Anh Trương (40 tuổi) sống tại Hàng Châu (Trung Quốc) luôn dành trọn tâm huyết cho con trai sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Từ việc đưa đón con đi học thêm, tham gia các lớp năng khiếu cho đến việc kèm cặp bài tập ở nhà, anh Trương đều tự tay lo liệu.
Năm nay, vì con trai chuẩn bị thi chuyển cấp, anh càng thêm lo lắng. Hầu như mỗi tối, ngoài bài tập ở trường, anh còn giao thêm cho con rất nhiều bài tập nâng cao, khiến cậu con trai đang tuổi dậy thì vô cùng bất mãn. Chính vì vậy, 2 cha con thường xuyên xảy ra tranh cãi khi giải bài tập.
Một ngày nọ, sau một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa 2 bố con, anh Trương bỗng cảm thấy đau ngực dữ dội, khó thở. Vợ anh vội vàng gọi cấp cứu đưa anh đến Bệnh viện Chiết Giang. Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán anh Trương bị nhồi máu cơ tim cấp tính và ngay lập tức kích hoạt quy trình cấp cứu khẩn cấp, liên hệ phòng can thiệp tim mạch chuẩn bị phẫu thuật. PGS.TS.BS Triệu Diễm Ba vừa kết thúc ca trực dài, đang chuẩn bị ăn trưa thì nhận được điện thoại liền tức tốc chạy đến phòng can thiệp.
Sau khi tiến hành các thủ thuật cần thiết như chọc, đặt ống thông, chụp mạch vành… kết quả cho thấy động mạch vành trái của anh Trương bị hẹp 90%, cần phải can thiệp ngay lập tức để tránh những hậu quả nghiêm trọng. BS Triệu bình tĩnh, nhanh chóng và chính xác thực hiện từng bước. Ông hiểu rõ rằng mỗi giây phút trôi qua đều là cuộc chạy đua với thời gian. Nhờ sự khéo léo và kinh nghiệm của BS Triệu, mạch máu của anh Trương nhanh chóng được khai thông, các triệu chứng đau ngực cũng giảm rõ rệt.
Tại sao bệnh mạch vành lại ngày càng trẻ hóa?
Bệnh mạch vành khởi phát sớm được định nghĩa là tình trạng hẹp đường kính lòng mạch vành ≥70% hoặc xảy ra các biến cố tim mạch bất lợi như hội chứng mạch vành cấp ở người dưới 45 tuổi. Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên là hội chứng mạch vành cấp.
Chia sẻ với tờ Chengshi Interactive, PGS Triệu Diễm Ba cho rằng, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh mạch vành khởi phát sớm đang ngày càng tăng và độ tuổi mắc bệnh cũng trẻ hóa. Ông nhấn mạnh tế bào cơ tim không thể tái tạo, mỗi tế bào cơ tim mất đi là một nguy cơ cho tim, do đó cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để giảm thiểu ảnh hưởng đến chức năng tim.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới. Hút thuốc lá, căng thẳng tinh thần và huyết áp cao có liên quan mật thiết đến bệnh mạch vành ở nam giới. Điều này có thể liên quan đến việc nam giới thường có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn và tác dụng bảo vệ của estrogen ở nữ giới.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh tim mạch và các vấn đề tâm lý có mối quan hệ nhân quả với nhau. Ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý đến bệnh tim mạch ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các cảm xúc tiêu cực như tức giận, thù địch, bi quan có liên quan mật thiết đến sự phát triển và tiên lượng xấu của bệnh tim mạch. Căng thẳng tâm lý có thể gây rối loạn nội tiết thần kinh, tăng cường chức năng giao cảm, tăng tiết catecholamine, tổn thương chức năng nội mô mạch máu. Tất cả đều có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạch vành.
Vậy làm thế nào để phòng ngừa bệnh mạch vành khởi phát sớm?
Đối với hầu hết bệnh nhân mắc bệnh mạch vành khởi phát sớm, việc can thiệp vào các yếu tố nguy cơ có thể được thực hiện trước khi bệnh khởi phát. Cụ thể là kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành sớm, tăng cholesterol máu nguyên phát nặng (như FH), tiền sử đái tháo đường hoặc có các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, việc bỏ thuốc lá càng sớm càng có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ. Bỏ thuốc lá trước 40 tuổi có thể làm giảm 90% nguy cơ tử vong liên quan đến thuốc lá.
Cải thiện chế độ ăn uống cũng là một yếu tố quan trọng. Cần áp dụng chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, protein vừa phải, kiểm soát lượng calo nạp vào. Đồng thời, tăng cường ăn rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm giàu calo, chất béo và đường.
Duy trì tập thể dục thường xuyên cũng rất cần thiết. Nên tập thể dục nhịp điệu mỗi tuần, chẳng hạn như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, mỗi lần kéo dài hơn 30 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu toàn thân và cải thiện chức năng tim phổi.
Cuối cùng, việc giữ cho tinh thần ổn định cũng vô cùng quan trọng. Cần bình tĩnh khi gặp chuyện, suy nghĩ tích cực, tránh biến động cảm xúc quá lớn. Học cách bao dung, giữ giao tiếp tốt với gia đình và bạn bè, tránh những tranh cãi không cần thiết. Thực hiện các bài tập thư giãn, chẳng hạn như thở sâu, thư giãn bằng ý nghĩ và thư giãn cơ thể, để tăng cường khả năng phục hồi. Khi cần thiết, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý.
(Ảnh minh họa: Internet)
(Nguồn: QQ, Chengshi Interactive)