“Là một giáo viên Ngữ văn, tôi từng gặp rất nhiều trường hợp rối loạn ngôn ngữ vì bố mẹ cho con học ngoại ngữ quá sớm, trước khi biết tiếng Việt” , đó là chia sẻ của cô Nguyễn Mai Hương (Trường Tiểu học Võ Văn Tần, quận 12, TP.HCM).

Cô Hương kể về trường hợp học sinh A. (7 tuổi) được chuyển từ trường quốc tế về Trường Võ Văn Tần bởi không thể giao tiếp bằng tiếng Việt với người thân.

"Nếu trẻ nhỏ học song ngữ, nhưng có thời gian ở môi trường sử dụng ngoại ngữ nhiều hơn thì tiếng mẹ đẻ của các em sẽ chậm lại, sẽ gặp khó khăn với vốn từ tiếng Việt. Điều này gây bối rối và mất tự tin trong giao tiếp, nhất là khi về nhà sẽ nhút nhát, sợ hãi và tâm lý trốn tránh không muốn gặp ai ", cô Hương nói.

Đồng quan điểm trên, thầy Lê Thanh Phú, giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, TP.HCM, khẳng định: “ Tiếng Việt là ngôn ngữ nền tảng, những gì các em học ở tiếng mẹ đẻ sẽ là kiến thức nền tuyệt vời, là hệ quy chiếu khi các em học ngôn ngữ thứ hai’’.

Bố mẹ lo con không sõi tiếng Việt: Rối loạn ngôn ngữ vì học ngoại ngữ quá sớm - Ảnh 1.

Thầy Lê Thanh Phú khuyên phụ huynh cần lựa chọn phương pháp cho con học hiệu quả, đặc biệt cần có sự tương tác, giao tiếp giữa trẻ và mọi người trong môi trường tiếng Việt.

Nhận định về vấn đề này, thạc sĩ Cao Thị Huế, giáo viên Trường THCS Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, xuyên suốt 1.000 năm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, người Việt luôn có ý thức giữ gìn nền văn hóa của dân tộc. Lúc bấy giờ, người Việt chưa có chữ viết, người Hán muốn chúng ta phải viết và nói tiếng Hán nhưng người Việt chỉ mượn chữ Hán để ghi chép. Người Việt chủ động tiếp thu chữ Hán nhưng vẫn sử dụng tiếng Việt, dùng âm Việt để đọc chữ Hán; vẫn nghe - nói, truyền lại cho con cháu tiếng mẹ đẻ.

“Dù là sống ở bất kỳ đâu, đã là người Việt cần thiết phải biết Tiếng Việt. Trách nhiệm của mỗi người phải duy trì và giữ gìn tiếng nói của dân tộc, đừng để mai một mà quên đi tiếng mẹ đẻ của mình. Việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ là giữ gìn bản sắc văn hóa, ý chí, nguồn cội của dân tộc Việt Nam”, thạc sĩ Huế nêu quan điểm.

Theo thạc sĩ Huế, phụ huynh không nên quá sốt ruột khi dồn, thúc con phải học thêm một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ khi các con còn quá nhỏ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của con.

Bố mẹ lo con không sõi tiếng Việt: Rối loạn ngôn ngữ vì học ngoại ngữ quá sớm - Ảnh 2.

Ths Cao Thị Huế (trái) và Ths Giang Hữu Tâm (phải) khuyên các bậc phụ huynh hãy để con mình sõi tiếng Việt rồi hãy nghĩ đến việc học thêm ngôn ngữ khác.

Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: “ Việc cho trẻ tiếp thu văn hoá nước ngoài là tốt, tuy nhiên tuyệt đối không được làm lu mờ văn hoá dân tộc”.

Theo thạc sĩ Giang Hữu Tâm, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, nếu cho con học trường quốc tế phải yêu cầu trường cho con học chương trình song ngữ có tiếng Việt, luôn nhắc nhở các em phải yêu ngôn ngữ Việt và tự hào về nền văn hóa Việt Nam.

Thạc sĩ Tâm cho biết thêm, độ tuổi tốt nhất để các em bắt đầu là giai đoạn từ 7 - 10 tuổi, vì giai đoạn này các em đã có những kiến thức nền nhất định và thông thạo tiếng Việt, không nên cho con học sớm quá, nhất là khi trẻ chưa thực sự sõi tiếng Việt.

“Chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ khi cả phụ huynh và trẻ thực sự sẵn sàng về phương pháp cũng như nhận thức, quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành cùng con từ phía phụ huynh, không chỉ là học ngoại ngữ, mà bất kì môn học nào” , thạc sĩ Tâm nói.