Các cụ vẫn bảo, đàn ông có 3 việc lớn nhất định phải hoàn thành trong đời mới xứng phận nam nhi, đó là tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Nhiều chàng trai thường đặt mục tiêu phấn đấu có công việc ổn định, có xe, có nhà rồi mới cưới vợ. Song, cuộc sống hiện đại cũng có không ít cô vợ chấp nhận lấy chồng tay trắng, cùng đồng cam cộng khổ để xây nhà đẻ con sau.

Không phải người phụ nữ nào cũng đủ dũng cảm để cưới 1 người đàn ông "đi ngược" lại lời các cụ, bởi lập gia đình khi chưa có gì trong tay thực sự rất khó để giữ được cuộc hôn nhân lâu bền. Tuy nhiên, nếu làm được như người vợ dưới đây, đã cố cưới chồng nghèo vì tin chồng có chí tiến thủ, làm bao nhiêu cũng vun vén hết cho nhà chồng, lại còn chịu cả tiếng "ăn bám chồng" vì chồng đi vay mượn xây hẳn biệt thự 2 tỷ dù thực tế chẳng có đủ khả năng, thì quả thực xứng đáng phong làm bà vợ anh hùng.

"Chào mọi người. Mình có một vấn đề rất khổ tâm cần người tư vấn. Nhà chồng mình hoàn cảnh rất khó khăn, còn nhà mình lại có điều kiện khá ở thành phố lớn. Mình lấy chồng chỉ vì thấy được sự vững chãi và tin tưởng nơi anh, gạt đi hết những đối tượng cùng thành phố và có điều kiện lo cho cuộc sống sau này.

Cưới chồng nghèo nhưng chồng đòi xây hẳn biệt thự 2 tỷ cho bố mẹ, xây xong 1 nửa nhà thì báo vỡ nợ, nàng dâu ức phát khóc - Ảnh 1.

Lời tâm sự dài với nhiều uẩn khúc của nàng dâu cưới chồng nghèo khiến chị em xôn xao bàn tán.

Ngày cưới, bố mẹ chồng không cho được gì ngoài chiếc vòng vàng, tiền lễ đen không đủ 1/3 số mâm mà nhà mình đã bỏ ra đãi tiệc bên nhà chồng. Sau cưới, toàn bộ quà cưới mình gửi lại mẹ chồng giữ cho, tiền mừng cưới cũng đưa hết bố mẹ chồng trả tiền cỗ bàn. Đám cưới nói chung vợ chồng mình tự lo hết. OK mình không tính toán, chỉ hơi tủi thân vì lễ đen ít đến mức như thể mình bị coi thường.

Chuyện đó qua lâu rồi, vấn đề hiện tại mới lớn, mà mình không thể chia sẻ với ai kể cả bố mẹ ruột. Nhà chồng các anh chị em đi lập nghiệp nơi khác hết, nhưng chồng vẫn muốn xây nhà cho bố mẹ ở. OK mình đồng ý vì nghĩ bố mẹ cũng vất vả cả đời. Nhưng rồi mình mới biết là không phải xây 1 căn nhà nhỏ xinh 2 tầng để bố mẹ ở, mà xây biệt thự dự tính rơi vào khoảng gần 2 tỷ! Trong khi bố mẹ chồng không có tiền, chồng mình thì đang đi học nước ngoài, tiền học bổng chỉ đủ nuôi 2 vợ chồng, chưa dám có con vì bao nhiêu tiền kiếm được cũng gửi về tài khoản hết, em chồng thì vẫn đang đi học. Vậy thì tiền ở đâu ra mà làm nhà to?

Lúc đầu nói với mình là 2 anh em làm thêm kiếm được 900 triệu, giờ làm xong 1/2 nhà rồi mới vỡ lẽ em chồng đã làm mất hết 1/3 chỗ tiền gom góp của 2 anh em, chồng mình cũng làm ăn bị thua lỗ thêm 1/6. Vậy tổng là mất 1/2 chỗ tiền đã tiết kiệm được. Khi gom tiền gửi về thì giấu mình, đến khi vỡ nợ mới nói với mình. Mình thương chồng nên đồng ý san sẻ gánh vác thêm, vậy là ước mơ gom tiền để sinh con lại phải lùi lại...

Ngoài ra để có được tiền chồng mình đi vay mượn khắp nơi, nhưng không nói rõ là để xây nhà nên mình bị mang tiếng ăn bám khiến chồng phải đi vay mượn (mình đi làm lương cao hơn chồng nhưng không ai biết vì mình không muốn kể ra). Ở quê chồng thì ai cũng nghĩ chồng mình sang nước ngoài sướng và tự nhiên có nhiều tiền??? Mọi người ở nhà không hiểu nổi nỗi vất vả của vợ chồng mình, không kiểm soát nên chi phí xây nhà cứ đội lên... Mình đã cấm chồng vay thêm tiền bạn bè, thứ nhất là sẽ mất bạn bè, thứ 2 là ở nhà tưởng vợ chồng mình kiếm tiền dễ dàng lắm, chỉ mong chồng mình gửi hết về (trước mình đã nghe nói nhà chồng dặn chồng là không nên nói với mình khoản tiền chồng kiếm được, chắc sợ chồng mình làm nhiều tiền rồi bị mình giữ).

Cưới chồng nghèo nhưng chồng đòi xây hẳn biệt thự 2 tỷ cho bố mẹ, xây xong 1 nửa nhà thì báo vỡ nợ, nàng dâu ức phát khóc - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Em chồng thì suốt ngày khoe nhà cửa xây to, rồi mình cũng nghe nhiều điều ở quê rằng nhà này do 1 tay nó xây lên... Mình rất thương chồng vì làm việc vất vả cả ngày cả đêm, hầu như anh không có thời gian giải trí hay cả dành cho vợ... Vậy mình có nên tiếp tục san sẻ khoản tiết kiệm cho con để đem về xây nhà nữa không? Mình có nên cấm hẳn chồng vay thêm tiền của bạn bè nữa không? Mình có nên tỏ thái độ rõ ràng với nhà chồng không? (Nhà chồng giờ vẫn nghĩ mình không biết gì)".

Chuyện của cô vợ trẻ ở trên thực sự giống hoàn cảnh mà nhiều chị em phụ nữ cũng đang phải đối mặt. Dù vợ chồng thương nhau có gì cũng chia sẻ, nhưng gia đình chồng thì lại không phải vậy, nên chuyện lớn trong nhà thật khó xử thay. Phải thừa nhận 1 điều rằng cô vợ trẻ này quá biết điều, không trách móc bố mẹ chồng lẫn em chồng, chỉ băn khoăn riêng mình nên mới nhờ chị em giúp đỡ.

Đa số khi đọc xong câu chuyện ở trên đều tỏ ra bất bình với những hành động mà nhà chồng đối xử với nàng dâu, nhất là việc "nhận vơ" công góp tiền xây nhà của cậu em chồng. 

"Nhà đã không có tiền thì cố vẽ vời ra làm gì cho khổ? Có khi số tiền 900 triệu ấy cũng chưa chắc đã có thật, bịa ra xong lấy cớ vỡ nợ để cho con dâu nhà giàu phải nghĩ cách giúp".

"Mình thấy chị gái này tốt quá hóa dại. Hỏi chồng xem chồng chị coi vợ là cái gì mà kinh tế lại giấu nhẹm như thế? Nghĩ cho bố mẹ cũng không có gì đáng trách, nhưng phải nhìn khả năng thực tế đến đâu chứ làm vậy ảo tưởng quá".

Cưới chồng nghèo nhưng chồng đòi xây hẳn biệt thự 2 tỷ cho bố mẹ, xây xong 1 nửa nhà thì báo vỡ nợ, nàng dâu ức phát khóc - Ảnh 3.

Ai cũng khuyên cô vợ trẻ rằng chuyện ngôi biệt thự 2 tỷ và tiền bạc rắc rối ở trên đều phải 3 mặt 1 lời với gia đình chồng.

"Cứ nói thẳng với bố mẹ chồng là mình biết chuyện hết rồi bạn ạ, chứ không lẽ họ báo vỡ nợ để đấy gần 2 tỷ mình con dâu gánh hết à? Con trai làm ra bao nhiêu tiền thì xui giấu kín, cậu em chồng thì khoác lác cướp công, trong khi nó cũng phá gần hết tiền dành dụm xây nhà".

"Thằng nào làm thằng đó chịu, ai bảo bày vẽ ra nhà to xong rồi đi khoe khoang".

Kể ra thì cũng tội nghiệp người vợ trẻ, đang yên đang lành lâm vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan. Làm ầm lên thì không được, mà cứ nhịn tỏ vẻ không biết gì thì khổ chồng, khổ cả bản thân. Đó là bài học sâu sắc không hề thừa với mọi cặp vợ chồng, vì gần như cưới xin xong ai chẳng phải chung lưng đấu cật để phấn đấu mua nhà, xe, phụng dưỡng bố mẹ? Tuy nhiên, chung thì nên chia sẻ rõ ràng với nhau từ tiền bạc đến các khoản thu chi, và kế hoạch định làm cũng phải phù hợp với khả năng, chứ đừng nên "chém to kho mặn" rồi khổ cả gia đình.