Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho Sở GD-ĐT các tỉnh thành phải cho học sinh nghỉ học trong thời gian dài. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. 

Theo đó, năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8. Hiện tại, các đơn vị chức năng của Bộ đang tích cực xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng vì học sinh học online không đảm bảo chất lượng, thời gian quay trở lại trường học ít sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi sắp tới. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, Cục sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do dịch bệnh Covid-19:

"Cùng với việc chỉ đạo tinh giản chương trình thì chúng tôi đang tổ chức xây dựng đề thi tham khảo phù hợp với điều kiện dạy học và điều kiện tinh giản chương trình, đảm bảo học sinh không bị sốc khi tinh giản chương trình để làm sao vừa bảo đảm mục tiêu dạy học, vừa bảo đảm mục tiêu của kỳ thi".

Bộ GD-ĐT: "Phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng, chúng ta sẽ đủ thời gian để ôn tập, tổ chức thi" - Ảnh 1.

Đề thi tham khảo sẽ đảm bảo cho học sinh không bị sốc khi tinh giản chương trình.

Cũng theo ông Trinh, nội dung tinh giản sẽ ở nằm ở phần học kỳ II vì các em học sinh phải nghỉ học nhiều và học trực tuyến, học qua truyền hình: 

"Tinh thần là Bộ đang triển khai rồi và triển khai đồng bộ với việc tinh giản chương trình, làm sao ngay sau khi công bố tinh giản chương trình thì chúng tôi cũng có ngay đề thi tham khảo, do đó nó rất là nhanh, để chúng ta sớm có định hướng ôn tập cho học sinh. Các em học sinh cũng như giáo viên yên tâm, không nên quá lo lắng vì chúng ta sẽ đủ thời gian để tổ chức triển khai các nội dung dạy học cũng như tổ chức ôn thi".

Trước đó, trong hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD-ĐT để bàn giảm tải chương trình cho học sinh, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho biết việc rà soát để giảm tải đang được Bộ GD-ĐT gấp rút triển khai. Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả SGK, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học.

Về nguyên tắc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu với SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề. Thường việc tích hợp vẫn nằm trong chương/mục SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.

>> Xem thêm: Thông tin mới từ Bộ GD-ĐT: Sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia 2020 TẠI ĐÂY