Những hình ảnh cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Oanh ngã gục xuống đường chạy và gần như ngất đi vì quá mệt với việc phải thi đấu kiên cường liên tục gần 10.000m tại SEA Game 30 rồi giành 3 huy chương vàng có lẽ sẽ không bao giờ phai nhoà trong ký ức những người hâm mộ thể thao Việt Nam.
Trên MXH, một FB tên Bách Việt viết: "...Thấy xót xa cho những người hùng phi thường như cô gái bé nhỏ này. Chỉ nặng có 46kg nhưng đăng ký thi 3 nội dung chạy thì vô địch cả 3, thậm chí còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung thi cuối cùng, khi sức đã kiệt.
Làm gì có VĐV nào sáng chạy 5000m về nhất, nghỉ xong vài tiếng lại chạy như chưa bao giờ khỏe như vậy ở cự ly 3000m vượt chướng ngại vật. Em về đích là ngã ra ngay, người co giật. 15 phút sau, mồ hôi vẫn vã như tắm. Trả lời phỏng vấn, em nói mà như khóc "Cảm ơn cơ thể đã giúp em chịu đựng được như thế này". "Chịu đựng", chứ không phải "giành được" hay "chiến thắng". Nghe xót xa không?.."
Oanh bật khóc tại SEA Game 30 sau khi chinh phục được những đỉnh cao danh giá.
"Mỗi sáng nó dậy sớm rồi tập chạy khắp làng"
Trải qua quãng đường dài chúng tôi tìm đến được thôn Nhuần, xã Mỹ Hà, (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), căn nhà nhỏ của nữ vận động viên điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh (SN 1996) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ vắng lặng.
Trước mắt chúng tôi là một căn nhà nhỏ đơn sơ giản dị, gia đình Oanh không phải thuộc diện khá giả. "Yên bình các chú nhỉ, rau cháo với bố mẹ từ nhỏ mà nó chạy khoẻ thế đấy", ông Nguyễn Văn Chuyền (bố của Oanh) nói vui rồi mời chúng tôi vào nhà.
Căn nhà nhỏ giản dị của nữ vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh tại quê nhà.
Trong nhà Oanh, mọi thứ đều giản dị. Trên tường được treo kín các bằng khen, giấy khen. Một chiếc tủ nhỏ trưng bày nhiều giải thưởng mà Oanh đã đạt được trong suốt quãng thời gian tập luyện, thi đấu. Chính giữa chiếc tủ nhỏ là Cúp chiến thắng ở hạng mục dành cho Hình ảnh thể thao ấn tượng nhất năm 2017 và Cúp vô địch Giải marathon Trung Quốc - ASEAN đầu năm 2018.
Lối nhỏ dẫn vào nhà Oanh.
Trong lúc tôi đang chăm chú ngắm nhìn các giải thưởng, ông Chuyền nói với: "Không treo được hết, còn một sấp bằng khen trong tủ kia nữa. Nó còn bảo nó mới mang về một nửa vì không treo được hết, nhà hơi nhỏ", ông cười khoái chí rồi chỉ tay về hướng chiếc tủ nhỏ đã cũ xếp đầy bằng khen mà Oanh đạt được.
Oanh là người con gái thứ 7 trong một gia đình có 8 anh chị em. Ngay từ khi còn nhỏ, Oanh được đánh giá là một đứa trẻ năng động hoạt bát. Từ khi học cấp 2, cô thường tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của trường.
Nhiều bằng khen, huy chương được trưng bày tại nhà nữ vận động viên suất sắc.
"Cứ mỗi lần trường có giải đấu thể thao gì là nó lại tập chạy, mỗi sáng nó dậy sớm rồi tập chạy khắp làng, có hôm lại rủ em dậy chạy cùng. Lúc đó mọi người cũng chỉ nghĩ là nó chạy cho vui ai ngờ nó thích thể thao thật", ông Chuyền chia sẻ.
Đến cuối năm Oanh học lớp 9, em bắt đầu nhận được sự chú ý và được nhận vào Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang để tập luyện. Lúc này em cũng được gia đình cho chuyển đến học tại trường THPT Ngô Sĩ Liên để tiện cho việc học tập và rèn luyện.
Khi học được nửa năm lớp 10 thì em chuyển xuống Hà Nội để tập luyện và theo học. Bắt đầu từ khoảng thời gian này em cũng phải sống xa nhà và tự lập đến hiện tại.
Với ông Chuyền, chỉ cần con gái luôn cố gắng và khoẻ mạnh là đã đủ hạnh phúc.
Với sự nỗ lực và ý chí hết mình, Oanh đạt được nhiều thành tích cao trong sự nghiệp.
Tự lập từ sớm, Oanh luôn nhận thức được bản thân phải luôn cố gắng để theo đuổi đam mê để không phụ lòng bố mẹ. Ban đầu khi Oanh theo đuổi đam mê thể thao cũng vấp phải sự phản đối của các chị. Nhưng do ý chí quyết tâm và đam mê nên em đã quyết định lựa chọn con đường riêng của mình.
Hiểu con gái và luôn tôn trọng quyết định của các con nên ông Chuyển và vợ đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho Oanh theo đuổi đam mê, sự nghiệp của mình.
"Chúng tôi làm cha làm mẹ thì luôn tôn trọng quyết định và đam mê của các con. Dù biết sẽ khó khăn nhưng vẫn động viên nhau cố gắng để các con theo đuổi đam mê, sự nghiệp không để các con phải lỡ dở việc gì", ông Chuyền chia sẻ.
"Không mong gì nhiều, chỉ biết động viên con vì màu cờ sắc áo"
Với một điểm tựa vững chắc là gia đình đầm ấm, tràn đầy yêu thương, Oanh đã luôn khẳng định được bản thân với những thành tích ấn tượng trong sự nghiệp của mình.
Với một điểm tựa vững chắc là gia đình, Oanh luôn tự tin dẫn đầu trong nhiều giải đấu với thành tích xuất sắc.
Cúp chiến thắng ở hạng mục dành cho Hình ảnh thể thao ấn tượng nhất năm 2017 được trưng bày ở giữa tủ với nhiều huy chương.
Chưa đầy 5 năm, cô gái nhỏ nhắn ấy đã chinh phục được nhiều đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Mới đây tại đấu trường SEA Game 30, Oanh đã giành tấm huy chương vàng đầu tiên tại nội dung chạy 1.500m nữ với thời gian 4 phút 17 giây 31.
Tiếp đó, cô gái tiếp tục chinh phục tấm huy chương vàng 5.000m với thời gian 16 phút 45 giây 98. Cũng trên đất Philippines ở ngày thi đấu áp chót, Oanh đã xuất sắc về đích đầu tiên với nội dung chạy 3000m vượt rào nữ chỉ với 10 phút 00 giây 02.
Mỗi khi Oanh chuẩn bị bước vào giải đấu lớn, bà Hưởng và ông Chuyền không có gì to tát ngoài những lời động viên: "Tự tin cố gắng con nhé, mọi người luôn ở bên con vì màu cờ sắc áo của dân tộc".
"Chúng tôi luôn động viên con trên con đường con đã chọn. Với những thành tích con đạt được, chúng tôi không còn mong mỏi gì nhiều nữa, chỉ biết động viên con cố gắng vì màu cờ sắc áo của dân tộc, chứ không mong con mang tiền về", bà Nguyễn Thị Hưởng (mẹ của Oanh) tâm sự.
"Hôm Oanh thi đấu chúng tôi cũng nghỉ làm ở nhà để theo dõi con. Khi thấy con liên tục giành huy chương chúng tôi vui sướng, tự hào lắm, mọi người cũng gọi điện chúc mừng nhiều. Nhìn thấy con mệt ngã ra sân chạy bậc làm cha làm mẹ ai mà không sót. Chúng tôi xem mà rớt nước mắt nhưng thấy con khoẻ lại ngay cũng mừng, chỉ biết động viên con cố gắng", bà Hưởng chia sẻ.
Nhiều bằng khen mà Oanh giành được, xếp đầy trong chiếc tủ đã cũ vì không treo được hết trong căn nhà nhỏ.
Dù đã giành được nhiều thành tích ấn tượng trong sự nghiệp nhưng Oanh vẫn luôn thể hiện là một người năng động. Cô gái đã mạnh dạn dấn thân vào con đường kinh doanh xoay quanh niềm đam mê thể thao của mình.
"Oanh cùng với cô đồng đội cũ Nguyễn Thị Huyền (nguyên VĐV ném lao của Quân đội), góp vốn mở cửa hàng chuyên cung cấp giày dép, quần áo thể thao thời trang ở ngã tư Nhổn, gần Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Oanh bán online nên cũng không bị ảnh hưởng đến thời gian rèn luyện, nó bảo bán để kiếm thêm thu nhập với cũng muốn thử sức ở lĩnh vực mới để trải nghiệm", bà Hưởng cười.
Với ông Chuyền, bà Hưởng, hiện 2 người chỉ mong Oanh luôn khoẻ mạnh để tiếp tục đam mê chinh phục những đỉnh cao mà bản thân mong muốn. Trong căn nhà nhỏ giản dị tại vùng thôn quê, ông bà vẫn luôn dõi theo từng bước chân của cô gái "vàng" thể thao Việt Nam.