Ngày trước mỗi khi nhà có việc hiếu hỷ, tôi vẫn thường nghe các bô lão lớn tuổi nói câu “ma chê, cưới trách”. Tôi chẳng hiểu câu ấy lắm và cũng chẳng để tâm. Mãi bây giờ khi đến lượt mình tổ chức đám cưới, tôi mới thấm thía ý nghĩa câu nói ấy là như thế nào.
Từ lúc quyết định kết hôn cho đến ngày trọng đại của tôi chỉ vỏn vẹn 2 tháng 10 ngày. Bắt tay vào làm mới biết chuẩn bị đám cưới có quá nhiều công đoạn, mà chủ yếu toàn thứ lặt vặt không. May mà nhà tôi với nhà chú rể gần nhau nên chạy qua chạy lại cũng tiện.
Vất vả sắp xếp đủ thứ cuối cùng cũng xong. Hôm 2 nhà cùng dựng rạp, tôi đã ôm bạn trai suýt khóc vì chưa tin là mình sắp lấy chồng. Vì một số lý do đặc biệt nên bố mẹ 2 bên chốt ăn hỏi với cưới cùng một ngày, khiến cho công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng gấp đôi. Ai cũng lo nhiều việc gấp gáp dồn cùng một buổi sẽ xảy ra sai sót, tôi cũng hồi hộp đến mức không ngủ được.
Đến ngày cưới chính thức thì tôi bị tụt huyết áp. Cả nhà hốt hoảng sợ “bể” đám cưới, may quá ăn được bát phở thì tôi khỏe lại, kịp trang điểm mặc đồ các thứ đợi nhà trai qua ăn hỏi sớm.
Sau đó một vài sự cố liên tiếp xảy ra khiến ngày trọng đại của tôi trở thành dấu mốc không bao giờ quên được trong đời.
Đầu tiên là bọn trẻ con hàng xóm nghịch ngợm quá khiến một góc rạp nhà tôi bị hỏng. Chúng nó kéo đứt sập cả rèm treo, vỡ chùm đèn cây trang trí, rụng cả hoa xung quanh. Nhà tôi bực lắm vì hàng xóm không quản lý con cái, cứ kệ cho chúng phá vì “ngày vui ai chửi mắng trẻ con làm gì”.
Sát giờ nhà trai qua, tôi tìm mãi không thấy đôi guốc để mặc chung với áo dài đâu cả. Đôi guốc ấy mới toanh, tôi cất rất cẩn thận để dành riêng cho lễ ăn hỏi của mình. Cả nhà cùng cuống lên tìm giúp, mãi sau mới phát hiện ra bị đứa cháu 7 tuổi xỏ thử xong tha ra tận ngoài đường! Nhìn đôi guốc lấm bẩn mà tôi phát nản, đành nuốt nước mắt ngồi hì hục lau cho kịp giờ.
Toàn bộ quá trình làm lễ ăn hỏi khá suôn sẻ và không phát sinh thêm vấn đề gì. Tôi cứ nghĩ vậy là số mình may mắn, chuỗi sự cố trước đó không ảnh hưởng gì đến lễ cưới của mình. Tuy nhiên tôi đã sai, vì điều kinh khủng hơn đã xuất hiện ngay trước lúc hai họ kéo nhau ra ăn tiệc nhà hàng.
Lúc ấy vợ chồng tôi đã yên vị trên xe hoa rồi, đang chuẩn bị khởi hành dẫn đầu đoàn đi ăn cỗ thì tự dưng trong nhà nhớn nhác hết cả lên. Tôi ló đầu ra hỏi người thân xem có chuyện gì thì bố tôi mặt mũi hầm hầm đứng giữa rạp hỏi: “Ai là người vừa đi vệ sinh trong nhà tôi?”.
Hỏi 1 câu không ai đáp, bố nhắc lại đến lần thứ 2 thì một người xiêu vẹo bước ra. Đó chính là anh trai của chồng tôi.
Có vẻ như anh ấy vẫn chưa tỉnh bữa rượu từ tối hôm trước, vì trông mặt mũi cứ lờ đờ, nói năng ngắt quãng, quần áo thì xộc xệch lôi thôi. Khách khứa lao xao hỏi có chuyện gì mà căng thẳng thế, bố tôi liền đứng trước mặt ông bà thông gia tố một việc động trời.
- Con giai anh chị làm vỡ bồn cầu nhà tôi rồi, giờ anh chị tính sao?
Trời đánh còn tránh miếng ăn, vậy mà chuẩn bị cỗ đến nơi rồi ông anh chồng còn gây chuyện! Nhà trai xấu hổ quá bối rối không biết nói sao. Đám đông xung quanh thì chỉ trỏ cười nhạo khiến anh trai chồng tôi mặt càng lúc càng đỏ. Dù gì thì chuyện đi vệ sinh cũng là điều nhạy cảm, đã thế lại còn làm toang cả bồn cầu nhà thông gia. Việc khó thế cũng làm được, tôi đến nể ông anh chồng!
Tưởng anh ấy sẽ xin lỗi chân thành để bố tôi bớt giận. Nhưng không, anh ta quay lưng đi thẳng, lên xe nhà trai ngồi mặc kệ người khác cười chê.
Bố tôi đuổi theo hỏi anh ta làm trò gì mà cái bồn cầu vỡ tan tành được như thế. Nước chảy lênh láng ra sàn, vừa bẩn vừa hôi. Xong anh trai chồng cũng chẳng thèm báo cho nhà tôi một tiếng, cứ im ỉm như không có chuyện gì xảy ra. Anh ta không trả lời câu hỏi của bố tôi, chỉ cau có lẩm bẩm rằng: "Có mỗi cái toa lét cũng làm ầm lên".
Đúng ngày vui của con gái lại xảy ra chuyện ngớ ngẩn, bố tôi vừa tức vừa không biết phải xử lý ra sao. Thà xong tiệc về nhà phát hiện ra sự cố thì cũng đỡ khó chịu hơn, đằng này chính bố tôi trông thấy cái WC của mình tan tành như vừa bị ai quăng bom ngay trước lúc rước dâu thì làm sao vui vẻ đi ăn tiệc được!
Bố mẹ chồng tôi xấu hổ quá nên rối rít xin lỗi. Mọi người sợ trễ giờ đẹp nên giục ra nhà hàng luôn, nhưng bố tôi không chịu nghe mà nhất quyết bắt thông gia đưa lời giải thích thỏa đáng. Nói thật là tôi biết rõ tính bố mình, ông sẽ không truy cứu tới cùng nếu như anh trai chồng biết nhận lỗi ngay từ khi gây chuyện. Đằng này thái độ anh ta cứ dửng dưng, đã không hối lỗi còn khinh khỉnh coi thường nhà gái nên bố tôi mới bức xúc như vậy.
Đương nhiên là bên thông gia hứa sẽ đền bù cái bồn cầu mới, với điều kiện xong xuôi đám cưới cho đỡ bôi bác. Tuy nhiên bố tôi không chịu, ông bảo dăm ba triệu mua toa lét mới cũng không xoa dịu được "cục tức" trong cổ mình, và cũng không bù được thể diện cho 2 họ trong ngày quan trọng ấy. Đã vậy anh trai chồng còn không biết điều, mặc cho bố tôi dọa "cắt đứt quan hệ thông gia" vì cái bồn cầu thì anh ta vẫn đắp mũ lên mặt và... ngủ tiếp (!)
Mọi người can ngăn mãi bố tôi mới tạm hạ hỏa để tiếp tục hôn lễ. Kết thúc màn tranh cãi của nhà tôi với bên thông gia, bà nội tôi cứ lắc đầu lẩm bẩm mãi “Ma chê, cưới trách”. Biết là gia đình có việc lớn thì không tránh được sai sót nọ kia, nhưng đến mức xảy ra chuyện như này thì tôi cũng dở khóc dở cười.