Biển báo hạn chế tốc độ trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh đã được Sở Giao thông Vận tải thay thế bằng biển đi chậm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
“Nhổ” hết biển báo dưới 50km/giờ
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương tháo bỏ ngay các biển hạn chế tốc độ dưới 50km/giờ trên toàn hệ thống đường bộ (kể cả các đoạn tuyến đang sửa chữa); trường hợp cần thiết lắp đặt biển báo đi chậm hoặc biển hạn chế tốc độ lớn hơn và kết hợp cảnh báo khác.
Trong trường hợp đặc biệt về điều kiện kỹ thuật (cầu yếu, điểm đen tai nạn giao thông, đoạn đèo dốc đối với xe khách giường nằm hai tầng) chưa kịp xử lý mà phải sử dụng biển hạn chế tốc độ dưới 50km/giờ, thì phải có hồ sơ thuyết minh, giải trình gửi Tổng cục Đường bộ giải quyết.
Đối với các biển hạn chế tốc độ lớn hơn hoặc bằng 50km/giờ, Tổng cục Đường bộ yêu cầu tiếp tục rà soát để thay thế theo hướng: nếu có thể khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì thay thế bằng biển báo có tốc độ hạn chế lớn hơn hoặc thay thế bằng cảnh báo khác nếu cần.
Đối với biển báo khu đông dân cư, các đơn vị liên quan phải rà soát lại toàn bộ các biển báo khu đông dân cư theo Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải về quy định tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với hệ thống báo hiệu đường bộ khác (vạch sơn, biển báo khác...), Tổng cục Đường bộ yêu cầu thường xuyên rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập (biển báo không phù hợp, bong tróc, biển bị che khuất, biển báo và vạch sơn không thống nhất…); ưu tiên nguồn lực cho công tác điều chỉnh, bổ sung và thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ.
Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện ngay đối với hệ thống đường địa phương trong địa bàn và Quốc lộ được ủy thác quản lý. Thời gian hoàn thành rà soát, bỏ các biển hạn chế tốc độ dưới 50km/giờ xong trước 30/1/2016.
“Việc rà soát, thay thế các biển hạn chế tốc độ lớn hơn hoặc bằng 50km/giờ và các biển báo khu đông dân cư hoàn thành trước ngày 1/3/2016,” ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.
Chịu trách nhiệm nếu để tăng tai nạn
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Huyện cho biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ngay trong đêm ngày 19/1 cũng đã cho tháo các biển dưới 40km/giờ, thay bằng biển đi chậm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có một số làn đường rộng để các tốc độ khác nhau cho xe máy (40km/giờ) và ôtô (60km/giờ), nhưng quan điểm của Tổng cục là xóa hết các biển dưới 40km/giờ, bởi trong trường hợp khẩn cấp điều chỉnh làn, xe ôtô chuyển làn sẽ bị đi vào làn hạn chế 40km/giờ.
“Trước đây, việc cắm biển có sự ‘phân vân’ giữa các lực lượng, bây giờ Tổng cục Đường bộ sẽ lo việc này vì các lý do là kết cấu đường tăng, kỹ năng thực hành của lái xe hơn hẳn trước, nhận thức của người dân trong tham gia giao thông cũng đã tăng lên. Vì vậy, bỏ được biển hạn chế tốc độ 40km/giờ sẽ giảm được ách tắc, ùn ứ trong thành phố. Để biển hạn chế 40km/giờ trong đô thị là không phù hợp nữa. Chúng tôi chịu trách nhiệm nếu để tăng tai nạn giao thông,” ông Huyện quả quyết.
Các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50km/giờ trên toàn hệ thống đường bộ sẽ được tháo bỏ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tại vị trí các công trường, Tổng cục cũng sẽ bỏ hết các biển báo hạn chế tốc độ 30km/giờ hay 5km/giờ thay vào đó là biển đi chậm. Sau này chỉ còn biển 50km/giờ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Tổng cục cũng cho rằng, các khu vực đông dân cư, đô thị chỉ cắm biển báo ở đầu và cuối tuyến, khoảng cách tối thiểu là 30km. Không thể để 5-10km lại có biển báo, để thế thì chỗ nào cũng đông dân cư. Ở các khu vực nguy hiểm, có thể cắm biển đi chậm. Các khu vực chợ, trường học, bệnh viện đều có biển cảnh báo phù hợp.
“Ngay như hôm qua, Tổng cục Đường bộ nhận được 5 tin nhắn từ Bộ trưởng liên quan đến các biển báo bất hợp lý ở Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, Hải Phòng. Ngay lập tức, các Sở Giao thông Vận tải địa phương đều đã khắc phục ngay. Việc bỏ biển báo giới hạn tốc độ 40km/giờ là có cơ sở khoa học chứ không phải thích thì xóa,” ông Huyện bày tỏ quan điểm./.