Sau một hồi bị cậu con trai 3 tuổi vặn vẹo đủ điều khi xem bức tranh về các loài cá, chị Thuận (Gia Lâm, Hà Nội) phát cáu vì không biết trả lời thế nào.

Cuối cùng, chị đành nhờ chồng "cứu viện" với lời giải thích: "Cũng như con tên là Nam, còn bạn tên là Hiếu, hay em bé tên là Bim vậy" thì cậu nhóc mới tạm chịu tha.

Đôi khi, nhiều phụ huynh không đủ kiên nhẫn để trả lời những tràng câu hỏi của con. Không ít người còn bối rối chẳng biết giải thích ra sao để thỏa mãn trí tò mò của trẻ, thậm chí một số bố mẹ còn tìm cách lảng tránh hay quát mắng để dập tắt chuỗi thắc mắc vô tận đó.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con thì hỏi là một cách để trẻ khám phá thế giới xung quanh. Nếu bố mẹ có thái độ và cách trả lời phù hợp cũng như biết cách đặt câu hỏi khơi gợi tiếp sẽ giúp các bé phát triển hết khả năng tư duy, sáng tạo ngay từ nhỏ.
 

Nhà tâm lý giáo dục cũng cho rằng, việc trả lời con thế nào không đơn giản. Đôi khi, bố mẹ không cần phải giải thích bằng các cơ sở khoa học, ý nghĩa lôgic cho thật đúng đắn, mà chỉ cần kể một câu chuyện nhỏ sinh động cũng đủ thỏa mãn trí tò mò của trẻ. Trong nhiều trường hợp, thay vì trả lời con, phụ huynh con có thể đặt các câu hỏi để kích thích tư duy của trẻ, và có thể chính bạn sẽ ngạc nhiên bởi những cách lý giải thú vị, ngộ nghĩnh của con.

Theo chị Thụy Anh, không có một câu trả lời "mẫu" nào đúng cho câu hỏi của mỗi trẻ. Với cá tính của mỗi em, mỗi lứa tuổi hay hoàn cảnh thực tế mà bố mẹ có những cách ứng đáp khác nhau.

Chẳng hạn, câu trả lời của vợ chồng chị Thuận về tên gọi các loài cá ở trên có thể thỏa mãn một cậu bé 3 tuổi nhưng một đứa trẻ 6 tuổi sẽ không chấp nhận điều đó. Khi ấy, người lớn lại có thể nói với con về vài đặc điểm khác nhau và giúp con phân biệt các loài động vật dưới nước này.

"Trẻ nhỏ không cần những lời giải thích cặn kẽ, đầy đủ cơ sở khoa học. Các bé có thể sẽ không hiểu nổi những điều đó, thậm chí cảm thấy quá rắc rối và càng thắc mắc nhiều hơn. Trong khi, một lời giải thích đơn giản, có liên tưởng đến những gì gần gũi hay một câu chuyện kể sinh động liên quan đến câu hỏi, khơi gợi được trí tưởng tượng của trẻ sẽ ý nghĩa hơn nhiều", nhà giáo dục nói.

Tương tự, với những thắc mắc của con về giới tính, lúc trẻ nhỏ, bố mẹ có thể giải thích đơn giản, kể những câu chuyện sinh động để giải đáp cho con, nhưng khi trẻ lớn hơn, từ 5 tuổi trở lên, bố mẹ có thể cung cấp cho con những hình ảnh, kiến thức thực sự khoa học về vấn đề này, tất nhiên, vẫn bằng cách nói nhẹ nhàng, gần gũi.

Chị cũng chia sẻ câu chuyện của chính mình. Khi khoảng 3 tuổi, con trai chị rất hay thắc mắc về chuyện "con sinh ra từ đâu". Chị đã giải thích cho con bằng một câu chuyện nhỏ và cu cậu tỏ ra rất thích thú và thỏa mãn: "Mấy năm trước, bố và mẹ gặp nhau, rồi yêu nhau. Bố có một viên ngọc rất quý và đã tặng nó cho mẹ, mẹ không muốn làm mất nên đã cất ở trong người. Sau đó, mẹ dùng tình yêu thương của mẹ để nuôi dưỡng cho viên ngọc đó lớn dần lên...".

Hỏi là một cách giúp trẻ mở rộng kiến thức và phát triển tư duy. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ hỏi cũng là để khám phá về những điều xung quanh. Khi khoảng 6-7 tuổi trở lên, nhiều cháu đã biết dùng câu hỏi để dồn bố mẹ vào thế bí và tỏ thái độ bản thân.

Chị Dung (Thanh Trì, Hà Nội) đã vô cùng lúng túng khi cậu con trai lớp 2 vặn vẹo: "Sao mẹ nói yêu con mà mẹ lại bắt con học, không cho con chơi? Mẹ yêu con sao mẹ lại đánh con?". Chị không biết phải trả lời con thế nào nên đã phải nhờ tới nhà tư vấn.

Trước câu hỏi hóc búa này, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, để đáp lại câu hỏi này của trẻ không đơn giản và mỗi bà mẹ sẽ có cách nói khác nhau, tùy thuộc vào tính cách của con hay thời điểm trẻ nói ra. Tuy nhiên, thường khi hỏi câu này, trẻ đang rất "bức xúc" và có thể công kích lại bất cứ câu trả lời nào của bố mẹ, vì thế, phụ huynh nên dùng kế "hoãn binh", chẳng hạn "Để tối mẹ con mình nói về chuyện này nhé".

Sau đó, bố mẹ có thể tìm thời điểm thích hợp, khi con đã bình tĩnh lại, nhìn vào mắt trẻ và thủ thỉ với con. Hãy nói làm sao để trẻ cảm thấy bất kỳ việc gì bố mẹ làm đều vì tình cảm yêu thương dành cho con, gợi cho trẻ sự đồng cảm, để con thấy được mình được chia sẻ, có đồng minh.
 
Chẳng hạn: "Khi bằng tuổi con mẹ cũng không thích đi học đâu. Mẹ biết việc học của con rất vất vả, nào là đến lớp, nào là bài tập ở nhà... nhưng bây giờ lớn mẹ đã hiểu là học sẽ giúp con có cuộc sống tốt hơn, mang lại cho con những kiến thức mới mẻ, bổ ích. Và mẹ chỉ muốn con trai của mẹ có một tương lai tươi sáng hơn thôi. Nếu mẹ không yêu con mẹ có làm thế không? Sao mẹ không bảo bạn Bình (hàng xóm) học bài?".

Theo nhà giáo dục, một câu hỏi của trẻ có thể rất nhiều cách trả lời khác nhau. Việc bố mẹ trò chuyện, tung hứng hỏi - đáp với con không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin, kiến thức mà đó còn là nghệ thuật để trẻ hiểu biết và háo hức muốn hỏi tiếp sau những câu trả lời của bố mẹ. Ngoài ra, hình thức này cũng giúp bố mẹ và con cái hiểu nhau hơn, dễ dàng gắn kết và chia sẻ với nhau.

"Điều tối kỵ là phụ huynh lại lờ đi trước những câu hỏi khó của trẻ, hay thậm chí quát mắng, đàn áp kiểu như "hỏi gì vớ vẩn thế", hay "thì nó thế đấy", hoặc "hỏi thế thì ai mà biết được"... Những điều này sẽ khiến trẻ co cụm lại, không dám hỏi hay bộc lộ bản thân nữa và cũng đóng lại cánh cửa tư duy của các em", nhà giáo dục chia sẻ.

Theo Vương Linh
Vnexpress