Anh Đỗ Văn Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện mua đất xen kẹt của mình. Cách đây vài năm, anh Nam mua căn nhà cấp 4 được xây dựng trên mảnh đất xen kẹt với giá hơn 600 triệu đồng. Mức giá khá rẻ này khiến anh Nam ổn định cuộc sống, có chốn an cư mà không phải mất tiền đi thuê nhà hằng tháng.
Mới đây, khi biết hàng xóm sát phía sau nhà anh quyết định bán 30 m2 đất xen kẹt, anh đã không ngần ngại xuống tiền để mua tiếp mảnh đất này với dự định sẽ cải tạo căn nhà đang ở cho rộng thêm. “ Nếu ghép mảnh đất này vào căn nhà hiện tại, diện tích ở của gia đình tôi sẽ thoải mái, rộng rãi hơn rất nhiều" , anh Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi mua xong mảnh đất và chuẩn bị tiến hành xây dựng, anh Nam lại gặp khúc mắc, khiến mảnh đất vài trăm triệu đồng của anh bỗng mất hết giá trị.
Cụ thể, căn nhà cấp 4 mà anh Nam đang ở có ngõ chung với ba nhà hàng xóm khác. Con ngõ này là do 4 nhà đi chung ngõ bỏ đất ra để làm. Trong khi mảnh đất phía sau nhà anh Nam vừa mua lại không thuộc thửa đất 4 nhà đang sinh sống. Vì vậy, khi anh Nam có ý định cơi nới, mở rộng nhà đã vấp phải sự phản đối của ba hộ hàng xóm còn lại với lý do mảnh đất phía sau không được đi chung ngõ.
“ Bình thường chúng tôi đều là những hàng xóm thân thiết, thường xuyên sang nhà nhau ăn nhậu. Ai ngờ, giờ họ bắt tôi trả tiền ngõ đi chung mới cho tôi xây dựng ”, anh Nam bức xúc nói.
Cũng theo anh Nam, số tiền để được sử dụng ngõ đi chung này lên tới vài chục triệu đồng, trong khi để mua mảnh đất 30m2 kia anh Nam đã phải bán xe và vay nợ bạn bè.
“ Giờ tôi không còn tiền và cũng không muốn thỏa hiệp với hàng xóm nữa vì rất bất bình. Tôi không xây nhà nữa, sẵn sàng để mảnh đất đấy trồng rau ”, anh Nam cho hay.
Cũng theo anh Nam, vì là đất xen kẹt, chỉ có giấy tờ viết tay nên khi xảy ra tranh chấp, rất khó để đưa ra chính quyền can thiệp, nhờ xử lý. Vì vậy, nếu muốn xây dựng chỉ có cách tự thỏa thuận với hàng xóm xung quanh. “ Mua đất xen kẹt có ưu điểm là giá rẻ, nhưng khi xảy ra vấn đề tranh chấp thì rất khó giải quyết”, anh Nam thừa nhận.
Kém may mắn hơn anh Nam, anh Nguyễn Văn Phong (quê Thanh Hóa) dính "quả lừa" sau khi mua một mảnh đất xen kẹt ở phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Qua lời một môi giới, anh Phong được giới thiệu mảnh đất 42 m2 nằm ngay trên mặt ngõ rộng 5 mét, ô tô tránh thoải mái. Sở hữu vị trí đắc địa, xung quanh hàng xóm đã xây dựng nhà cửa hết, nhưng lô đất này có giá chỉ 32 triệu đồng/m2. Trong khi giá đất xung quanh khoảng 90 triệu đồng/m2.
Vì mảnh đất quá đẹp và chủ đất, môi giới hứa sau khi mua bán khoảng 3 tháng sẽ giúp chủ nhà xin được thủ tục để xây dựng nhà cấp 4 có gác xép, tức là nhà 1,5 tầng.
Sau khi hỏi han hàng xóm xung quanh, anh Phong cũng được biết, lô đất này rất nhiều người đến hỏi và đều rất ưng ý, cùng với chủ nhà là người có quan hệ rộng, nên có thể xin giúp được thủ tục xây dựng.
Có động lực, nên chỉ hai ngày sau xem đất, anh Phong đã quyết định cọc 100 triệu đồng và 7 ngày sau thanh toán tiền toàn bộ khu đất.
Nhưng ai ngờ 3 tháng sau, khi đến thời hạn chủ nhà hỗ trợ thủ tục xây dựng, anh Phong bất ngờ không liên lạc được với cả chủ nhà và môi giới.
Càng bàng hoàng hơn, khi đến lô đất vừa mua, anh mới tá hỏa khi trên lô đất được treo biển, đất đang tranh chấp, cấm xây dựng, mua bán.
Liên hệ đến số điện thoại trên biển, anh Phong ngã ngửa với thông tin lô đất này ít nhất đã được bán cho 3 người khác nhau. Người treo biển và một người khác cũng đang tranh chấp, giờ thêm anh Phong là chủ thứ ba của lô đất này.
“ Chúng tôi đi tìm chủ đất nhưng đều không liên hệ được, địa chỉ trên giấy tờ viết tay là địa chỉ giả. Thông tin của môi giới cũng là giả. Vì là đất xen kẹt, nên việc mua bán chủ yếu dựa trên niềm tin, do vậy, khi xảy ra rủi ro chỉ có người mua là chịu thiệt. Đúng là tôi đã ăn phải trái đắng nhớ đời ”, anh Phong buồn rầu nói.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, điểm tạo nên sức hấp dẫn của loại đất xen kẹt không có sổ đỏ chính là giá rất rẻ. Tuy nhiên, người mua khi bỏ tiền vào đất xen kẹt cần phải xác định đó chẳng khác nào một trò chơi "đỏ đen" với tỷ lệ thắng thua là 50/50. Bởi, đối với bất kỳ giao dịch nhà đất nào khi không có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định hiện hành thì cũng đồng nghĩa với việc không có gì để đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp cho người mua.