-
Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
-
0:13:24:00 28/11/2021
Phát hiện hơn 300 ca mắc Covid-19, cao nhất từ trước tới nay ở Hà Nội
Ngày 28-11, TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất kể từ khi có dịch với 301 ca, trong đó có 141 ca tại cộng đồng, 133 ca tại khu cách ly và 27 ca tại khu phong tỏa.
Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4-2021) là 9.669 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.743 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.926 ca.
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:11:31:00 28/11/2021
Ngày 28/11 ghi nhận 12.936 ca mắc, có 7.100 trường hợp trong cộng đồng
Ngày 28/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.936 ca mắc mới với 8 ca nhập cảnh và 12.928 trường hợp trong nước, tại 57 tỉnh, thành phố, có 7.100 ca trong cộng đồng.
Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (1.454), Cần Thơ (966), Bình Dương (705), Tây Ninh (692), Bình Thuận (598), Đồng Tháp (592), Bình Phước (591), Đồng Nai (553), Vĩnh Long (545), Bà Rịa - Vũng Tàu (531), Bến Tre (522), Bạc Liêu (512), Sóc Trăng (491), Kiên Giang (439), Cà Mau (387), Hậu Giang (294), Hà Nội (277), Khánh Hòa (258), An Giang (215), Bình Định (193), Bắc Ninh (185), Tiền Giang (155), Thừa Thiên Huế (136), Lâm Đồng (133), Hải Phòng (128), Long An (101)...
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-328), TP. Hồ Chí Minh (-319), Bà Rịa Vũng Tàu (-166). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+452), Bến Tre (+257), Hải Phòng (+106).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 12.102 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.210.340 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.282 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.205.128 ca, trong đó có 955.819 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (467.407), Bình Dương (280.908), Đồng Nai (86.184), Long An (38.039), Tiền Giang (27.182).
Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 27/11 đến 17h30 ngày 28/11 ghi nhận 190 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế.
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:08:00:00 28/11/2021
Ba quận ở TP.HCM tăng cấp độ dịch
Ngày 28/11, UBND TP.HCM đã cập nhật kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn.
Đến ngày 28/11, dịch ở TP.HCM đang ở cấp độ 2. Tại 22 địa phương cấp quận/huyện, có 9 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 13 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình).
9 địa phương có dịch ở cấp độ 1 là quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ. 13 địa phương ở cấp độ 2 là quận 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè.
Theo thống kê, 3 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 4, Bình Thạnh và Tân Phú (cấp 1 lên cấp 2); một địa bàn giảm cấp độ dịch là huyện Cần Giờ (từ cấp độ 2 xuống cấp 1).
Đối với 312 phường, xã, thị trấn có 123 đơn vị đạt cấp 1; 184 nơi đạt cấp 2 và 5 đơn vị cấp 3. Không có địa bàn thuộc cấp độ 4.
Đến hết ngày 25/11, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên ở TP.HCM được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 100%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều là 97,77%.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 465.000 ca nhiễm. Số ca mắc mới ghi nhận trên địa bàn trong 2 tuần gần đây có xu hướng tăng trở lại sau giai đoạn dịch tạm lắng. Ngành y tế đánh giá tình hình hiện tại vẫn trong kiểm soát.
Theo Zingnews
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:02:00:00 28/11/2021
Giao Bộ Y tế hướng dẫn cách ly phù hợp với người đã tiêm 2 mũi vaccine
Ngày 27.11, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo thông báo này, Thủ tướng đã chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế: Tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30.11.2021.
Trong kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay xong trước ngày 5.12.2021. Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về phân bổ, tiêm chủng vaccine để địa phương, người dân được biết, theo dõi.
Theo Lao động
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:01:31:00 28/11/2021
Dịch tại nhiều tỉnh miền Tây tiếp tục phức tạp
Sở Y tế Cần Thơ đề nghị tăng cấp độ dịch Covid-19 lên cấp 4
Ngày 27-11, thông tin từ Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết đã có tờ trình gửi UBND TP về việc cập nhật cấp độ dịch trên địa bàn và chỉ đạo UBND quận, huyện áp dụng biện pháp hành chính tương ứng với cấp độ dịch thực tế tại địa phương.
Theo Sở Y tế, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP đang diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh. Trong 14 ngày qua, TP ghi nhận 10.056 ca bệnh mới (trung bình hơn 700 ca/ngày).
Ngành y tế đã thực hiện đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn cập nhật đến ngày 25-11, cụ thể: Cấp độ TP, căn cứ hướng dẫn xác định cấp độ dịch, Cần Thơ thuộc cấp 3. Tuy nhiên, do không đạt yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 nên phải tăng thêm 1 cấp độ. Vì vậy, áp dụng mức nguy cơ và cấp độ dịch trên địa bàn TP là cấp 4.
Cấp độ quận/huyện: Có 3 quận cấp 3 (quận Thốt Nốt, Ninh Kiều và Cái Răng) và 6 quận/huyện cấp 4 (quận Ô Môn, Bình Thuỷ, huyện Phong Điền, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh).
Cấp độ xã/phường/thị trấn: có 2 xã cấp độ 1 (xã Thạnh Thắng và Thạnh Lợi thuộc huyện Vĩnh Thạnh), 4 xã/phường/thị trấn cấp 2; 35 xã/phường/thị trấn cấp 3, 42 xã/phường/thị trấn cấp 4.
Sóc Trăng: Dừng hoạt động chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào địa bàn
Ngày 27-11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký công văn về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo dừng hoạt động chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào địa bàn huyện, thị xã, thành phố; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và đăng tải trên các phương tiện truyền thông để nhắc nhở mọi người.
Yêu cầu ban chỉ đạo, trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho nhân dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.
Hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết, nhất là phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền, người già, trẻ em, người chưa tiêm đủ liều vắc xin; tổ chức quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng yêu cầu hạn chế số lượng người làm việc tại các đơn vị và không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa thật sự cần thiết trong thời gian này để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh; tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để sớm phát hiện các trường hợp nghi nhiễm.
Theo ông Trần Văn Lâu, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng phát sinh ở hầu hết các địa phương, khả năng sẽ còn nhiều trường hợp nhiễm chưa được phát hiện hoặc các trường hợp F1 nguy cơ cao chưa được cách ly kịp thời.
Trong ngày 26-11, Sóc Trăng ghi nhận 588 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 388 ca cộng đồng, nâng số ca mắc lên 14.942.
An Giang hạ xuống cấp độ 2 nhờ độ bao phủ vắc xin nhiều và số ca mắc giảm
Số ca nhiễm trong cộng đồng toàn tỉnh An Giang đã giảm 94 trường hợp so với ngày 26-11. Riêng TP Châu Đốc tăng 20 trường hợp và TP Long Xuyên tăng 11 trường hợp so với hôm qua.
Hiện nay, An Giang đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt 96,17%, mũi 2 đạt 87,83%. Riêng tỉ lệ vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm được 139.275 liều, đạt 73,96%.
Cùng ngày, ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - ký thông báo cập nhật cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, cấp độ dịch của tỉnh An Giang đã hạ xuống là cấp 2 - nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng. Cụ thể, cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh có huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân và TP Long Xuyên. Cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng, có huyện Chợ Mới, Tri Tôn và thị xã Tân Châu. Cấp độ 3 - nguy cơ cao, tương ứng với màu cam, có 2 huyện An Phú và Châu Thành. Riêng TP Châu Đốc và huyện Tịnh Biên thực hiện cấp độ 4 - cấp nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ.
Theo ông Hiền, sở dĩ hạ xuống cấp độ 2 là do tốc độ bao phủ vắc xin nhiều và số ca nhiễm COVID-19 của An Giang ngày càng giảm.
"TP Châu Đốc có mật độ dân cư dày đặc và số ca nhiễm cộng đồng còn tăng cao nên phải thực hiện cấp độ 4. Riêng huyện Tịnh Biên có nhiều ổ dịch tại các xã có đông người Khmer nên chúng tôi đang cố gắng dập dịch và đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho bà con ở các phum, sóc có người Khmer. Hy vọng trong 2 tuần nữa sẽ ổn", ông Hiền nói thêm.
Trước đó, ngày 7-11, UBND tỉnh An Giang quyết định áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng chống dịch COVID-19 ở cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam) trên địa bàn tỉnh, sau khi số ca liên tục tăng, xuất hiện hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày tại các địa phương.
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:01:00:00 28/11/2021
Biến thể mới đáng lo ngại: WHO kêu gọi Đông Nam Á cảnh giác
Ngày 27-11, bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới, kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á cảnh giác, tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỉ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện, theo báo Times of India.
Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh nói rằng các nước Đông Nam Á nên đánh giá rủi ro nhập khẩu virus thông qua khách quốc tế và thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó biến thể Omicron.
"Mặc dù số ca mắc COVID-19 đã giảm ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tình trạng gia tăng ca nhiễm ở những nơi khác trên thế giới cùng sự xuất hiện "biến thể đáng lo ngại" mới là lời nhắc nhở rằng: Nguy cơ vẫn tồn tại và chúng ta cần tiếp tục làm hết sức để bảo vệ mình khỏi virus và ngăn chặn sự lây lan của nó" - bà Khetrapal Singh kêu gọi.
Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO nhấn mạnh: "Chúng ta không được hạ thấp cảnh giác".
Hôm 26-11, WHO đã đặt tên cho biến thể mới B.1.1.529 - lần đầu được phát hiện ở Nam Phi - là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp). WHO đã phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại".
Ngày 27-11, giới chức Hà Lan cho biết họ đã phát hiện 61 ca mắc COVID-19 trong số những người đến từ Nam Phi và đang tiến hành xét nghiệm khẩn cấp xem liệu những trường hợp này có mắc biến thể Omicron hay không.
Theo Đài CNN, hiện nay thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về biến thể Omicron. WHO nhấn mạnh rằng cần có thêm các nghiên cứu để xác định xem biến thể này có dễ lây lan hơn không, có gây ra bệnh nặng hơn và có thể "trốn" vắc xin COVID-19 hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ cấm nhập cảnh với hầu hết khách từ 8 quốc gia phía nam châu Phi từ ngày 29-11. Các quốc gia này gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:00:30:00 28/11/2021
Hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng, chống dịch trước 30/11
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương.
Theo thông báo, sau hơn một tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát dịch, tỷ lệ tử vong, ca bệnh diễn biến nặng giảm, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, các cấp, ngành, một bộ phận nhân dân có nơi, có lúc còn tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế; công tác tiêm chủng, cung cấp thuốc chữa bệnh có nơi, có lúc còn chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý người di chuyển, đi lại còn bất cập, gây khó khăn cho người dân. Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Một số địa phương chưa tổ chức hiệu quả công tác thu dung, phân loại dẫn đến người bệnh không được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế khiến bệnh trở nặng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống Covid-19 đợt dịch thứ 4, hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.
Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng virus; phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm; rút gọn tối đa thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng Covid-19; đồng thời bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Thủ tướng cũng giao cho Bộ Y tế tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, xong trước ngày 5/12.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để sớm quy định về xuất nhập cảnh liên quan đến “hộ chiếu vaccine” phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm khoa học, hiệu quả và hợp lý.
Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128 đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh; xây dựng kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi dịch ở cấp độ 4. Khi cần thiết, các địa phương chủ động nhanh chóng phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế từ Trung ương.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu ứng dụng hiệu quả công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Theo Zingnews
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:00:00:00 28/11/2021
Cấp độ dịch ở nhiều quận, huyện "hạ nhiệt" dù ca mắc tại Hà Nội tăng cao
Tối 27/11, TP Hà Nội công bố thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). Số quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (màu xanh) là 19, tăng 15 so với lần công bố bảy ngày trước.
Các địa bàn "xanh" gồm: Bốn quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ; 14 huyện Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây.
11 quận, huyện ở cấp độ 2 gồm: Tám quận Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và ba huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Mê Linh.
Đối với xã, phường, có 535 đơn vị cấp độ 1 (tăng 58 xã, phường so với tuần trước); 42 xã, phường ở cấp độ 2. Toàn thành phố không có địa bàn nào cấp độ 4 (vùng đỏ), chỉ có phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) và xã Xuy Xá (Mỹ Đức) cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam).
Tuần qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận ca mắc mới cao (1.778), trung bình hơn 250 ca/ngày, tăng so với tuần liền kề trước đó khoảng 35 ca/ngày. Số ca mắc mới ngoài cộng đồng là 810, trung bình hơn 115 ca/ngày. Đặc biệt hôm 24/11, số ca cộng đồng cao nhất từ khi có dịch - 159.
Có hai lý do cho việc "chuyển màu xanh" của các quận, huyện dù ca mắc mới tăng. Thứ nhất, Hà Nội đã đạt được chỉ tiêu tiêm chủng. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 là 93,9%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ hai liều vaccine là 81,2%. Trong những lần công bố cấp độ dịch trước đó, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine của Hà Nội đều không đạt.
Thứ hai, do đặc thù dân số đông. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ hồi đầu tháng 11, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá cấp độ phù hợp với đặc thù đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Lãnh đạo thành phố dẫn chứng, quận như Hoàng Mai dân số gần gấp đôi một tỉnh miền núi phía Bắc, nếu áp tiêu chí tỷ lệ dân số thì dù số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn được coi là "vùng xanh".
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc đánh giá cấp độ dịch dựa trên ba tiêu chí: Số ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; năng lực thu dung, điều trị.
Theo VnExpress
Chia sẻ Copy linkĐã copy! -
0:23:30:00 27/11/2021
Số ca mắc tăng cao, quan trọng nhất là F0 phải tiếp cận được y tế nhanh
Trong ngày 26/11, cả nước ghi nhận hơn 13.000 ca Covid-19, trong đó nhiều nhất là TP HCM với hơn 1.800 ca, Cần Thơ đứng thứ 2 với gần 900 ca, sau đó là Bình Dương (707 ca), Tây Ninh (655), Bà Rịa - Vũng Tàu (653), Đồng Tháp (601)… Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là hơn 11.000 ca/ngày.
Đáng chú ý, số mắc có xu hướng tăng cao trở lại một số địa phương như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp…, thậm chí có ngày Cần Thơ ghi nhận đến 1.300 ca mắc mới, gần bằng với TP HCM.
Bên cạnh đó, số tử vong những ngày qua cũng đã tăng trở lại với 3 con số, với trung bình gần 140 ca tử vong/ngày trong 7 ngày qua.
Riêng tại TP HCM, mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp dự phòng và điều trị nhưng số ca mới mắc Covid-19 trên địa bàn TP HCM đang tăng trở lại. Ngày 26/11 ghi nhận hơn 1.800 ca dương tính mới, và đây là ngày ghi nhận ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y Dược TP HCM thì hiện tại số ca tăng cao ở các địa phương do mầm bệnh đã có trong cộng đồng từ trước, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Khi mở cửa trở lại sự giao thương đi lại khó tránh được mầm bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác. PGS Dũng cho rằng đã thích ứng với dịch bệnh theo Nghị quyết 128 thì người dân không nên quá hoang mang. Quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng dịch của người dân bởi hiện tại nguyên tắc số 1 vẫn là vắc xin và 5K. Khi số ca mắc cao thì người bệnh cần được trang bị các loại thuốc để sử dụng tại nhà đặc biệt là thuốc kháng virus Molnupiravir đã được chứng minh giảm tải lượng virus, giảm nguy cơ lây lan cho người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng khi “mở cửa” thì chắc chắn các địa phương sẽ ghi nhận ca nhiễm nhất là với biến thể Delta lây lan rất nhanh. PGS Sơn cho rằng ông thông cảm với tình hình dịch của các địa phương và các địa phương cần nâng cao chống dịch vì nếu không chắc chắn số ca tăng cao trong thời gian tới.
Thứ trưởng Sơn cho rằng khi số ca tăng thì việc tiếp cận y tế là điều quan trọng nhất, người bệnh cần được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong.
Ngoài đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, truy vết. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương chủ động, sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Các địa phương chuẩn bị các nguồn lực, xây dựng các phương án đáp ứng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, tại TP HCM cùng với số ca nhiễm mới, tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong cũng gia tăng. Khoảng 1 tháng trước, số ca tử vong trong ngày chỉ ghi nhận 20 đến 30 trường hợp thì ngày 26/11 bệnh nhân tử vong tại TP HCM đã tăng lên 60 trường hợp.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết bệnh nhân Covid-19 tử vong đang tập trung chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng hoặc mới tiêm 1 mũi vắc xin và nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền. Trước tình hình trên, ngành y tế TP HCM đã tái lập lại tổng đài 1022 hỗ trợ F0 và các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 điều trị tại nhà, tăng cường năng lực của các cơ sở thu dung, điều trị…
Hiện Sở Y tế TP HCM đã cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà mới nhất. Vì vậy, người F0 hoặc người chăm sóc báo ngay cho Cơ sở đang quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà nếu người F0 có một trong các dấu hiệu sau đây cần đến ngay bệnh viện.
Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
Nhịp thở tăng: ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 01 đến dưới 05 tuổi; ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi. Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 96% (nếu đo được). Mạch nhanh > 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu đo được).
Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân, không thể uống.
Trẻ có biểu hiện: Sốt trên 38oC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96% (nếu đo được), ăn/bú kém ...
Chia sẻ Copy linkĐã copy!
Cập nhật lúc ...