“Sân si” trong môi trường công sở vốn là chuyện thường, gần như ở đâu cũng có, đáng tiếc dẫu thường và phổ biến nhưng nó vẫn khiến không ít người cảm thấy “chướng tai gai mắt”. Và cũng từ đây, những câu chuyện anti hành vi “sân si” nơi công sở cứ xuất hiện đều đều trên MXH mỗi ngày.

Chẳng hạn như một nàng công sở nào đó dưới đây đã đích thân đăng đàn than thở, bĩu môi chê bai 2 đồng nghiệp “siêu sân si” của mình trên một diễn đàn mạng rất lớn như sau:

Bĩu môi chê đồng nghiệp “siêu sân si” khi dành 7 giờ đồng hồ để nói xấu người khác, nàng công sở lĩnh ngay hậu quả - Ảnh 1.

“Ở phòng làm việc mình có 2 ông bà chị, siêu sân si luôn, nhất là bà nữ. Ổng bả bằng tuổi nhau, sinh năm 1990, chắc vì vậy mà nói chuyện hợp. Mà hễ trong công có ai được/mất gì, sếp khen/sếp chê, thưởng/phạt gì, 2 ổng bả cũng bàn tán tới lui, rồi ý kiến này ý kiến nọ.

Ông anh đó thì mình phục về khả năng làm việc của ổng, vì ổng cho ra những sản phẩm chất lượng và làm nhanh hơn mình, ổng hơn mình 2 năm kinh nghiệm. Nhưng đó là công việc thì mình nể chứ tính cách không ổn lắm. Còn bà nữ thì thôi rồi, làm sai tới sai lui, mình và ông anh đó thì cứ phải hứng hậu quả vì làm khâu sau. 

Việc bả thì ít, mà sai thì đầy, công việc đó mà mình làm thì mình đảm bảo làm đúng nhiều hơn. Mà ôi thôi, đã thiếu sót trong công việc thì tập trung chuyên môn đi, đằng này cứ khoái đánh giá người khác. Bà chị đó nói thiệt chứ làm 8 tiếng mà hết 7 tiếng ngồi bấm điện thoại với sân si người khác. Mình thì không muốn nói lại với leader, tại cũng không phải chuyện của mình, mặc dù khá bực vì nhiều lần gánh hậu quả không phải do mình gây ra.

Bĩu môi chê đồng nghiệp “siêu sân si” khi dành 7 giờ đồng hồ để nói xấu người khác, nàng công sở lĩnh ngay hậu quả - Ảnh 2.

Mỗi lần nghe 2 người  nói chuyện là chỉ muốn cắm tai nghe vào bật max volume nhạc để khỏi mệt dùm mấy người bị sân si. Sân si đến cả ông anh trợ lý giám đốc - quản lý văn phòng chỉ vì ông anh này nhỏ hơn 2 người họ 1 tuổi. 

2 người họ bị làm sao ấy nhỉ, vấn đề không liên quan đến mình thì quan tâm làm gì. Mình nghe nhạc riết không còn cái để nghe thì phải mở youtube lên nghe nhạc nghe phim nghe truyện này kia, sếp thấy mở youtube tưởng mình chơi, fine.

Làm việc trực tiếp với 2 người này cũng ức chế tâm lý nữa, theo mọi người thì mọi người thấy sao ạ?”.

“Sân si” nơi công sở ấy mà, hình như chẳng có ai thích cả, cho nên sau câu chuyện này cứ ngỡ cô gái trẻ sẽ được dân mạng đồng cảm, an ủi, chia sẻ “bí kíp” diệt trừ “sân si” nhiều lắm nhưng không, trái lại còn bất ngờ hơn khi chính cô nàng lại là đối tượng bị mọi người chĩa mũi dùi công kích. Cụ thể, dân mạng cho rằng, về bản chất “sân si” nơi công sở là hành vi xấu nhưng cái việc đăng đàn bỉ bai đồng nghiệp cũng không tốt lành gì hơn. 

Bĩu môi chê đồng nghiệp “siêu sân si” khi dành 7 giờ đồng hồ để nói xấu người khác, nàng công sở lĩnh ngay hậu quả - Ảnh 3.

“Sân si đi chê người khác sân si hơn mình à? Vớ vẩn, vác câu chuyện này lên đây cốt để chỉ trích đồng nghiệp sân si chứ không phải nói về vấn đề năng suất làm việc, đọc ai cũng hiểu mà. Nên là đừng cố tỏ vẻ thanh cao nữa, việc ai người nấy làm, chừng nào người ta sân si tới mình hẳn tìm cách giải quyết, riêng vấn đề teamwork chưa tốt hãy chủ đồng ngồi lại bàn luận với nhau, chứ bảo người khác sân si xong mình thì cắm đầu nghe nhạc, thực ra đó đều là những kiểu người đáng trách nơi công sở”.

“Chị không biết chuyện cụ thể 2 người kia sân si là gì nhưng chị khẳng định, em chả khác gì họ. Việc em thì em cứ tập trung làm, còn người khác thế nào đã có cấp trên họ đánh giá, lãnh đạo họ biết hết đấy chứ không phải không biết đâu. Em kể lể người ta trên này thành ra em cũng đang sân si đấy”.

“Bạn còn nói được câu ‘vấn đề không liên quan đến mình thì quan tâm làm gì’ à? Rõ ràng việc đồng nghiệp bạn buôn chuyện cũng có liên quan gì đến bạn đâu”.

Bĩu môi chê đồng nghiệp “siêu sân si” khi dành 7 giờ đồng hồ để nói xấu người khác, nàng công sở lĩnh ngay hậu quả - Ảnh 4.

Thế đấy, chỉ với đôi dòng bĩu môi than thở nhẹ mà nàng công sở vô tình lại trở thành nhân vật chính bị ném đá. Thậm chí, hàng loạt các bình luận “phản đòn” như trên vẫn cứ xuất hiện đều đều khiến cho bao người phải muối mặt thay “chủ thớt”. Thôi thì không biết nói gì hơn ngoài một lời khuyên nhỏ:

Nếu đồng nghiệp có hành vi gì đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc chung thì hãy nhanh chóng tìm cách giải quyết bằng những hành động cụ thể như đối thoại với cấp trên. Còn lại những sở thích và “đam mê” riêng tư của họ như buôn chuyện, sân si,... tốt nhất nên bơ đi mà sống, không sống được cứ tìm đường thoát thân (đổi chỗ ngồi bàn làm việc chẳng hạn). Bởi “đam mê” thì rất khó từ bỏ, một hai dòng than thở trên MXH chẳng giải quyết được gì đâu, không khéo còn bị mắng ngược.

Bĩu môi chê đồng nghiệp “siêu sân si” khi dành 7 giờ đồng hồ để nói xấu người khác, nàng công sở lĩnh ngay hậu quả - Ảnh 5.