Dưới sự bao bọc, bảo vệ của bố mẹ, trẻ có thể lớn lên hạnh phúc, có một cuộc sống đủ đầy, vô lo vô nghĩ. Nhưng sau khi trưởng thành, trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, sự cạnh tranh khốc liệt ở bên ngoài xã hội. Những "đòn roi cuộc đời" sẽ khiến trẻ bị bầm dập, nếu không có bản lĩnh rất dễ dàng bỏ cuộc. Trẻ thường nảy sinh tâm lý chán nản, thất vọng, luôn cho rằng bản thân yếu kém.
Gia đình nào thấy trẻ có 3 biểu hiện sau cần đặc biệt lưu ý bởi trẻ rất dễ bị xã hội đào thải. Để tránh trường hợp này xảy ra, bố mẹ nên tạo cho con một nền tảng vững chắc về kiến thức, kỹ năng sống giúp con tiến xa hơn trong tương lai.
1. Trẻ thiếu khả năng chống lại áp lực, căng thẳng
Không có gì gọi là "thuận buồm xuôi gió" bởi cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, thách thức. Bản thân mỗi người cần đủ bản lĩnh giải quyết ổn thỏa vấn đề, đừng mong trông chờ vào ai.
Cuộc sống của những đứa trẻ thường yên ấm, hạnh phúc bởi có cha mẹ bao bọc, ở cạnh bên. Và cha mẹ sẽ không để trẻ phải chịu bất kỳ tổn hại hay nguy hiểm nào. Mặc dù đây là tình yêu thương, sự quan tâm và là trách nhiệm dành cho con cái nhưng nếu cha mẹ bảo vệ con quá mức sẽ khiến con không thể đối mặt với áp lực, thất bại. Trẻ sẽ nhanh chóng bỏ cuộc nếu gặp thách thức.
Khi đối mặt với cùng một khó khăn, tâm trạng và cách suy nghĩ khác nhau sẽ quyết định cách giải quyết vấn đề khác nhau. Thất bại hay thành công trong cuộc đời mỗi chúng ta không phải được khẳng định qua chỉ số IQ, điểm số, gia cảnh, ngoại hình mà chính là khả năng chịu áp lực, căng thẳng.
Vì vậy, nếu thấy con mình không có khả năng chịu áp lực, cha mẹ nên tạo cho con sức chịu đựng tâm lý sớm nhất có thể. Hãy rèn luyện tinh thần bằng cách cùng con vượt qua những khó khăn nhỏ như: Bị điểm kém, bị bạn bè chế nhạo, thi trượt,… Cho dù trở ngại phía trước có hiểm nguy, khó khăn đến đâu, chỉ cần trẻ vững tinh thần, có mục tiêu rõ ràng, dũng cảm tiến lên thì ắt sẽ thành công.
2. Trẻ có trí tuệ cảm xúc thấp
Nếu IQ xác định bạn có thông minh hay không thì EQ sẽ xác định mức độ thành công, sự thăng tiến của bạn. Bởi năng lực, kỹ năng quan trọng hơn kiến thức nhiều. Trí tuệ cảm xúc quyết định đến 80% việc một người có thể tương tác với xã hội và phát triển ở nơi làm việc hay không.
Những người trí tuệ cảm xúc thấp có thể thông minh, tài giỏi. Nhưng thiếu hụt kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi ở các mối quan hệ thì rất dễ "lầm đường lỡ bước", đi sai hướng.
Vì thế, nếu cha mẹ thấy trẻ có trí tuệ cảm xúc chưa cao thì cần nuôi dưỡng, cải thiện ngay từ nhỏ. Hãy giáo dục trẻ từng chút một. Chẳng hạn nếu trẻ nói sai, hãy hướng dẫn trẻ nói lại, cho trẻ biết cần nói gì và làm gì trong tình huống như vậy. Hãy dạy trẻ cách quan tâm, đồng cảm với mọi người xung quanh.
Trí tuệ cảm xúc cao sẽ mang đến cho trẻ nhiều cơ hội thăng tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh và giúp trẻ có tương lai tươi sáng.
3. Trẻ thiếu tính tự giác, tự lập
Tự giác, tự lập là kỹ năng rất quan trọng, không thể thiếu của mỗi người nếu muốn sớm thành công. Khi không có ai giám sát mà bạn vẫn kiên trì hoàn thành công việc mới là điều đáng khen. Kỷ luật, tự giác không phải là kỹ năng sẵn có, ai cũng thực hiện được. Vì thế, cha mẹ càng hướng dẫn con sớm, con càng nhanh thành người tài năng, kiên trì.
Thế nhưng, nếu cha mẹ thấy con nóng vội, chưa kiên nhẫn thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy giúp con sửa đổi bằng cách xây dựng những nguyên tắc trong học tập, công việc và động viên con nâng cao quyết tâm. Đặc biệt, bản thân các bậc phụ huynh cũng cần trở thành tấm gương sáng để con noi theo.
Thật sự rất khó để một đứa trẻ có được khả năng tự giác, kỷ luật từ nhỏ. Bởi bản tính của trẻ là ham chơi, dễ nản chí. Vì vậy mới cần sự hướng dẫn sát sao từ cha mẹ trong thời gian đầu.