Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này nói virus SARS-CoV-2 đã khiến 3,4% người nhiễm bệnh tử vong, con số cao hơn nhiều so với cúm mùa. WHO cho biết tỉ lệ tử vong sẽ không ngừng thay đổi giữa bối cảnh dịch bệnh có diễn biến mới.

Bloomberg: Các nhà khoa học "đau đầu" vì tỉ lệ tử vong của COVID-19 trên thế giới - Ảnh 1.

Tuy nhiên, tờ Bloomberg chỉ ra rằng, số liệu mà ông Tedros cung cấp chỉ đơn thuần dựa trên một phép tính đơn giản từ số người tử vong và số ca đã xác định dương tính với bệnh. Để có được tỉ lệ tử vong chính xác là rất khó bởi có nhiều bệnh nhân không được xác định nhiễm bệnh do không có triệu chứng nặng. Nếu tìm được tất cả các ca nhiễm virus, thì tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn hiện tại rất nhiều - một số chuyên gia y tế nhận xét.

Tom Frieden, cựu giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và là thành viên trong ủy ban y tế thành phố New York, viết trong email gửi Bloomberg: "Tỉ lệ tử vong 3,4% chắc chắn cao hơn con số thực".

Ông Frieden nói tỉ lệ tử vong toàn cầu đối với COVID-19 có thể sẽ là dưới 1%. Kể cả khi đó, tỉ lệ tử vong vẫn cao hơn dịch cúm, với khoảng 0,1% trong các đợt dịch gần đây - theo như số liệu từ CDC. Mặc dù tỉ lệ tử vong do virus corona gây ra thấp hơn con số 10% của dịch SARS rất nhiều, nhưng nếu virus này lây lan trên diện rộng, số người tử vong sẽ rất lớn.

Triệu chứng nhẹ

Theo WHO, khoảng 80% người mắc virus corona chỉ có các triệu chứng bệnh nhẹ. Một số người không có triệu chứng cụ thể, và các phương pháp xét nghiệm trên khắp thế giới lại cho kết quả khác nhau. Nếu nhiều trường hợp không được phát hiện, thì các chuyên gia rất khó để thống kê được số liệu chính xác.

Rosanna Peeling, giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Quốc gia tại London, nói: "Có nhiều người không biểu hiện triệu chứng. Chúng ta chỉ thấy được những ca được xác định dương tính với bệnh, những ca được đưa tới bệnh viện bởi họ bị khó thở".

Một số quốc gia đã tăng cường xét nghiệm để không bỏ sót bệnh nhân. Hàn Quốc đã thực hiện 140.000 ca xét nghiệm trong thời gian ngắn và phát hiện khoảng 5.700 trường hợp nhiễm bệnh. Singapore đang kiểm tra sức khỏe của tất cả những người nhập cảnh có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp.

Trong khi đó, tính tới ngày 3/3, Nhật Bản mới xét nghiệm được chưa tới 3.000 người và phát hiện được 317 ca dương tính. Tại Mỹ, các nhân viên y tế đang cố gắng tăng tốc độ chẩn đoán sau khi gặp một số vấn đề với bộ xét nghiệm.

Hầu hết các quốc gia đều tuân thủ theo hướng dẫn của WHO, chỉ xét nghiệm người dân nghi nhiễm dựa trên một số tiêu chí cụ thể, ví dụ như những người có triệu chứng bệnh, từng tới các vùng dịch như Trung Quốc, Iran hay Italy, hoặc người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính.

Phương pháp của Italy

Số ca nhiễm bệnh tại Italy đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, với hơn 3.000 trường hợp nhiễm bệnh tính tới ngày 5/3. Các nhân viên y tế đã phát hiện được hàng trăm người nhiễm virus mà gần như không có triệu chứng bệnh.

Các quốc gia khác hiện chưa đủ năng lực để xét nghiệm trên diện rộng. Tại Thụy Sĩ, cơ quan y tế cho biết họ có thể sẽ không thể tiếp tục xét nghiệm nếu số ca lây nhiễm tăng với tốc độ như hiện nay.

Có thể thấy, tại những quốc gia xét nghiệm nhiều, tỉ lệ tử vong do corona gây ra thấp hơn các nơi khác. Dù tỉ lệ tử vong trên toàn cầu là hơn 3% đối với hơn 96.000 ca nhiễm, thì Hàn Quốc chỉ có tỉ lệ tử vong 1%. Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu việc này là nhờ chính sách phòng dịch hiệu quả, chăm sóc y tế tốt hoặc cách tính khác biệt.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra 1 trường hợp khác là tàu Diamond Princess tại Nhật Bản. Hơn 707 trường hợp được xác định dương tính với bệnh nhưng chỉ có 6 ca tử vong, tương đương tỉ lệ tử vong 0,8%.

Do đó, sự nguy hiểm thực sự của virus corona chủng mới vẫn sẽ khiến các nhà nghiên cứu "đau đầu" và cần thêm nhiều thời gian để thực sự hiểu rõ loại bệnh này.

Bloomberg: Các nhà khoa học đau đầu vì tỉ lệ tử vong của COVID-19 trên thế giới - Ảnh 4.