Cứ đến 5h chiều, khi nắng xiên qua bụi tre sắp tắt, bà ngoại bắt đầu đi ra cổng và cất tiếng gọi quen thuộc.
- Cò Vạc Bê Nghé Cún về tắm rửa ăn cơm!
5 đứa nhóc sẽ lui cui bò ra từ đống rơm, tụt trên cây cau xuống đất, bắn nốt chỗ bi ve hoặc xách theo cái diều. Mỗi đứa 1 hướng chạy về như tên bắn, thi xem đứa nào bước qua cổng trước sẽ được tắm đầu tiên. Tắm xong là được ăn quà vặt trước, lúc nào bà cũng chuẩn bị sẵn để trong cái rổ con. Trứng luộc, ngô hấp, dưa chuột, bưởi, ổi đào… Thứ gì cũng 5 phần đều nhau.
Lót dạ xong thì đứa nào đứa nấy đã tinh tươm sạch sẽ. Ông ngoại bê cái mâm đồng ra sân, rồi quây quần cùng ăn bữa tối với các cháu. Gần 30 năm trước nghèo rớt, chỉ có cơm trắng độn khoai, cháo trai, canh hến, rau xào, cà xổi, cua đồng, cá rán. Hiếm hoi lắm mới có bữa gà bữa thịt. Ấy thế mà đám con nít chúng tôi ăn ngon lành, chẳng đứa nào chê bai đòi hỏi gì hết.
Trong những món “cao lương mỹ vị” đậm chất tuổi thơ ấy, thứ làm tôi nhớ nhất là món ốc hấp sả của bà. Cứ thấy ông ngoại xách giỏ ra ao hoặc ruộng là cả đám cháu chắt nhao lên đòi theo. Chỉ có tôi với nhóc Cún là đam mê bắt ốc thật. Còn lại thì kiếm cớ theo ông để bày trò nghịch phá mà thôi!
Kệ cho mấy anh chị em khác lội mương bới đất, lăn lê bò toài khám phá khắp nơi, tôi với ông cắm đầu vào nhặt ốc. Chả hiểu sao ngày xưa lắm ốc thế. Thò tay xuống ao cá vớt đại cũng được mấy con ốc bám ở bậc cầu thang. Còn ngoài ruộng thì vô vàn con to con bé, ông ngoại dạy tôi là ốc gạo với ốc bươu.
Cứ thấy chỗ nào có những ổ trứng màu hồng dính chùm dưới gốc bèo gốc lúa là tôi hí hửng thò tay xuống bới. Trời nắng nước trong thì dễ nhìn thấy ốc trên mặt bùn lắm, còn bữa nào nổi gió âm u thì khua tay mò mò dưới làn nước đục. Có lần khua khoắng nhiệt tình quá tôi đụng trúng phải mấy con cua đồng. Chúng liền kẹp vào tay tôi “cảnh cáo”, thế là tôi ngã lăn ra khóc gọi ông.
Đầy 3 cái giỏ tre là ông cháu tôi rửa chân tay ra về. Đứa nào còn luyến tiếc chưa chơi chán thì xin ông ở lại ruộng, kiểu gì ông cũng mắng mấy câu lấy lệ rồi cười xòa. 5 đứa cháu được gửi chung nhờ ông bà nuôi nấng, làm gì có chuyện ông không hiểu tính nết ra sao!
Bà ngoại đón mớ ốc lẫn lộn từ ông rồi đổ hết ra chậu. Sau khi “vò” mớ ốc qua 2-3 lượt nước giếng, bà sẽ ngâm chúng với mấy quả ớt và 2-3 chiếc thìa. Hôm nào nhiều ốc to bà còn đổ thêm mấy thìa giấm nữa. Tò mò hỏi lý do thì bà xoa đầu tôi nói làm vậy cho ốc sạch.
Quả nhiên mớ ốc ngâm qua đêm xong sạch hẳn nhớt. Dù bà đã cẩn thận đậy rổ rồi chèn viên gạch lên, nhưng chẳng hiểu sao lũ không chân lắm vỏ ấy luôn biết cách “vượt ngục” ra ngoài! Tôi thích thú ngồi nhìn đám ốc bò chậm rãi trên sân, vẽ ra mấy đường ngoằn ngoèo kì cục.
Rồi giây phút háo hức nhất cũng đến. Bà nhổ nguyên bụi sả cắt đôi cho vào nồi luộc ốc, thêm ít lá chanh và nhúm muối hạt. Sau đó bà ra vườn lựa mấy cái gai bưởi to, bẻ ra cho vào cái mẹt. Mùi sả ốc bay thơm lừng khắp xóm. Sao mà thơm quyến rũ cả tuổi thơ!
Ốc chín rụng vẩy mồm là bà bắc ra luôn. Lót thêm cái rế lên mẹt, bà bưng bát nước chấm và nồi ốc nóng hổi ra trước con mắt thèm thuồng của đàn cháu háu ăn. Chúng tôi tranh nhau nhặt gai bưởi để khều ốc, thi nhau bốc con to để được nhai cho đã. Thịt ốc giòn ngọt đậm vị sả, quyện với nước mắm đường chanh tỏi ớt của bà thật tuyệt vời.
Giờ lớn lên ở thành phố không thiếu ốc. Hàng bán ốc quê ốc gạo mọc lên khắp nơi, giá 1 bát ốc luộc cũng rẻ. Nhưng sao ăn ở đâu tôi cũng không thấy hương vị giống bà làm. Và nhất là cái thứ dùng để khều ốc, tôi đã quen với việc dùng tăm nhọn, que inox thay cho chiếc gai bưởi mộc mạc ấu thơ.
Mấy hôm trước gọi điện về quê nhõng nhẽo, giả vờ than với ngoại làm mãi chẳng đủ ăn. Thế là sáng sớm nay bà ngoại gọi cho tôi, bảo chạy ra bến xe để nhận đồ “tiếp tế”.
Mở chiếc thùng xốp đựng đầy đồ ăn của ngoại, tôi bỗng cay xè mắt khi nhìn thấy bó gai bưởi buộc dây rơm nằm ngay ngắn trong góc. Sao ngày xưa nghèo thế mà bà ngoại có thể nuôi tận 5 đứa cháu, đứa nào cũng béo mập và khôn lớn như này?...