Người ta thường bảo nhau rằng, tuổi trẻ thì nên dấn thân. Tất nhiên, đó là về lý thuyết. Còn thực tế, việc từ bỏ một nơi "yên ấm" để sẵn sàng chinh phục những thử thách mới, chưa biết sẽ mang lại những gì thì ngoài ưu điểm là… tuổi trẻ, bạn còn cần những yếu tố khác.
Nhắc về lựa chọn bỏ công việc ở phố Wall tháng 3/2020 để trở về Việt Nam, cô gái 9x Hoàng Nhật Minh (Hà Nội) cho rằng, mình cần thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ thêm về định hướng tương lai. Lý do thì nghe ra khá đơn giản, tuy nhiên cần biết là lúc đó lương khởi điểm của Minh đã là 85,000 USD/năm (khoảng 2 tỉ đồng). Và, để được nhận vào làm việc cho Tập đoàn tài chính Nomura Holdings, một tập đoàn lớn của Nhật có trụ sở đặt tại phố Wall (New York, Mỹ), Minh đã phải xuất sắc vượt qua hàng ngàn hồ sơ khác.
Thêm nữa, lúc đó Minh mới là sinh viên năm cuối Đại học Vanderbilt – ngôi trường mà Minh được nhận học bổng 5 tỉ đồng. Dù vậy vượt lên tất cả những "cám dỗ ngọt ngào" đó, Minh nhất quyết trở về, để tìm cho mình một con đường mới, thử thách hơn và (có lẽ) thú vị hơn.
Và quả thật 6 tháng sau đó Minh trúng tuyển bậc thạc sĩ ngành Computational Science and Engineering (Khoa học và Kỹ thuật máy tính) đại học Havard. Đồng thời nhận được lời chúc mừng cùng thông báo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Khối thịnh vượng chung Australia cho học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Data Science (Khoa học dữ liệu) trị giá 6,5 tỷ đồng cho bốn năm nghiên cứu.
Hành trình tiếp theo của Minh, bây giờ lại mới bắt đầu…
- Sau khi về Việt Nam, cuộc sống của bạn ra sao? Liệu thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài có khiến bạn thấy áp lực khi bắt đầu lại mọi thứ ở Việt Nam?
Thực sự về Việt Nam, em gần như phải bắt đầu lại từ đầu trong khi đang có sẵn công việc ở Mỹ. Tìm hiểu rất nhiều từ anh chị đi trước, em hiểu tấm bằng giỏi từ đại học Mỹ không đảm bảo cho em một công việc phù hợp khi về nước, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thời gian ở Việt Nam em quyết định vừa học online để hoàn thành chương trình cử nhân ở Mỹ, vừa xin việc. Làm việc trong môi trường nhà nước và cả tư nhân, có lúc em như muốn nghẹt thở vì xung quanh chỉ toàn những "chỉ số" và sự thúc ép.
Giữa lúc đó, em được một giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân mời cùng làm nghiên cứu và trợ giảng ở lĩnh vực Data Mining (Khai phá dữ liệu). Dù chỉ hơn sinh viên 1-2 tuổi, em có thể chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm và kiến thức nhờ 4 năm ở Mỹ. Em thấy mình hợp với việc nghiên cứu và giảng dạy này.
- Việc chuẩn bị hồ sơ xin học bổng của Đại học Vanderbilt và học bổng thạc sĩ Harvard hay tiến sĩ ở Australia khác nhau ra sao?
Nộp hồ sơ thạc sĩ tương tự như đại học, vẫn cần điểm GPA, bài luận, thư giới thiệu. Tuy nhiên, điểm GPA và thư giới thiệu còn quan trọng hơn cả bài luận vì bài luận đơn giản hơn bậc đại học, chỉ bày tỏ mục tiêu của mình.
Điểm GPA của em là 3.9/4.0, tốt nghiệp trường đại học top 15 của Mỹ nên không lo lắng nhiều. Em cũng có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu nên điều cần nhất là phải tập trung vào việc nhờ giáo sư viết thư giới thiệu. Ở Việt Nam, em đã nhờ chính giảng viên đã cho em theo trợ giảng viết thư giới thiệu. Thầy từng có thời gian làm nghiên cứu tại Đại học Harvard.
Bài luận được em kể chính câu chuyện đối lập khi làm ở ngân hàng đầu tư và văn phòng chính phủ bang cũng như quãng thời gian đi dạy tình nguyện ở Việt Nam từ thời THPT để nói về mong muốn thay đổi chính sách, tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội.
Với hồ sơ tiến sĩ, điều quan trọng nhất là phải tìm được giáo sư nhận mình làm nghiên cứu sinh. Em gửi email, nói chuyện với khoảng 5-10 giáo sư và một người đã giới thiệu em cơ hội nhận học bổng tiến sĩ của chính phủ để theo học ngành Data Science. Em phải trải qua cuộc phỏng vấn kéo dài một tiếng với hội đồng tuyển chọn, gồm 6 nhà khoa học ở Australia trước khi nhận được cái gật đầu đồng ý với học bổng toàn phần bậc tiến sĩ trị giá 6,5 tỷ đồng.
Hoàng Nhật Minh
Nhờ kinh nghiệm thực tiễn, điểm số xuất sắc 4.0/4.0 ở bậc cử nhân, sự tự tin và niềm đam mê em đã tạo ấn tượng rất tốt lên ban tuyển sinh gồm 6 nhà khoa học hàng đầu của nước Úc trong suốt một giờ đồng hồ phỏng vấn.
- Bạn sẽ theo học chương trình thạc sĩ của Đại học Harvard hay tiến sĩ ở Australia? Dự định sau khi học xong của bạn là gì?
Hiện em vẫn tìm hiểu các chương trình đã trúng tuyển thông qua các khóa online trước khi đi đến quyết định trong tháng 4. Em cũng vừa đi trợ giảng, tham gia thực tập tại công ty công nghệ, vừa làm một số sở thích cá nhân như tập kick boxing, gym mỗi ngày. Ngoài ra em tạo ra kênh Youtube riêng mang tên "Nhat Minh Megan Nguyen" để chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng và trải nghiệm du học.
Nhật Minh chia sẻ 4 lỗi sai ĐẮT GIÁ khi nộp hồ sơ du học ai cũng sẽ mắc phải.
Trong tương lai em muốn về Việt Nam, thực hiện dự án giải quyết các vấn đề xã hội như giáo dục của Việt Nam bằng cách ứng dụng Big Data (Dữ liệu lớn).
- Lời khuyên của bạn cho những học sinh có ý định săn học bổng du học?
Các bạn có nhiều cơ hội để trải nghiệm, nên đừng bị áp lực phải đi du học ngay sau khi học xong cấp ba. Hãy chỉ quyết định đi khi gia đình đã chủ động về mặt tài chính và tinh thần.
Sau đó, hãy tìm hiểu nước mình muốn đến. Nên nhớ giấc mơ Mỹ hay Úc cũng sẽ không màu hồng như phim ảnh, vì vậy luôn chủ động hỏi ý kiến những anh chị đi trước đang học tập ở các nước để có cái nhìn toàn diện nhất.
Hoàng Nhật Minh
Nên nhớ giấc mơ Mỹ hay Úc cũng sẽ không màu hồng như phim ảnh, vì vậy luôn chủ động hỏi ý kiến những anh chị đi trước đang học tập ở các nước để có cái nhìn toàn diện nhất.
Ngoài ra, hỏi ý kiến những anh chị đi trước về ngôi trường mình thích cũng như ngành học. Nếu các bạn không biết tìm đến ai, hãy tham khảo kênh Youtube của Minh và nhắn tin trực tiếp cho Minh. Minh sẵn sàng giúp các bạn đánh giá bước tiếp theo nên làm trong hành trình du học của mình.
Sau đó, lên trang web của trường đại học mình mong muốn để tìm hiểu xem liệu trường có cơ hội học bổng cho ứng viên không. Thường thì nếu một trường đại học không nhận hỗ trợ tài chính bậc thạc sĩ cho các bạn, trường sẽ bao gồm đường link đến các chương trình học bổng do tổ chức cá nhân hoặc chính phủ đưa ra.
Với những bạn muốn theo hướng ứng dụng của công nghệ, đừng ngần ngại xin vào một vị trí thực tập không lương trong các công ty công nghệ để học hỏi từ những dự án thực tiễn. Đó là cách mình nuôi dưỡng niềm đam mê với tính ứng dụng cao của công nghệ.