: Phương Lâm.

    Để ứng phó với những dấu hiệu mới của dịch Covid-19, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngành y tế cùng địa phương tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Đặc biệt, thành phố cần chuẩn bị kỹ lưỡng, lên danh sách để triển khai tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Hiện tại, Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước. Thành phố cần lên kế hoạch phân phối để tạo độ phủ thuốc điều trị nhanh nhất trên toàn địa bàn.

    "Trong tình hình này, thuốc và vaccine là 2 vũ khí quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

    Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị Sở Y tế đưa nhóm đối tượng là trẻ em vào chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao. Ông cho rằng trẻ em là đối tượng chưa thể bảo vệ mình, chưa thể tự thực hiện biện pháp 5K. Trong khi đó, người trực tiếp giám hộ, giáo viên cũng có thể là nguồn lây cho các em.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:00:00:00 23/02/2022

    Trẻ mắc Covid-19 gia tăng, Bộ Y tế cập nhật phác đồ điều trị mới

    Ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Quyết định 405 kèm "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em". Hướng dẫn này thay thế quyết định số 5155 kèm văn bản ban hành ngày 8/11/2021.

    Trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị mới, Bộ Y tế cho biết SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên gần đây, số trẻ F0 đang có xu hướng gia tăng.

    Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với biểu hiện viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).

    Tuy nhiên, trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

    Khi nào trẻ được xác định là F0?

    Trước đó, ca bệnh được xác định là những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật rRT-PCR. Còn trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế xác định 4 trường hợp xác định mắc Covid-19 là:

    1. Trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (rRT-PCR).

    2. Trẻ tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

    3. Trẻ có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính.

    4. Trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần một với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm rRT-PCR để khẳng định.


    Trẻ em điều trị bệnh tại khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

    5 mức độ diễn tiến bệnh ở trẻ em F0

    - Trẻ nhiễm không triệu chứng

    Đây là những trường hợp trẻ được chẩn đoán xác định mắc Covid-19 nhưng không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào.

    - Mức độ nhẹ

    Trẻ mắc Covid-19 có những triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.

    Nhịp thở của trẻ bình thường theo tuổi, không có biểu hiện của thiếu oxy, nồng độ oxy máu (SpO2) ≥ 96% khi thở khí trời. Về thần kinh, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường. Các xét nghiệm X-quang phổi bình thường.

    Tuy nhiên, với trẻ có bệnh nền như béo phì, phổi mạn tính, suy thận mạn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh… cần theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng.

    - Mức độ trung bình

    Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng và rất nặng, gồm: thở nhanh, SpO2 khoảng 94 - 95% khi thở khí trời. Về thần kinh, trẻ tỉnh táo, mệt, ăn/bú/uống ít hơn. X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ (thường 2 đáy phổi).

    - Mức độ nặng

    Trẻ có triệu chứng viêm phổi nặng, chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, bao gồm thở nhanh, dấu hiệu co rút lồng ngực hoặc thở rên; trẻ khó chịu, quấy khóc, bú/ăn/uống khó; SpO2 khoảng 90 - < 94% khi thở khí trời. X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa ≥ 50% phổi.

    - Mức độ nguy kịch

    Trẻ được chẩn đoán nguy kịch khi có một trong các dấu hiệu sau: Suy hô hấp nặng, SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập.


    Trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng được chăm sóc tích cực với máy thở. Ảnh: Duy Hiệu.

    Các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: Tím trung tâm; thở bất thường, rối loạn nhịp thở. Về thần kinh, ý thức của trẻ giảm, khó đánh thức hoặc hôn mê; trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được; hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng; suy đa tạng; cơn bão cytokine.

    Trong hướng dẫn mới này, Bộ Y tế xác định hội chứng viêm đa hệ thống (MIC-S) ở trẻ em mắc Covid-19 hiếm gặp, thường gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 2-6 tuần, đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng.

    Đưa Remdesivir vào phác đồ điều trị trẻ em F0

    Thuốc kháng virus Remdesivir lần đầu được đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở trẻ em.

    Thuốc được chỉ định điều trị cho người bệnh nội trú thể nhẹ có ít nhất một yếu tố nguy cơ, hoặc người bệnh suy hô hấp phải thở oxy, áp lực dương liên tục, oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập; Nên phối hợp với thuốc chống viêm dexamethason.

    Remdesivir không được dùng trong trường hợp có phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; người suy chức năng thận, tăng enzym gan, có dấu hiệu viêm gan trên lâm sàng; suy chức năng đa cơ quan nặng.

    Liều dùng:

    - Trẻ em < 12 tuổi, cân nặng 3,5 - 4 kg: ngày đầu tiên dùng liều 5 mg/kg/liều, những ngày sau dùng 2,5 mg/kg/liều (2-5 ngày) truyền tĩnh mạch.

    - Trẻ em ≥ 12 tuổi và cân nặng ≥ 40 kg: ngày đầu tiên dùng liều 200 mg, từ ngày thứ hai trở đi dùng liều 100 mg truyền tĩnh mạch.

    Thời gian dùng: 5 ngày. Nếu sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng không cải thiện hoặc bệnh tiến triển nặng hơn thì xem xét điều trị tiếp cho đến 10 ngày.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
  • 0:23:36:00 22/02/2022

    Hà Nội lập đỉnh mới: Gần 7.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ

    Sở Y tế Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội ngày 22/2, theo đó số ca mắc mới từ 18h ngày 21/02/2022 đến 18h ngày 22/02/2022 là nhận 6.860 ca bệnh (trong đó có 1.977 ca cộng đồng và 4.883 ca đã cách ly).

    Bệnh nhân phân bố tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (435); Hoàng Mai (423); Nam Từ Liêm (393), Sóc Sơn (377), Bắc Từ Liêm (329).

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 213.855 ca.

    Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.

    Chia sẻ Copy linkĐã copy!
http://www.xxsdanang.com/big-story/dien-bien-dich-ngay-23-1-omicron-co-the-da-lay-lan-ra-cong-dong-tphcm-quan-ngai-bien-the-tang-hinh-20220223055227021.chn
Cùng mục Đang hot