Thời đại công nghệ lên ngôi cũng là lúc các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube,... ngày càng phổ biến. Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng say mê, đắm chìm vào thế giới ảo. Tất nhiên thứ gì cũng có 2 mặt lợi và hại. Về mặt lợi, mạng xã hội giúp thỏa mãn các nhu cầu giải trí và cả học tập.
Như việc phụ huynh có thể dễ dàng chia sẻ, tra cứu các tài liệu học tập cho con trên MXH, hoặc học qua các bài giảng online. Về mặt hại, các nội dung nhảm nhí, độc hại tràn lan và khó kiếm soát trên Facebook, Youtube có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy, sự phát triển nhân cách của trẻ.
Thời gian trước, phụ huynh Việt từng vô cùng bức xúc với kênh Youtube Thơ Nguyễn. Mang tiếng là kênh dành cho trẻ nhỏ nhưng thường xuyên đăng tải những nội dung phản cảm, thậm chí xúi bậy trẻ. Chẳng hạn như cho Kumanthong uống nước ngọt để xin vía học giỏi; hướng dẫn trẻ em đun lon nước ngọt; cho đá khô vào chai nước kín,...
Khi dư âm của việc Thơ Nguyễn vẫn còn thì mới đây phụ huynh lại bàng hoàng phát hiện ra một kênh Youtube khác có nội dung nhảm nhí chẳng kém. Đó là kênh Ratata Vietnamese, một kênh "bản Việt" của kênh Youtube gốc có 3,58 triệu người đăng ký Ratata. Kênh bản Việt hiện có 271 nghìn lượt đăng ký và 83 video. Mỗi video đều được hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem. Có video thậm chí nhận được tới 17 triệu lượt xem.
Về nội dung, kênh Ratata đăng dòng mô tả: "DIY, trò đùa, thử thách, hack cuộc sống hữu ích và nhiều điều thú vị khác mà bạn sẽ thấy trên kênh RATATA của chúng tôi!". Giới thiệu là thế nhưng nội dung của kênh này thực chất lại rất nhảm nhí và có thể gây hại nếu trẻ nhỏ bắt chước.
Xuyên suốt các clip, những nhân vật là người nước ngoài sẽ thực hiện các thử thách liên quan đến đồ ăn, chẳng hạn như chỉ ăn uống món gì đó trong 24h. Đáng chú ý, các món ăn được lựa chọn luôn là đồ ngọt như bánh kẹo, socola hoặc đồ ăn nhanh như Pizza,... Không chỉ ăn đồ ngọt vô tội vạ, các nhân vật còn lãng phí đồ ăn và gây mất vệ sinh khi vứt bừa bãi hoặc bôi bánh nham nhở lên mặt nhau.
Đáng chú ý, dưới mỗi video này có rất nhiều bình luận ngợi khen, tỏ ra thích thú của các bạn trẻ. Nếu như trẻ nhỏ học theo các thử thách trong clip, ăn đồ ngọt vô tội vạ thì sẽ gây ra những vấn đề có hại cho sức khỏe như răng miệng, tim mạch, béo phì,...
Được biết, kênh Ratata Vietnamese được thành lập vào tháng 7/2020. Các video trên kênh được phân làm 4 nội dung chính: Ratata mẹo vặt; Ratata trò đùa, Ratata thức ăn lén và Ratata thử thách. Nhưng nhìn chung, cả 4 chủ đề này đều không có mấy nội dung hữu ích.