Khi thời tiết trở lạnh, trẻ dễ mắc các bệnh về mũi họng. Khi con mới bị sổ mũi tìm mọi cách chữa trị như dùng xi lanh hay dùng nước tỏi... Tuy nhiên, nhiều bố mẹ không biết rằng mình đang áp dụng những biện pháp phòng và trị sổ mũi cho con sai cách, khiến cho bệnh của trẻ không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm.
1. Dùng nước tỏi
Nhiều bà mẹ thường truyền nhau cách ép nước từ nhánh tỏi rồi trộn với nước muối sinh lý nhỏ vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Tỏi chứa chất allicin có thể diệt vi trùng, vi nấm và phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép, nhất là nước tỏi đậm đặc, vào mũi là rất nguy hiểm vì dễ gây nóng rát, phù nề và làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ bị bỏng cao hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng. Ngay cả với người lớn, nếu dùng nước ép tỏi nhỏ mũi nồng độ quá đặc cũng dễ bị bỏng niêm mạc mũi.
2. Rửa mũi quá nhiều
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), nhiều cha mẹ cẩn thận đã xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là sai lầm làm hại tới trẻ.
Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.
Bên cạnh đó trời lạnh nước muối sinh lý có độ lạnh như các nước khác, nếu chúng ta nhỏ trực tiếp vào mũi cho trẻ khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn. Vì thế, trước khi cần nhỏ nước muối vào mũi, nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm lên rồi nhỏ cho trẻ mỗi bên mũi.
Khi trẻ bị sổ mũi, chảy nước mũi, mũi đặc kéo dài chúng ta cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có cách chăm sóc phù hợp.
Những sai lầm của bố mẹ trong trị sổ mũi khiến trẻ bị nặng thêm (ảnh minh họa)
3. Dùng xilanh bơm nước rửa mũi cho trẻ
Gần đây, nhiều bà mẹ chia sẻ trên trang cá nhân cách rửa mũi, hút mũi cho con bằng xilanh. Dùng xilanh để bơm trực tiếp nước muối vào mũi trẻ rất nguy hiểm bởi loại này có áp lực cao sẽ làm tổn thương niêm mạc vốn rất mỏng ở trẻ em. Đó là chưa kể đến việc các loại xilanh đầu nhọn, sắc dễ làm chảy máu mũi, viêm, xước nghiêm trọng ở trẻ. Ngoài ra, nếu không cẩn thận, nước còn ngược xuống hệ hô hấp, gây sặc vào phổi.
Ngoài ra, áp dụng phương pháp này còn có thể khiến trẻ hoảng loạn, sợ hãi, giãy giụa... và tăng nguy cơ chấn thương cao hơn.
4. Hút mũi bằng miệng
Với sự thay đổi của thời tiết trẻ hay bị sổ mũi sẽ gây nên ngạt mũi hay nhiều đờm gây khó thở, khò khè. Khi thấy trẻ có những biểu hiện vậy, nhiều phụ huynh thường tự xử trí bằng cách đưa miệng hút mũi cho trẻ. Tuy nhiên, khi dùng miệng hút mũi trẻ, cha mẹ có thể vô tình đưa mầm bệnh từ miệng mình sang mũi trẻ, khiến trẻ mắc thêm các bệnh khác hoặc làm cho bệnh đường hô hấp lâu khỏi hơn.
Do đó, cha mẹ nên tránh áp dụng cách "xử lý" này mỗi khi con có dấu hiệu mắc bệnh về hô hấp hay sổ mũi.
5. Tự ý xông mũi bằng thảo dược
Với đặc điểm của thời tiết miền Bắc nhiều gia đình đã trang bị cho mình máy khí dung để tự điều trị viêm mũi cho con. Tuy nhiên, việc tự ý dùng máy khí dung ở nhà rất nguy hiểm vì không phải người nào cũng biết cách dùng đúng nguyên liệu.
Tự ý dùng nguyên liệu để xông sẽ rất nguy hiểm nếu dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm không đúng liều lượng, đúng loại. Tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể gây xơ cứng cuống mũi, dễ làm tổn thương các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi, dễ nhiễm trùng và mắc các bệnh hô hấp.
Nhiều mẹ còn dùng các loại thảo dược để xông thì càng nguy hiểm hơn bởi với những người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu nguyên liệu xông và liều lượng không phù hợp có thể gây kích ứng, bột phát cơn suyễn cấp gây co thắt phế quản rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, kể cả ở người lớn và trẻ nhỏ.
Để chăm sóc các bệnh về mũi cho trẻ các mẹ lưu ý sau : - Phải luôn giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi. - Luôn đeo khẩu trang khi đi ra đường để giữ ấm mũi và hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn. - Thường xuyên vệ sinh họng, miệng hàng ngày . - Tránh ngoáy mũi nhiều thì sẽ gây tổn thương phần tiền đình mũi và niêm mạc mũi. - Tránh tự ý dung các loại thuốc không rõ nguồn gốc. - Khi trẻ có biểu hiện chảy nước mũi kéo dài, mũi đặc gây khó thở nên đi kiểm tra các bác sĩ chuyên khoa. |