*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Vương Nguyệt Ánh, được đăng trên trang 163.com (Trung Quốc).

Tôi là Vương Nguyệt Ánh, năm nay đã ngoài 70. Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi vẫn không thể yên lòng khi gia đình mình không êm ấm. Hai đứa con trai của tôi sau nhiều mâu thuẫn đã từ mặt nhau. Điều này khiến tôi cảm thấy rất đau lòng. Tuy nhiên, nguồn cơn cho sự rạn nứt này cũng bắt đầu từ sự yêu thương con cái không đồng đều của vợ chồng tôi. Để rồi đến lúc cuối đời, tôi phải nhận về nỗi đau cũng là bài học vô cùng cay đắng này.

Con trai lớn của tôi tên Trương Bình. Ngày bé, nó là đứa trẻ rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Vì Trương Bình là anh cả, vợ chồng tôi luôn nhắc nhở con phải biết nhường nhịn em trai và giúp bố mẹ quán xuyến chuyện trong nhà. Có lẽ cũng vì thế nên tôi có cảm giác con rất trưởng thành và sống rất độc lập. Khác với anh trai, con út Trương Lực từ nhỏ đã ốm yếu nên được vợ chồng tôi hết mực yêu thương và nuông chiều.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trương Bình tự tìm cho mình một công việc phù hợp. Không những thế, khi nghe tôi than thở về tài chính, con còn chủ động gửi tôi mỗi tháng 3.000 NDT để phụ mẹ trang trải chi phí sinh hoạt. Mỗi khi trong nhà thiếu tiền, nó cũng là người đầu tiên tôi tìm đến. Năm Trương Bình lấy vợ, vợ chồng tôi vừa dốc hết tiền mua xe mừng con trai út tốt nghiệp đại học nên cũng chẳng có quà mừng cưới. Nghĩ con có thể tự lo cho mình, chúng tôi yên tâm dành hết của cải để lo cho em trai Trương Lực mà chẳng mảy may suy nghĩ.

Bố mẹ thiên vị con út, cuối đời mong con cả giúp 1 việc, bị từ chối nhưng không dám trách móc nửa lời- Ảnh 1.

Năm 2015, vợ chồng tôi nhận được thông báo căn nhà của mình thuộc diện giải tỏa. Sau khi nhận được khoản bồi thường là 1 căn hộ có diện tích tương đương và 1,3 triệu NDT tiền mặt, chúng tôi bàn bạc chia cho con trai út toàn bộ số tiền trên để khởi nghiệp.

Biết tin, vợ chồng con trai cả tỏ vẻ thất vọng nhưng cũng chẳng ý kiến gì. Tôi chỉ nhận ra sự việc nghiêm trọng hơn mình nghĩ khi kể từ đó, vợ chồng Trương Bình không còn về thăm hay liên lạc với chúng tôi. Không những thế, cả hai cũng cắt luôn số tiền 3.000 NDT trợ cấp mỗi tháng. Biết con giận dỗi, vợ chồng tôi cũng cố gắng liên lạc để giải thích nhưng không được. Mãi đến 5 năm sau đó, chúng tôi mới tìm đến tận nhà để gặp con vì có chuyện cần giúp.

Trong 5 năm đó, con trai út Trương Lực của tôi dùng hết tiền bố mẹ cho để kinh doanh và mua nhà. Vì không có kinh nghiệm, nó khởi nghiệp thất bại, mắc nợ rất nhiều rồi tìm về bố mẹ để “cầu cứu”. Vợ chồng tôi cũng hết cách, đành phải gõ cửa nhà Trương Bình, nhờ con giúp em trai trả nợ thế chấp. Tuy nhiên, không chỉ từ chối giúp đỡ, những lời nói của con trai cả khiến vợ chồng tôi vô cùng bẽ bàng.

Bố mẹ thiên vị con út, cuối đời mong con cả giúp 1 việc, bị từ chối nhưng không dám trách móc nửa lời- Ảnh 2.

Trong cơn nóng giận, Trương Bình nói: “Sau 5 năm không liên lạc, con đã rất vui khi bố mẹ đã tìm đến. Cứ ngỡ bố mẹ còn tìm là còn thương, hóa ra cũng chỉ vì lo cho em trai nên mới cất công đến đây. Sau tất cả, con cũng nhận ra rằng bố mẹ không thực sự quan tâm đến con mà chỉ lo cho em trai. Ngày bé, con không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, đến tận bây giờ vẫn như thế.”

Nói xong, nó mở cửa “mời” chúng tôi về. Nghe được những lời này từ con trai cả, vợ chồng tôi đều rất đau lòng. Hóa ra bấy lâu nay, sự quan tâm quá mức của chúng tôi dành cho con trai út đã trở thành sự thiên vị, vô tình gây ra vết thương lòng cho con trai cả. Nhận ra lỗi lầm của mình, chúng tôi hiểu cho quyết định của con nên cũng chẳng dám trách con nửa lời.

Những năm sau đó, vợ chồng tôi thường xuyên đến nhà và quan tâm Trương Bình nhiều hơn để bù đắp cho con. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng tôi nhận về chỉ là sự thờ ơ. Tôi biết đây có lẽ là hệ quả của việc chúng tôi thương con không đồng đều, vô tình gây rạn nứt tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Từ câu chuyện của mình, tôi cũng khuyên những bậc phụ huynh khác đừng phạm sai lầm giống vợ chồng tôi. Sự yêu thương, quan tâm đồng đều giữa những đứa con của mình chính là “liều thuốc chữa lành”, giúp con cái phát triển lành mạnh. Vì chỉ khi mỗi đứa trẻ tin rằng mình được yêu thương thì chúng mới có thể yêu thương người khác.

(Theo 163.com)