Trước việc hàng chục siêu thị đang phải tạm thời đóng cửa do liên quan đến chùm ca bệnh từ Công ty thực phẩm Thanh Nga, Bộ Công Thương khẳng định, trên 8.000 điểm cung ứng hàng hóa được bổ sung lượng hàng lớn và tăng cường bán hàng online, đảm bảo đủ lượng hàng hóa, giá cả ổn định.
Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội đưa ra các các giải pháp nhưu: công khai danh sách trên 8.000 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và các chợ; đẩy mạnh bán hàng từ xa qua các bưu cục, chuyển phát nhanh; tăng cường dự trữ hàng hóa gấp 3 lần.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Về các siêu thị đang tạm dừng hoạt động, hiện tại các siêu thị này đang tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, phun khử khuẩn, sàng lọc ca nhiễm để có thể mở lại sớm nhất sau khi đã hoàn tất.
"Trong kế hoạch và kịch bản mà Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương, lượng hàng hóa dự trữ cho công tác đảm bảo khi dịch tăng cao đợt này là tăng gấp 3 lần so với 1 tháng bình thường. Giả dụ như trước đây 1 tháng, dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu, trong đó có: gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, nước đóng chai...
Trong 1 tháng bình thường, lượng hàng dự trữ của các hệ thống phân phối ở Hà Nội là 21.500 tỷ đồng thì hiện lượng dự trữ tăng gấp 3 lần là 64.000 tỷ đồng. Mặc dù có một số cơ sở, địa điểm phải đóng cửa do có liên quan ca COVID-19, nhưng Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công Thương công khai danh sách tập hợp điểm cung ứng hàng hóa với gần 8.000 điểm bán hàng hóa thiết yếu và hơn 400 chợ truyền thống đặt tại các quận, huyện. Như vậy, người dân có thể hoàn toàn yên tâm mua sắm và yên tâm về khả năng cung ứng lượng hàng thiết yếu của thành phố", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định.