Là mẹ của 2 nhóc tì 9 tuổi và 4 tuổi, chị Nguyễn Hoàng Diệu Liên, (37 tuổi, Đà Nẵng) thời gian này cũng phải vắt óc ra nghĩ cách giúp con vui chơi, học hành hiệu quả vì các bé được nghỉ phòng dịch Covid-19.
Với các bậc phụ huynh khác, đây chẳng phải điều dễ dàng. Thậm chí, không ít người cảm thấy "điên đầu", mệt mỏi rã rời. Đã phải lo việc nước, làm việc nhà, giờ đây lại còn chăm sóc các con toàn thời gian, không nản sao được?
Cha mẹ thì thế nhưng thực ra các con cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Nghỉ học một vài ngày thì thích, nhưng thời gian quá dài, các con cũng dần thấy nhớ thầy cô, bạn bè, trường lớp. Chưa kể, nghỉ mà lại không được đi chơi, hạn chế tới nơi đông người, phần lớn thời gian chỉ ở trong nhà, các con cũng cuồng chân, buồn chán lắm đấy!
Để giải quyết các vấn đề bận rộn của cha mẹ, chán nản của các con, chị Liên đã áp dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học và đạt hiệu quả bất ngờ.
Không có đồ chơi, cho 2 con tự tạo món đồ mình thích
Cả hai bé Tào Minh Kha (9 tuổi) và Tào Minh Minh (4 tuổi) đều được chị Liên dạy cho tính tự lập từ nhỏ, vì thế các con có chủ động và sáng tạo trong hầu hết mọi việc. Chỉ cần mẹ chỉ bảo là răm rắp thực hiện theo, đó cũng là một lợi thế khiến chị Diệu Liên không cảm thấy bị quá tải trong thời gian các con nghỉ phòng dịch.
Nhưng quan trọng hơn cả, chị luôn nghĩ ra nhiều trò để các con vui chơi cùng nhau. Đầu tiên, chị Liên sẽ hướng dẫn các bé tự chơi, rồi khuyến khích các con tự sáng tạo, phát triển và chơi cùng các bạn khác.
"Mình để con tự phát minh, sáng tạo theo ý muốn. Bố mẹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ con về nguyên vật liệu. Ví dụ như nồi, chảo, tô, chén, băng keo, giấy, màu. Và con chơi xong con phải tự dọn hết thì mẹ mới cho chơi tiếp lần sau, như thế con thì vui mà mẹ đỡ mệt" – chị Diệu Liên cho hay.
Và điều độc đáo của bà mẹ 2 con này khiến ai cũng sửng sốt, đó là chị mang cho hết đồ chơi của Minh và Kha. Các con muốn chơi thì hãy tự tạo từ các nguyên liệu sẵn có trong nhà như thùng cotton, giấy các loại, kéo dao và tạo ra ngôi nhà. Bộ xếp logo chị Liên cũng chỉ mua cho một hộp lớn, sau đó con cứ xếp dần dần ra những hình thù khác.
Và suốt thời gian nghỉ, 2 nhóc tì luôn tự chơi, tạo đồ chơi cùng nhau. Không ít những món đồ được 2 anh em phát minh ra từ các nguyên liệu có sẵn và vô cùng thích thú. "Nôm na là con sẽ tự phát minh đồ chơi nên con chơi mãi không chán" – chị Liên tóm tắt lại phương pháp độc đáo nhưng hiệu quả của mình đã áp dụng cho các con.
2 anh em Minh, Kha có rất ít đồ chơi, thường tập vẽ, tự làm bìa
Tập làm bếp và chơi cờ tướng cũng là thú vui của 2 anh em trong đợt nghỉ phòng dịch.
Cho con tự bày, tự dọn và tăng cường làm việc nhà
Chị Liên hiểu trẻ nhỏ ưa chạy nhảy, vận động và thích tìm tòi, khám phá, nếu cứ nhốt con trong nhà mãi ắt sẽ chán nản mà đòi xem TV, iPad, điện thoại... Vậy nên, ngoài việc bày trò cho con chơi không biết chán, chị Liên còn tạo "công ăn việc làm" cho 2 nhóc tì.
Sau khi chơi xong, chị yêu cầu 2 con phải tự thu dọn lại mọi thứ sạch sẽ. Khi chơi thì bừa bộn sao cũng được nhưng đã kết thúc thì nhà cửa phải sạch bong, sáng bóng. Và đặc biệt, một số công việc nhà đơn giản như dọn cơm, rửa bát, lau nhà, lau bàn ghế... chị Liên đều yêu cầu 2 con thực hiện.
"Trong mùa dịch này, mình cũng không mệt lắm khi các con ở nhà mặc dù không cho xem TV, iPad, điện thoại. Các con tự hiểu là phải tự bày trò ra chơi thôi. Ngoài ra, các con cũng tích cực giúp đỡ bố mẹ việc nhà, tham gia vào quá trình nấu nướng nữa nên không có thời gian rảnh để chán đâu" – chị Liên chia sẻ.
Bà mẹ hai con cũng khuyến khích Minh và Kha chơi cùng nhau một cách hòa thuận. Thậm chí, đó còn là quy định của gia đình rằng anh trai, em gái phải biết yêu thương, hợp tác và chia sẻ cùng nhau. Đôi khi các bé cũng có những bất đồng, thế nhưng chị đã đứng ra can thiệp và hướng dẫn 2 con rồi mọi thứ cũng ổn.
Không chủ quan nhưng không lo lắng thái quá, vẫn cho con ra ngoài hít vận động
Theo chị Liên chia sẻ, gia đình chị vốn hay đi chính vì thế, khi dịch xảy ra mà phải ở trong nhà im ỉm thì không chỉ các con mà bố mẹ cũng cảm thấy bí bách, khó chịu.
Do đó, vợ chồng chị Liên cho rằng chỉ nên hạn chế chứ không phải ở trong nhà hoàn toàn. Và thay vì tới những hàng quán đông đúc, chị cho các con chạy nhảy công viên, khu vui chơi ngoài trời, bãi biển… những nơi nhiều nắng và gió.
Những địa điểm chị Liên lựa chọn cho các con tới đều là nơi vắng người, thoáng đãng.
May mắn nữa, gia đình chị Liên có khoảng sân rộng, chị cho các con ra trước nhà tự chơi với nhau. Dần dần các bạn hàng xóm đi qua lại và nhập hội. Cứ mỗi chiều là các bé xung quanh qua nhà chị réo rắt rủ nhau ra chơi cùng.
2 bé nhà chị Liên và các bạn hàng xóm.
"Vợ chồng mình cũng lo dịch bệnh chứ nhưng không thể cứ ở nhà mãi được. Lo lắng nhưng không nên thái quá, cũng không được chủ quan mà cần chủ động phòng chống.
Và cách mà vợ chồng mình áp dụng đó là chăm chỉ theo dõi tin tức, xem tình hình dịch đang như thế nào, có bao nhiêu ca và ở khu vực nào, đường nào… Sau đó, mình sẽ tránh tới các khu quanh đó".
Ngoài ra, chị Liên cho biết mình cũng tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo từ Bộ Y tế để phòng dịch. Mỗi khi đưa các con ra ngoài, chị luôn đem theo cồn để khử trùng quanh chỗ ngồi, rửa tay khô liên tục, đồ ăn nhà đem theo cho các con. Về nhà thì rửa tay, rửa mặt, súc họng. Uống các loại nước tăng đề kháng và bổ phổi. "Khi không lo lắng thái quá nữa thì bố mẹ và các con có rất nhiều nơi để vui chơi" – chị Liên chia sẻ.
Ngoài việc cha mẹ chủ động phòng chống, chị Diệu Liên cũng giáo dục các con kĩ năng cần thiết để bảo vệ bản thân: "Ngay từ khi dịch xảy ra, mình đã luôn nhắc con không được đưa tay lên mắt, mũi, miệng, nhắc liên tục ấy để các con tạo thói quen. Hiện giờ thì các con gần như không đưa tay lên 3 vùng đó nữa. Và đương nhiên, việc rửa tay với dung dịch, xà phòng sát khuẩn các bé cũng rất tự giác".
Không đặt nặng chuyện học hành, các con vui vẻ là được
Chị Diệu Liên cho biết, chị không ép con học, nhiều khi còn lơ là nhưng có lẽ vì thế các bé lại rất tự giác. Chỉ có bài tập cô giáo gửi thì chị yêu cầu các con phải thực hiện xong mới được đi chơi.
Hai tháng nghỉ phòng dịch ở nhà, chị Liên lại thấy các con lanh lợi và trưởng thành hơn dù không bị đặt nặng bài vở. Chị chia sẻ: "Trường học không phải nơi duy nhất để các con học, thậm chí những điều từ môi trường xung quanh còn giá trị hơn. Và quãng thời gian này các con trưởng thành lên rất nhiều nên mình rất mừng. Mình cho con thời gian tự chơi, tự trải nghiệm, tự tìm tòi, khám phá, đó cũng chính là 1 cách giáo dục của gia đình mình".
Ảnh: NVCC