Tiểu thư lá ngọc cành vàng bậc nhất Hà Thành với nhan sắc hơn người
Tên thật của cô "Bính Hàng Đẫy" là Đỗ Thị Bính. Giai nhân Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, tại ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy, nay là số 67 Nguyễn Thái Học. Ngôi nhà được kiến trúc theo lối của Pháp dành cho những gia đình thượng lưu thời bấy giờ. Trước nhà, giàn hoa hồng gai vẫn còn đó, như là chứng tích hiếm hoi gắn liền với những câu chuyện về người đẹp lừng lẫy một thời.
Cận cảnh nhan sắc "nổi đình nổi đám" của giai nhân Đỗ Thị Bính những năm đầu của thế kỉ 19.
Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, là nhà thầu khoán lớn nhất Hà Nội năm 1930. Cụ Đỗ Lợi trước 1945 kinh doanh vật liệu xây dựng. Với gia đình bề thế, cô Bính từ nhỏ được cha mẹ cưng chiều như báu vật. Cô được gia đình cho đi học ở trường Tây. Được răn dạy theo khuôn khổ, nên tính cách của cô nhu mì, đoan trang, công dung ngôn hạnh có đủ và cách ứng xử cũng rất mực ý tứ. Cái nết của cô Bính hệt như đôi thơ lục bát mà người đời vẫn thường ca về người Hà Nội xưa:
"Chẳng thơm cũng kể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An."
Với nước da trắng ngần và đôi mắt tròn, sáng như bồ câu, cô Bính thường chọn cho mình những bộ đồ màu đen giản dị để tôn lên vẻ đẹp của mình. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi cô là "người đàn bà áo đen". Bất kể là áo dài tay hay ngắn tay, tuyền là gam màu đen sang trọng. Màu đen đã làm cho vẻ ngoài của cô Bính thật huyền bí, và thêm phần quyến rũ.
Thuở ấy, vẻ ngoài của Đỗ Thị Bính đã khiến biết bao trái tim của những công tử, đại gia hào sảng nhất đất Hà Thành trở nên đắm đuối, mê say. Nhà thơ đa tài và đầy "mơ màng" Nguyễn Nhược Pháp cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng tiếc thay, mối tình giữa cô Bính Hàng Đẫy và chàng thi sĩ trẻ chỉ dừng lại ở "có duyên mà không có phận".
Chuyện tình đầy tiếc nuối với cây bút sáng nhất làng thơ những năm 1930
Đào sâu vào đời thơ của Nguyễn Nhược Pháp, tuy chỉ có mươi bài thơ từ tập "Ngày xưa" nhưng cũng đủ nhiều để người đọc nhận thấy hình bóng một người thiếu nữ vương vấn đâu đây. Từ rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Tay ngà", "Chùa Hương", người ta đồn rằng cô Bính chính là nguồn cảm hứng lớn nhất.
"Cúi đầu nàng tha thướt
Yêu kiều như mây qua
Mắt xanh nhìn man mác
Mỉm cười vê cành hoa."
("Tay ngà" - Nguyễn Nhược Pháp)
Lúc ở nhà, cô Bính thường ra vườn tưới cây. Cô tưới gốc tầm xuân sum suê cành lá. Mái hiên bên cạnh vườn có mấy chiếc ghế mây để ngồi xuống đọc sách, hoặc thỉnh thoảng, đi lại quanh vườn.
Chân dung tri thức và lãng tử của chàng thi sĩ trẻ Nguyễn Nhược Pháp.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lớn hơn cô Bính một tuổi. Hồi đó ông làm việc ở báo Annam Nouveau. Ông luôn mượn cớ đi qua ngôi nhà 37 Hàng Đẫy để ngắm nhìn người đẹp. Tuần nào cũng như tuần nào, ông đều qua hai, ba lượt. Những lần người đẹp chưa xuất hiện bên vườn hoa, ông phải đợi cho đến lúc nhìn thấy cô, đứng ngắm cô một lúc mới chịu đi. Họ chỉ trao nhau cái nhìn âm thầm rồi kẻ ở người đi. Chuyện này kéo dài gần một năm trời đến nỗi cả hai gia đình đều biết. Gia đình cô Bính cho là chuyện phải lòng của anh nhà thơ trẻ cũng như nhiều chàng trai khác mà thôi. Hơn nữa, lúc nào Nguyễn Nhược Pháp cũng buồn và có mặc cảm là mình nghèo quá, trong khi đó cô Bính lại lớn lên trong gia đình giàu có và quá bề thế.
Ngôi nhà số 67 Nguyễn Thái Học ngày nay chính là nơi ở của người đẹp Bính Hàng Đẫy năm xưa. Giàn hoa hồng gai trên hiên nhà vẫn còn đó.
Cho đến năm 1935, tập thơ "Ngày xưa" của Nguyễn Nhược Pháp ra đời, mọi người mới biết đến thi sĩ. Tập thơ chỉ có 10 bài nhưng đủ để đưa ông lên thành một trong những cây bút hàng đầu đầy tài hoa trong giai đoạn đầu của phong trào thơ mới. Ai cũng biết những bài thơ như "Mỵ Nương", "Tay ngà", "Cô gái bên bờ ao" đều được lấy cảm hứng từ người đẹp Đỗ Thị Bính qua những đường nét, dáng điệu, cử chỉ hay cái chân mày xuất thần.
Nhưng hoa đẹp không được lâu, cảnh đẹp không được dài. Năm 1938, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã tạ thế ở tuổi 24 vì bệnh lao và để lại trong lòng giai nhân Đỗ Thị Bính một nỗi nhớ nhung khôn xiết.
Cuộc hôn nhân yên ả với chàng kĩ sư phong lưu mã thượng
Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về có tên Bùi Tường Viên, em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. Khi ấy, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương, là tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Đỗ Thị Bính và người chồng của mình, ông Bùi Tường Viên.
Ít lâu sau, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống từ năm 1946, người đẹp Đỗ Thị Bính theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang, sống những ngày tháng cả nước đều dành hết sức người, sức của cho cuộc chiến tranh dành độc lập, hoà bình dân tộc.
Trong cuộc sống vợ chồng, người đẹp Đỗ Thị Bính là một người vợ tài sắc, hết mực chăm lo cho gia đình: "Ngay đến cả bữa ăn cùng gia đình chồng, lúc nào mẹ tôi cũng là người ăn sau cùng, phục vụ cho bố mẹ và chồng con ăn trước. Bà luôn giữ thói quen không bao giờ đến các hàng quán ngoài chợ để ăn, mà nhất nhất trung thành với món bún thang do tự tay mình chế biến. Chính chúng tôi sau này cũng bất ngờ, bởi không nghĩ mẹ mình đẹp và toàn vẹn đến thế." - Bà Bùi Thị Mai, con gái của cô Bính Hàng Đẫy một thời xúc động kể lại.
Hai lần chết hụt đầy bất ngờ và những năm tháng cuối đời bình lặng
Tưởng chừng như cuộc đời giai nhân Đỗ Thị Bính là yên ả nhất trong "Hà Thành tứ mỹ". Nhưng không! Những tai ương chết người vẫn ấp tới cuộc đời của cô Bính Hàng Đẫy sắc nước hương trời như một điều hiển nhiên rằng "hồng nhan" thì "bạc mệnh". Nếu như ông trời đã cho ta nhan sắc, thì nhất định sẽ lấy của ta một điều gì đó. Với cô Bính, ấy chính là hai lần chết hụt tới "thập tử nhất sinh".
Một trong những bức ảnh chân dung hiếm hoi của Đỗ Thị Bính mà con cháu bà còn lưu giữ.
Lần đầu tiên là khi cô học lớp 4 tại trường Tây. Vào một buổi chiều tan học, trong lúc mải ríu rít với bè bạn, cô suýt bị một chiếc xe hơi cán phải. Lo lắng cho cô con gái rượu, cụ Đỗ Lợi, người cha tư sản giàu có nhất nhì Hà Nội đã không cho cô tới trường nữa, chỉ mời thầy về nhà để dạy riêng.
Lần thứ hai là khi hoà bình lập lại sau 9 năm đằng đẵng kháng chiến chống Pháp. Đất nước được giải phóng, bà Bính cùng chồng con trở về Hà Nội sống cuộc sống bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Từ đó cho đến khi về hưu, bà công tác tại phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng. Năm 1967, một quả bom lạc vào Hà Nội, rơi trúng ngôi nhà 4 tầng của cơ quan bà nằm trên phố Huế. Rất may, nhờ có bức tường che chắn nên bà có cơ hội sống sót. Còn đâu hơn 50 người đã bị thiệt mạng vì quả bom loạn lạc tai họa ngày ấy.
Cô Bính chụp ảnh với các chị em trong nhà. Cô chính là thiếu nữ mặc đồ đen có dáng ngồi ở vị trí thấp nhất.
Năm 1992, Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi. Bà đã cùng chồng đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt và sống cuộc sống bình dị như biết bao người Hà Nội khác. Mang trên mình xưng danh là một trong "Hà Thành tứ mỹ" nhưng Đỗ Thị Bính không bao giờ ỷ lại vào nhan sắc trời cho, ngược lại, bà luôn chăm lo, tu dưỡng cho bản thân và gia đình. Có thể nói, cuộc đời của cô Bính Hàng Đẫy tuy trải qua không ít sóng gió, vào sinh ra tử, nhưng khi đặt bên cạnh cô Phượng Hàng Ngang, cô Nga Hàng Gai hay cô Síu Cột Cờ thì vẫn khá yên bình và an nhiên.