Trong phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cảnh báo hiện tượng tái nhiễm tại Vũ Hán, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...  "Có thể virus này có khả năng ẩn náu trong con người", ông Chung nhấn mạnh. 

"Covid-19 là một thảm hoạ y tế cộng đồng quy mô, phạm vi lớn nhất thế giới từng chứng kiến trong suốt chiều dài lịch sử. Lần đầu tiên trên thế giới có một cuộc chiến, trong đó tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất trở thành vô dụng".

 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp BCĐ phòng, chống Covid-19 sáng 17/4.

3 kịch bản của dịch bệnh có thể xảy ra 

Từ đó, Chủ tịch UBND TP phân tích rõ cần xây dựng các kịch bản xấu nhất xảy ra, có phương án dự phòng. "Chúng ta không lạc quan vội mà cần tiếp tục công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và những điều kiện để đối phó và ứng phó nhanh nhất với dịch bệnh này".

3 kịch bản của dịch bệnh được vạch ra. Thứ nhất, đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng 3 tháng và được khống chế, kiểm soát trên phạm vi khu vực và phạm vi toàn cầu. Đây là kịch bản tốt nhất đối với mọi quốc gia và cả thế giới, dù ít nhiều bị ảnh hưởng, sau đó các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Các trường học và công sở sẽ mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh buôn bán, giao thông, du lịch, khách sạn, nhà hàng dần khôi phục. 

Theo kịch bản này, đa phần các nước bị ảnh hưởng và thiệt hại nhưng thiệt hại sẽ sớm được khắc phục theo thời gian.

Kịch bản thứ 2, dịch bệnh có thể kéo dài từ 1-3 năm, cho đến khi con người chế tạo được một loại thuốc đặc trị để điều trị hiệu quả các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Lúc này Covid-19 xem như một loại cúm mùa, không loại trừ được hoàn toàn nhưng có thể sống chung với nó; kinh tế, hầu hết các quốc gia và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái, con người sống trong điều kiện khắc khổ, trong khi vẫn phải dành nguồn lực đáng kể trong phòng chống dịch bệnh.

Kịch bản thứ 3, Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp như hiện nay trong một thời gian dài, bất chấp các biện pháp mà nhiều nước đang áp dụng; số ca nhiễm, số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức cao. 

Theo kịch bản này, số người chết có thể tăng lên 1.000.000 người, hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm khiến hệ thống y tế công cộng, hệ thống phòng dịch bị thất thủ. Các hậu quả đối với kinh tế thế giới vô cùng bi đát, phát triển của thế giới có thể bị kéo lùi lại hàng thập kỷ; đi kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật, bạo lực hoành hành.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ: "Trong khi chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhất thì cũng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".

 - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Triệu tập một số cán bộ của CDC Hà Nội về việc mua sắm máy xét nghiệm

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) đã làm việc và triệu tập một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm máy xét nghiệm, và tinh thần của TP là kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp này.

Nói thêm về thông tin này, ông Chung khẳng định ngay từ những ngày đầu chống dịch, Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch. 

UBND TP cũng đã yêu cầu thanh tra thành phố vào cuộc từ sớm. "Tất cả các trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm", ông Chung nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP, trong quá trình chống dịch, Ban Chỉ đạo TP đã rất sát sao trong mọi công tác. Để đảm bảo kịp thời công tác, Sở Y tế được giao toàn quyền trong việc mua sắm vật tư phòng dịch. Thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu tăng giá vẫn diễn ra và không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm, của CDC Hà Nội.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong vòng 36 tiếng qua, Hà Nội chưa phát hiện ca nhiễm mới. "Một trong những nguyên nhân tạo kết quả chống dịch tốt là do chúng ta thực hiện tốt công tác xét nghiệm", ông Chung khẳng định.

Trong thời gian tới, Chính quyền Hà Nội đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng, công tác phòng dịch và những công việc bắt buộc phải làm và nhắc nhở: "Kể cả thời gian tới khi hết cách ly thì người dân vẫn phải đeo khẩu trang, phải trở thành một thói quen và việc làm bắt buộc trong thời gian dài".

Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Y tế phải tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 - 6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về Covid -19, xác định ứng phó lâu dài với dịch bệnh này; nắm chắc các phác đồ điều trị.

CDC Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ. "Các bệnh viện, các trung tâm y tế quận huyện tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta phải dự trữ cho chiến lược lâu dài" – Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý.

Theo ông Chung, sau dịch Covid-19, có thể tất cả các lý thuyết về kinh tế đều đảo lộn, thay đổi, vì vậy các đơn vị phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các huyện phải đảm bảo năng suất của vụ xuân hè và tăng cường chăn nuôi, đảm bảo tốt tăng trưởng.