Theo Bộ Công an, Deepfake đang trở thành một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video và hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Bộ Công an chỉ cách nhận diện cuộc gọi lừa đảo 'Deepfake' - Ảnh 1.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhằm vào việc lừa đảo tài chính. Vì vậy, khi nhận được cuộc gọi liên quan đến các nội dung tài chính, người dân cần tỉnh táo và xác nhận thêm thông tin.

Một số dấu hiệu để nhận biết cuộc gọi lừa đảo như:

- Thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây.

- Khuôn mặt của người gọi thiếu tính cảm xúc và trông "trơ", hoặc có tư thế lúng túng, không tự nhiên.

- Phần đầu và cơ thể trong video cũng không nhất quán với nhau.

- Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này khiến video trông rất giả tạo và không tự nhiên.

- Âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

- Cuộc gọi có thể bị gián đoạn, người gọi có thể nói là mất sóng hoặc sóng yếu. Đồng thời, yêu cầu chuyển tiền có thể đến từ một tài khoản không phải của người gọi.

Cách phòng tránh:

Bộ Công an khuyến cáo, khi nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, hãy giữ bình tĩnh và xác minh thông tin. Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác để xác nhận liệu họ cần tiền hay không.

Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không thực hiện giao dịch.

Nếu cuộc gọi được tự xưng là từ một đại diện ngân hàng, hãy nhấc máy và gọi trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận xem cuộc gọi đó có phải do ngân hàng thực hiện hay không.

Sự kém chất lượng của cuộc gọi thoại hoặc video, như hình ảnh và âm thanh không đồng nhất, chập chờn, cũng là một yếu tố để bạn nghi ngờ về người gọi và tính xác thực của cuộc gọi.