Đôi khi vì thương con mà cha mẹ đã bao che cho con hay can thiệp quá sâu vào chuyện học hành của con. Các bậc cha mẹ không biết rằng những hành vi này đã gián tiếp tạo ra những hành vi xấu, tính cách xấu cho con sau này mà Tiến sỹ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương đã chỉ ra, đó là cội nguồn cho việc hình thành lối sống vô lương tâm. 

Trong số những điều quan trọng cần dạy con trẻ, theo TS Vũ Thu Hương, dạy con sống có lương tâm là điều cần thiết mà các bố mẹ cần coi trọng ngay khi còn nhỏ. Điều đó thể hiện từ những việc nhỏ nhặt nhất như dạy con chia sẻ công việc nhà, chia sẻ thức ăn, quà tặng với người thân hay vứt rác vào đúng nơi quy định khi đi ăn uống ở nhà hàng...

Những chia sẻ rất gần gũi của TS Vũ Thu Hương chắc hẳn sẽ khiến các bố mẹ ý thức hơn với việc dạy trẻ sống có trách nhiệm, có lương tâm ngay từ khi còn thơ ấu.

Bất kể ai trong chúng ta cũng rất bực bội nếu phải chứng kiến 1 cảnh sống vô lương tâm. Chúng ta đã nhiều lần đòi hỏi mọi người phải có lương tâm nghề nghiệp, phải có lương tâm sống. Vậy chúng ta có giáo dục con trẻ về điều này?

Khi con cái đi học, những lúc con lười làm bài tập, có một vài cha mẹ làm hộ con cho nhanh khi bảo con làm mãi không nghe. Nhiều cha mẹ thấy còn không hoàn thành bài, sợ con bị cô mắng, đã gọi điện nói dối cô là hôm nay con mệt. Đây là một cách gián tiếp dạy con sống vô lương tâm và nói dối.

Cũng có cha mẹ bảo con: học Toán, Văn, Tiếng Anh thôi con ạ, những môn khác không cần học đâu. Đến khi kiểm tra thì mở vở ra xem. Cũng có cha mẹ nhờ bạn bè của con cho con chép bài để con được điểm cao. Đây có thể nói là những hành động thực sự vô lương tâm với chính con mình vì đã đào tạo con những hành vi xấu, tính cách xấu.

Ngay trong việc học và làm việc nhóm cũng vậy, nếu ai cũng trốn tránh và dồn việc vào người bạn chăm chỉ thì vừa thiếu lương tâm vừa thiếu sáng suốt. Bởi vì những khó khăn, những bài tập đó sẽ giúp người chăm chỉ trở nên giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn.

Nói về việc cha mẹ can thiệp thô bạo vào công việc ở trường giữa cô giáo và con, chửi mắng cô giáo cũng là một hành vi rất vô lương tâm. Cha mẹ không chỉ dạy con hỗn láo với thầy cô thông qua cách này mà còn gây ra vô vàn khó khăn cho cô với các công việc tại trường.

Như vậy dạy con sống lương tâm rõ ràng là phải xem lại những hành vi của mình trước con vì nó sẽ có tác động lớn đến đứa trẻ. Còn cách nào khác để dạy con sống lương tâm?

Dạy trẻ sống có lương tâm
Với bọn trẻ, việc dạy con chia sẻ công việc nhà, chia sẻ phần thức ăn hay quà tặng của mình với cha mẹ, người thân cũng là cách dạy con sống lương tâm với người thân.

Tôi nhớ một lần, có 1 cô bé đến chỗ tôi học, khi bố mẹ đón, các bạn ùa về hết, bé vẫn ở lại xếp bàn ghế cho gọn. Tôi và các cô giáo bảo con về đi để các cô làm. Bố cháu thấy vậy bèn bảo chúng tôi: "Không bác và các cô cứ để cháu làm. Các cháu ở đây, các cô dạy đã vất vả lắm rồi. Giờ cháu không xếp ghế, các cô lại phải vất vả thêm chút nữa". Thế là chúng tôi đứng nhìn cô bé con nhỏ xíu xếp bàn ghế. Bố cháu còn thì thào với tôi: "Đấy là cách chúng em dạy con sống có lương tâm".

So sánh sự việc trên, tôi lại nhớ đến cảnh các gia đình đi ăn ở cửa hàng. Sau khi sử dụng giấy ăn, họ vứt giấy xuống nền nhà rất tự do. Việc này thật ra không chỉ mất vệ sinh mà còn gây nguy hiểm. Giấy rác rơi dưới nền nhà cũng có thể là nguyên nhân của những vụ trượt ngã. Những hành vi nho nhỏ này chính là biểu hiện của lối sống vô lương tâm. Để con trẻ học hỏi cách sống này, chính là chúng ta đã hủy hoại chính lương tâm của trẻ.

Khi chúng tôi vào cửa hàng ăn uống, bao giờ tôi và con gái cũng ngồi lau bàn thật kĩ rồi cho giấy bẩn vào thùng rác. Những người phục vụ quán ăn đã quá vất vả khi phục vụ chúng ta. Một hành vi nho nhỏ như vậy của tất cả mọi người sẽ khiến cho công việc của họ nhẹ nhàng hơn. Tôi nhớ có lần, con gái vô tình đánh rơi giấy xuống sàn nhà, cháu vội cúi xuống nhặt rồi vứt vào thùng rác. Người đàn ông ngồi đối diện nhà tôi bèn vội vàng: "Kệ đi cháu, giấy bẩn lắm, cháu nhặt làm gì, để quán người ta quét".

Con gái tôi trả lời như sau: "Dạ, cháu đánh rơi bẩn ra sàn thì cháu phải nhặt ạ. Nếu để thế thì người vào ăn sau sẽ phải ăn trên một đống rác bác ạ".

Với bọn trẻ, việc dạy con chia sẻ công việc nhà, chia sẻ phần thức ăn hay quà tặng của mình với cha mẹ, người thân cũng là cách dạy con sống lương tâm với người thân. Tôi đi ra đường, con gái luôn là người cầm mọi vật nặng. Dĩ nhiên, với một bệnh nhân tim như tôi thì chuyện đó cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi cũng thấy nó sẵn sàng mang vác, giúp đỡ ông bà, bố, dì, và mọi người thân khác. Điều đó trông có vẻ chướng mắt với người khác nhưng theo tôi, đó cũng là cách để dạy con biết nghĩ đến người khác, giúp đỡ mọi người trong khó khăn. Những cha mẹ nào than thở là khi ốm, con bỏ mặc không chăm sóc, thậm chí còn khó chịu ngược lại bố mẹ khi họ không có sức để làm việc nhà thì chắc chắn cần xem lại xem mình dạy con sống lương tâm như thế nào?

Cũng như vậy, sống có trách nhiệm với đất nước, với môi trường sống, với trái đất này cũng là biểu hiện của lương tâm.
Như vậy, lương tâm rất gần với trách nhiệm. Làm tròn trách nhiệm của mình, không gây ra khó khăn cho người khác chính là cách sống có lương tâm. Lương tâm là nhân cách sống của người lương thiện. Để con mình trở nên lương thiện, chắc chắn các cha mẹ cần phải dạy con sống có lương tâm rồi.

Tôi nghĩ một điều cũng rất quan trọng đó là thái độ của con khi con đang ở gần bên cạnh một người ngủ. Nếu con đi lại huỳnh huỵch, cười nói ầm ĩ, hoặc bật nhạc, xem ti vi ầm ầm thì rõ ràng con chưa hiểu về cách sống không làm phiền người khác rồi. Sống trong một tập thể, cần phải nhìn xem người khác đang làm gì, hành vi của mình có ảnh hưởng gì đến họ không, có làm phiền họ không, điều chỉnh cho phù hợp cũng chính là một biểu hiện của người có lương tâm.

Một vấn đề thuộc về lương tâm nữa mà theo tôi cần giáo dục con ngày từ khi còn bé, đó là lương tâm nghề nghiệp. Những câu chuyện đơn giản như sau có thể giúp bọn trẻ hiểu thêm:

Một bác kĩ sư có nhiệm vụ kiểm tra một đoạn đường ray tàu hỏa. Trong một lần kiểm tra, bác ấy thấy một chiếc ốc lỏng lẻo sắp sút ra ngoài. Ban đầu bác ấy nghĩ: Sắp hết ca trực của mình rồi, để người sau sẽ xiết ốc vào. Thế là bác đi về. Nhưng đi được vài bước, bác chợt nghĩ: Thế nếu đoàn tàu đến ngay bây giờ, khi người kế tiếp chưa kịp kiểm tra đến chiếc ốc đó thì sao, chắc chắn tai nạn khủng khiếp sẽ xảy ra. Thế là bác quay lại chỗ cũ, bác xiết lại chiếc ốc lỏng lẻo rồi mới yên tâm ra về. Và đúng như bác dự đoán, ngay sau khi bác xiết chiếc ốc lại được 10 phút, một đoàn tàu lớn rầm rập chạy qua. Và một tai nạn thảm khốc đã không xảy ra nhờ vào lương tâm của bác kĩ sư.

Chúng ta rất dễ dàng trách móc người khác sống vô lương tâm, nhưng chúng ta đã thực sự sống lương tâm và dạy con trẻ điều đó chưa? Tôi nghĩ giờ chắc các cha mẹ đã có câu trả lời rồi.