Trước đây có một trào lưu để trẻ sơ sinh chạm chân vào cỏ được rất nhiều cha mẹ hưởng ứng theo và kéo dài cho tới bây giờ. Phản ứng của em bé khiến cho người lớn cảm thấy rất thích thú. Đồng thời, họ thắc mắc rằng có phải em bé nào cũng đều có phản ứng như vậy hay không.
Bé gái kiên quyết không chạm chân vào cỏ
Theo đó, người bố bế em bé đến một bãi cỏ xanh mướt, rộng rãi, cố tình để chân bé chạm vào cỏ. Thế nhưng, dù làm như thế nào em bé vẫn nhất quyết co chân lên, vẻ mặt lo sợ dễ thương khiến ai nhìn thấy cũng phải buồn cười. Sau khi được bố đặt xuống nhiều lần, chân em bé cuối cùng đã chạm vào cỏ, nhưng chỉ vài giây là em bé lại co lên, khuôn mặt sợ hãi, khóc lóc trông đáng yêu vô cùng.
Trước phản ứng thú vị này, nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận như: "Em bé cưng quá, nhưng sao bé lại sợ cỏ đến thế nhỉ", "Trông vẻ mặt em bé như đang sợ bên dưới có một con quái vật nào đó sắp cắn vào chân mình".
Tuy nhiên, đằng sau phản ứng kỳ lạ và thú vị này là một hiện tượng ở trẻ sơ sinh được các nhà khoa học công nhận, hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên.
Tại sao em bé lại sợ tiếp xúc với cỏ?
Có một thực tế cho thấy, trẻ sơ sinh không thích chạm chân vào cỏ nhưng người lớn lại thích xem phản ứng này đáng yêu và hài hước này. Nhưng tại sao em bé lại không muốn chơi đùa trên cỏ?
Câu trả lời rất đơn giản, cỏ khiến cho em bé như bị "quá tải cảm giác". Trong những năm tháng đầu đời, hệ thần kinh của trẻ vẫn đang được điều chỉnh liên tục, phát triển rất nhanh về cảm giác, thị giác, xúc giác… Trải nghiệm này được nhiều chuyên gia công nhận, trong đó có Michael Pollan, tác giả của cuốn sách "How to Change Your Mind". Ông nói rằng, cảm giác này không khác gì khi mức psilocybin tăng cao, làm hệ thần kinh hoạt động quá mức. Cảm giác khi chân chạm vào cỏ rất nhột, vừa thô, vừa ướt, quá nhiều cùng một lúc.
Một nghiên cứu khác của Đại học Yale xem xét phản ứng của trẻ sơ sinh với nhiều đồ vật khác nhau, bao gồm cả thảm thực vật. Họ phát hiện ra rằng, khi cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với thực vật, trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để quyết định xem mình có nên chạm vào hay không so với những đồ vật khác. Sự do dự khi tiếp xúc với thực vật xảy ra ở trẻ dưới 8 tháng tuổi.
Trên thực tế, ngay cả người trưởng thành cũng khó tránh khỏi cảm giác nhột, ướt khi tiếp xúc với cỏ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trẻ sơ sinh lần đầu tiên tiếp xúc với cỏ lại tỏ ra khó khăn đến vậy.
Gina Posner, bác sĩ nhi tại Trung tâm Y tế MemorialCare Orange Coast ở Fountain Valley, California, Mỹ cho biết: "Kết cấu và cảm giác gai của cỏ khác xa so với cảm giác mềm mại, dễ chịu của thảm, gạch, gỗ, bàn chân, bàn tay con người. Vì vậy, trẻ sơ sinh thường sợ hãi khi tiếp xúc với cỏ".
Hơn nữa, cỏ cũng có thể gây ngứa cho cả người lớn và trẻ nhỏ, thậm chí là phát ban. Điều này có thể khiến trẻ nhỏ gặp trở ngại khi bò hoặc chơi trên cỏ.
Một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Cognition cho rằng, trẻ sơ sinh hoài nghi về thực vật nói chung. Các tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng: "Trẻ sơ sinh dưới 8 tháng tuổi tỏ ra ngại khám phá thực vật bằng tay hơn so với các thực thể khác".
T/H