Trẻ nhập viện với nồng độ Bilirubin rất cao

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 1 trường hợp vàng da đáng lưu ý. Đó là bệnh nhi N.T.K, 7 ngày tuổi, nhập viện trong tình trạng vàng da, bỏ bú, quấy khóc, có dấu hiệu xoắn vặn người.

Theo BSCKI. Vương Thị Hào - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trẻ nhập viện với nồng độ Bilirubin rất cao (720 µmol/l) và được chẩn đoán vàng da nhân não tiên lượng nặng. Được biết lý do là trẻ không được gia đình đưa đi khám và điều trị kịp thời.

Theo người nhà cho biết thì bé K được sinh bằng phương pháp sinh thường, đủ tháng. Ba ngày sau sinh, gia đình có thấy da của bé hơi vàng nhưng do tâm lý chủ quan nên gia đình đã không cho bé tắm nắng cũng như đi khám kịp thời. Đến ngày thứ 7, thấy bé có biểu hiện vàng da đậm, quấy khóc nhiều, bỏ bú thì gia đình mới cho bé đi khám.

Theo BSCKI. Vương Thị Hào cho biết, sau khi tiến hành khám và dựa vào kết quả xét nghiệm, bé K được chẩn đoán vàng da nhân não do tăng Bilirubin gián tiếp tiên lượng nặng. Bệnh nhi được chỉ định thay máu. Cũng theo bác sĩ việc điều trị cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn, có thể để lại di chứng bại não hoặc tử vong.

Bố mẹ xem thường bệnh vàng da, bé 7 ngày tuổi đã phải thay máu, tiên lượng nặng - Ảnh 1.

Bé K phải thay máu, có thể để lại di chứng bại não hoặc tử vong.

Vàng da là biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh. Trẻ bị vàng da, vàng mắt là do tích tụ chất gây vàng da, tên y học gọi là bilirubin. Những đối tượng có nguy cơ vàng da nhiều là: Trẻ non tháng; Trẻ có khối máu tụ, có bướu huyết thanh ở đầu; Trẻ đỏ da (đa hồng cầu); Trẻ bị nhiễm trùng… Trong một số trường hợp, lượng bilirubin trong máu tăng quá cao, tích tụ lên não, gây ngộ độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân não), có thể khiến trẻ tử vong hoặc di chứng tâm thần vận động về sau.

Tùy theo từng nguyên nhân, bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có thể có những chỉ định điều trị triệu chứng và điều trị đặc hiệu (bằng thuốc như kháng sinh trong vàng da nhiễm khuẩn hay phẫu thuật khi tắc mật bẩm sinh…) một cách thích hợp.

Cần điều trị tránh biến chứng

Theo BSCKI. Vương Thị Hào để tránh những biến chứng có thể xảy ra, các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý để sớm có hướng điều trị cho trẻ.

Vàng da sinh lý: Xuất hiện 24 giờ sau sinh. Đối với vàng da sinh lý trẻ tỉnh, phản xạ nhanh nhẹn, bú mẹ tốt. Mức độ vàng da nhẹ ở vùng mặt, ngực, bụng (phía trên rốn).

Vàng da bệnh lý: Xuất hiện trước 24 giờ sau sinh. Bệnh có biểu hiện vàng đến cổ tay, cổ chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể kèm theo các dấu hiệu bú kém hoặc bỏ bú, co giật. Bệnh sẽ không hết sau 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng. Lúc này các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám để có hướng điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tìm nguyên nhân của bệnh vàng da kịp thời

- Vàng da xuất hiện 48 giờ sau sinh.

- Vàng da đến lòng bàn tay, bàn chân ở bất kỳ ngày tuổi nào.

- Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và trên 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.

- Trẻ vàng da kèm theo các dấu hiệu bất thường: Bú kém, bỏ bú…

- Trẻ có yếu tố nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như: Tăng sản thượng thận bẩm sinh, thiếu men G6DP…