Liệu rằng các nhận định sau có chính xác:

- "Con nhà mình hay mắc cỡ lắm. Chắc chắn không thể nào là đứa bé hướng ngoại được!".

- "Con tôi lúc nào cũng cắm mặt vào máy tính trong phòng. Chắc chắn là đứa trẻ hướng nội rồi".

- "Con nhà này dễ mến và hiểu chuyện lắm. Hẳn là hướng ngoại giao tiếp tốt".

Có phải hướng ngoại nghĩa là xởi lởi, vui vẻ, thích giao tiếp, hay thậm chí là cả nghịch ngợm, bốc đồng, ưa phiêu lưu thử thách và mạo hiểm, thậm chí là mất kiểm soát?

Định nghĩa về người hướng ngoại nghĩa là những người cảm thấy dồi dào sức sống, được tiếp nhận năng lượng nhiều nhất khi họ tương tác ra ngoài (cùng người khác, cùng môi trường). Ngược lại, người hướng nội nghĩa là khi cần nạp năng lượng họ sẽ kết nối với bản thân, từ bên trong (là khi họ ở một mình).

Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể dễ dàng nhận diện một đứa trẻ có xu hướng hướng ngoại hay hướng nội từ sớm, khi chúng được đặt trong môi trường quen thuộc nhất.

Bố mẹ đừng nghĩ con hay cười mà tưởng con hướng ngoại, nên nhìn vào 4 dấu hiệu sau đây - Ảnh 1.

1️. Các phẩm chất của một người hướng ngoại?

Người hướng ngoại rất yêu thích các hoạt động giao tiếp xã hội, và thường chủ động đi tìm kiếm cơ hội để ở cùng thật nhiều người. Người hướng ngoại sẽ muốn trò chuyện với người khác hơn là ngồi một mình và suy nghĩ. Thực tế, người hướng ngoại thường vừa nghĩ vừa nói. Còn người hướng nội thì nghĩ xong rồi mới nói.

Các suy nghĩ và khái niệm chỉ trở nên dễ hình dung với người hướng ngoại khi họ thực sự được nói ra, chứ nếu chỉ tự chiêm nghiệm thì không đủ với họ. Bạn có thể nhận thấy đứa trẻ hướng ngoại thường hay trò chuyện với mọi người, đôi khi có thể là bất kể ai.

Người hướng ngoại có thể dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, có nhiều bạn bè và người theo dõi, cập nhật tin tức từ mọi người nhanh chóng hơn so với người hướng nội. Mức độ của những hành vi hướng ngoại của từng người cũng có thể được biểu hiện ra nhiều hoặc ít trong từng tình huống khác nhau.

Bố mẹ đừng nghĩ con hay cười mà tưởng con hướng ngoại, nên nhìn vào 4 dấu hiệu sau đây - Ảnh 2.

Trẻ hướng ngoại thường không có nhiều khả năng "tự mua vui" cho bản thân khi tự chơi một mình. (Ảnh minh họa)

2. Trẻ hướng ngoại thường có hành vi và cách cư xử thế nào?

Trẻ hướng ngoại nhiều năng lượng rất thích thú khi được chơi cùng bố mẹ, hoặc cùng người khác, tham gia các hoạt động mang tính đồng đội, thể hiện - biểu diễn, hoặc tương tác. Các bạn nhỏ hướng ngoại thường không có nhiều khả năng "tự mua vui" cho bản thân khi tự chơi một mình.

Trong học tập, trẻ hướng ngoại thường học tốt nhất bằng cách tương tác, trò chuyện, học theo nhóm, được tự mình diễn giải kiến thức bằng cách nói ra, và nghe người khác diễn giải cho.

Trẻ hướng ngoại thường "ỉu xìu", hay "mất chất" khi một mình, hoặc dễ buồn chán khi không có đông người chung quanh. Khi bắt buộc phải làm một việc gì đó một mình, trẻ thường sẽ làm tốt hơn nếu có cha mẹ hoặc người lớn ở gần bên để cổ vũ, khích lệ, hoặc nhận xét việc con đang làm. Người hướng ngoại cảm nhận thành công và thành tích qua sự công nhận của người khác, còn ngược lại, người hướng nội sẽ theo hướng tự cảm nhận và tự chiêm nghiệm.

Bởi vì người hướng ngoại được tiếp thêm sinh lực khi tương tác với những người khác, Những đứa trẻ hướng ngoại thường cần thêm một khoảng thời gian để "hạ nhiệt" và thư giãn sau các hoạt động giao lưu. Ví dụ, sau khi trẻ hướng ngoại tham dự một cuộc vui, chúng trở về nhà trong tâm trạng vẫn rất hào hứng và có thể còn muốn nói nhiều về cuộc vui với cha mẹ (trẻ nhỏ) hoặc với bạn bè (trẻ lớn). Nếu hoạt động diễn ra vào buổi tối, đứa trẻ hướng ngoại có thể khó ngủ vì chúng vẫn còn tràn đầy năng lượng.

Bố mẹ đừng nghĩ con hay cười mà tưởng con hướng ngoại, nên nhìn vào 4 dấu hiệu sau đây - Ảnh 3.

3. Người hướng ngoại có mắc cỡ không?

Dù là hướng ngoại và "ham vui", cũng có những người hướng ngoại hay mắc cỡ. Mắc cỡ là một tên gọi khác của chứng lo âu xã hội. Điều này là một thử thách khá đáng kể, vì họ luôn cần kết nối với bên ngoài, nhưng hay ngại ngùng trong việc phải bắt chuyện. Những bạn nhỏ hướng ngoại nhưng rụt rè cần được hỗ trợ để vượt qua sự ngại ngùng ban đầu, sau đó, có thể thấy những em bé này sẽ "chơi tới bến".

Các bạn nhỏ hướng ngoại nhưng rụt rè sẽ thể hiện tốt trong các tình huống hội nhóm được tổ chức sẵn, nơi mà con có thể nhiệt tình tham gia mà không cần phải tự đi bắt chuyện hay chủ động tìm cách kết nối với người khác. Ví dụ: Các môn thể thao theo nhóm, câu lạc bộ hùng biện, biểu diễn…

Bố mẹ đừng nghĩ con hay cười mà tưởng con là đứa trẻ hướng ngoại, nên nhìn vào dấu hiệu sau đây - Ảnh 4.

4. Một vài câu hỏi giúp cha mẹ nhận diện em bé hướng ngoại dễ hơn

- Con thường có thói quen "nghĩ thành tiếng" (thinking out loud) không?

- Con có háo hức tham gia vào các hoạt động không?

- Con có thích sự đa dạng và hành động, nhiều vận động cơ thể?

- Con có vẻ tràn đầy năng lượng và hào hứng với hoạt động và tương tác?

- Con có cảm thấy buồn chán hay chán nản khi phải dành nhiều thời gian ở một mình?

- Con có xu hướng nói to và cao giọng không?

- Con học tốt nhất bằng cách "làm" không?

- Việc yêu cầu con không làm phiền người khác đôi khi khó khăn.

Mặc dù hiểu về hướng ngoại hay hướng nội có thể giúp bạn phân loại hành vi thông thường của con, nhưng những gợi ý này chắc chắc không phải luôn đúng trong mọi trường hợp và hoàn cảnh.

Hãy nhớ rằng đôi khi, ngay cả những người hướng ngoại cực đoan nhất cũng sẽ muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh để ở một mình hoặc có thể muốn tránh một tình huống giao tiếp xã hội nào đó mà họ cảm thấy không thoải mái.

Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em & Gia đình, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh, trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ Nuôi dạy con Tích cực.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn còn là một chuyên gia đào tạo chương trình quốc tế TRIPLE P – Positive Parenting Program, được Liên Hiệp Quốc và CDC xếp hạng là một trong 4 chương trình dạy con hiệu quả nhất thế giới, dựa trên bằng chứng khoa học.

Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.