Trẻ nhỏ luôn mong muốn được cha mẹ quan tâm, chú ý đến những thay đổi, mong muốn và nguyện vọng của chúng. Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, điện thoại di động trở thành vật bất ly thân của nhiều người, trong đó có cả các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh thường sử dụng điện thoại di động ngay trước mặt con cái.

Điều này vô hình chung có thể gây ra một số ảnh hưởng không tốt với trẻ. Một số nghiên cứu đã cho thấy hành vi chăm chú xem điện thoại của cha mẹ trước mặt con cái có thể gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đối với trẻ.

Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Y khoa Boston đã quan sát và nhận thấy rằng khi cha mẹ sử dụng điện thoại vào bữa tối, họ thường bị phân tâm, họ cũng ít trò chuyện với con mình hơn khoảng 20% và ít tương tác với con hơn 39%.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Developmental Science, từ 7 tháng - 2 tuổi là độ tuổi trẻ phát triển về tính cách, khả năng tương tác xã hội, khả năng quan sát, khả năng bình ổn cảm xúc.... Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có vẻ lo lắng hơn và giảm khả năng quan sát khi cha mẹ của chúng sử dụng điện thoại di động thường xuyên và ít quan tâm đến chúng.

Tiến sĩ Jeanne Williams, một nhà tâm lý học trẻ em tại Canada, cho biết việc tương tác thông qua lời nói, cử chỉ giữa cha mẹ và con cái giúp con phát triển các tế bào thần kinh não bộ, khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, cũng như cách kiểm soát cảm xúc.

Những đứa trẻ có cha mẹ có thói quen sử dụng thiết bị di động trước mặt con thường có xu hướng suy nghĩ tiêu cực hơn và ít có khả năng bình ổn cảm xúc hơn so với những đứa trẻ có cha mẹ không sử dụng thiết bị di động trước mặt con. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Việc cha mẹ sử dụng thiết bị di động có thể có tác động tiêu cực đến cảm xúc và khả năng tương tác xã hội của trẻ nhỏ, đồng thời giảm khả năng tương tác, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái”.

Bố mẹ nghiện điện thoại: Hàng loạt hệ lụy ảnh hưởng tới con trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Khi cha mẹ sử dụng điện thoại, họ thường bị phân tâm và ít trò chuyện với con mình hơn.

Trẻ dễ bị tổn thương hơn

Trong một nghiên cứu quốc tế trên 6.000 trẻ em từ 8 - 13 tuổi, 32% trẻ cho biết chúng cảm thấy bản thân 'không quan trọng' vì cha mẹ thường xuyên dành thời gian để sử dụng điện thoại di động trong các bữa ăn, trong các cuộc trò chuyện hoặc các khoảng thời gian khác của gia đình. Hơn 50% trẻ em trong nghiên cứu cho biết cha mẹ chúng dành quá nhiều thời gian cho điện thoại.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát và nhận thấy rằng nhiều bậc phụ huynh có xu hướng trở nên cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn với trẻ khi họ đang sử dụng điện thoại. Điều này có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương tâm lý. Nhiều trẻ em cảm thấy buồn, tức giận và cô đơn khi cha mẹ sử dụng điện thoại di động.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn khoảng 1.000 trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 18 về cảm xúc của chúng khi thấy cha mẹ sử dụng thiết bị di động quá nhiều. Nhiều trẻ mô tả bản thân cảm thấy buồn, giận dữ, khó chịu và cô đơn khi cha mẹ chỉ chú ý vào điện thoại di động. Một số trẻ còn cho biết chúng đã từng làm hỏng hoặc giấu điện thoại di động của cha mẹ đi.

Có thể khẳng định rằng trẻ em chỉ có thể phát triển khỏe mạnh khi chúng nhận được sự quan tâm và yêu thương từ cha mẹ. Tiến sĩ Williams nói: “Hãy cố gắng dành thời gian cho con, thường xuyên chơi với con và đảm bảo rằng bạn tập trung 100% sự chú ý vào con mình”.

Tuy vậy, các nghiên cứu trên chỉ là nghiên cứu quan sát nhỏ lẻ, chúng ta vẫn cần các nghiên cứu sâu hơn để làm rõ vấn đề này.

Bố mẹ nghiện điện thoại: Hàng loạt hệ lụy ảnh hưởng tới con trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nhiều trẻ mô tả bản thân cảm thấy buồn, giận dữ, khó chịu và cô đơn khi cha mẹ chỉ chú ý vào điện thoại di động.

Cách để con phát triển toàn diện

1. Cùng con nuôi dưỡng các sở thích lành mạnh

Thay vì “cắm mặt” vào điện thoại, việc cùng con cái xây dựng các sở thích lành mạnh như đọc sách, chơi thể thao,.... không chỉ giúp thư giãn tâm trí mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con. Đọc sách là một hoạt động lành mạnh giúp trẻ hiểu thêm nhiều kiến thức, tăng trí tưởng tượng. Các hoạt động thể thao như đá bóng, đánh cầu,... giúp trẻ rèn luyện sức khỏe thể chất.

2. Cùng con rèn luyện tư duy

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện với con. Đối với những trẻ nhỏ (từ 3 - 8 tuổi), cha mẹ có thể đặt những câu hỏi đơn giản về sự vật, sự việc xung quanh để trẻ tập suy nghĩ và trả lời, từ đó giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy phản biện. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cùng con làm các bài toán đơn giản hoặc các trò chơi câu đố để giúp con cải thiện khả năng tư duy logic.

Bố mẹ nghiện điện thoại: Hàng loạt hệ lụy ảnh hưởng tới con trẻ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Đọc sách là một hoạt động lành mạnh giúp trẻ hiểu thêm nhiều kiến thức.

3. Rèn tính tự lập cho con

Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, tuy nhiên hầu hết các bậc cha mẹ lại lựa chọn cách sắp xếp mọi thứ cho con cái. Điều này có thể khiến trẻ dần trở nên phụ thuộc vào cha mẹ và mỗi khi gặp khó khăn, chúng sẽ hướng về cha mẹ với mong muốn được giúp đỡ. Vì vậy, cha mẹ cần rèn cho con tính tự lập để con có thể chủ động giải quyết các vấn đề, giúp con phát triển toàn diện mà không cần dựa dẫm vào cha mẹ.

Nguồn: Psychology Today, Today's Parent, Baijiahao