Còn nhớ, sau khi bà tôi mất mấy năm, một mình ông ở căn nhà nhỏ. Tuổi già yếu, con cái bận đi làm, ai sẽ chăm sóc cho ông, quan trọng nữa là chăm sóc như nào mới tốt. Mọi người bàn nhau hay đưa ông đi viện dưỡng lão.

Ông không từ chối như những người bạn già khác khi nghe về viện dưỡng lão. Ông không sợ con cháu bỏ rơi mình, chỉ cười khà khà hỏi: "Thế hả?".

Bố tôi và cô chú đưa ông đi tham quan viện dưỡng lão. Ông vẫn thử đi xem, ngắm nghía. Rồi ông lại bảo thôi ông thích ở nhà, chẳng đâu bằng nhà. Ông thích ăn ngủ theo giờ giấc của mình, ông nói ông còn tự lo được thì cứ tự do sống, không muốn phải phụ thuộc vào ai.

Bố tôi lo ông ở một mình, đón ông lên ở cùng. Ông cũng thử đi để xem sao, rồi ông lại bảo thôi ông thích về nhà, chẳng đâu bằng nhà.

Bố có muốn đến viện dưỡng lão?- Ảnh 1.

Minh họa AI: Vy Thư

Ông cười khà khà nói mình bằng này tuổi, còn sống được bao lâu nữa mà lo ánh mắt dị nghị của người khác, mình chỉ còn sống cho mình nữa thôi, con cái cũng sống cuộc đời chúng. Ở đâu tốt thì mình chọn.

Tuổi già thường làm người ta nhỏ bé, yếu đuối và dựa dẫm đi biết bao nhiêu! Bố tôi nói nếu sau này bố không còn tự lo cho bản thân được nữa, nếu các con không có khả năng chăm sóc, thì đưa bố vào viện dưỡng lão, vào đó thay đổi môi trường lúc này lại vui thú hơn.

Ông bạn hàng xóm đến hỏi bố tôi, con cái định đưa ông vào viện dưỡng lão, thế có nên đi hay không? Ông sợ hàng xóm chê cười, nói con cháu bất hiếu.

Bố hỏi lại: "Thế ông đã nói chuyện với con ông chưa? Ông ở nhà có phiền tới chúng nó không, mà ông đi thì chi phí sẽ như thế nào. Đã là gia đình là phải bàn bạc với nhau, tìm ra giải pháp phù hợp nhất, không có đúng sai".

Bố tôi còn nói thêm tùy điều kiện kinh tế gia đình và mong muốn của bố mẹ nữa. Bố mẹ thấy vui vì mình vẫn còn có thể quyết định được và vẫn còn minh mẫn, nếu phù hợp thì các con cũng phải tôn trọng nguyện vọng của bố mẹ. Hy vọng đến tuổi đó chỉ có khỏe mạnh, minh mẫn; có mất cũng ra đi nhẹ nhàng, không làm gánh nặng cho con cái, cũng không phải chịu đựng bất lực, đau đớn dày vò gì.

Có lần mấy người bạn của ông tôi đến thăm ông sau cơn bệnh, mọi người cảm thán mấy nay ông không đi tập, hội các cụ thấy buồn thấy nhớ lắm. Cứ từ từ, dần dần từng người một rời đi, người thì theo con cháu chuyển đi, người thì mất, người nằm liệt giường…

Ông chỉ im lặng lắng nghe.

Lúc đó các cụ nói về sống chết, về ra đi, về mồ mả mà cười phớ lớ.

Lúc đó tôi mới nhận ra sống chết cũng là quy luật tự nhiên, sợ hãi để làm gì, điều gì đến vẫn sẽ đến.

Ông đã mãn nguyện cả một đời nỗ lực, dù còn nuối tiếc nhưng cũng không sợ hãi trước khó khăn. Căn nhà chỉ còn lại những kỷ niệm năm xưa nhưng những gì được học từ ông luôn theo dấu con cháu, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cách sống của con cháu đến tận sau này.

Tôi đã luôn lo lắng không thể cho bố một cuộc sống tốt nhất. Bố tôi thì bình tâm và bình thản trước mọi việc đến và đi trong cuộc sống.

Ông bà đã mất mấy năm, ngày ra mộ thắp nén hương cho ông, bố cẩn thận lau chùi từng chiếc lư hương, cốc nước.

Ông và bố, hai người hai thế hệ khác nhau đã dạy cho chúng tôi bài học về sự dũng cảm và bình an, chẳng cần đao to búa lớn, nói đạo lý làm người, mà chỉ bằng chính cuộc sống và thái độ sống của bản thân.