Bạn vẫn còn nhớ những ngày hè chân trần tung tăng khắp nơi, tự do tự tại? Nhớ cảm giác cỏ mềm mướt dưới bàn chân? Hay cát ấm len vào giữa những ngón chân? Và thậm chí cả những viên đá, viên sỏi nhỏ xíu hay cành cây nhỏ đôi khi chọc vào cạnh bàn chân khiến bạn thoáng nhói đau! Lần cuối cùng con bạn được chân trần chơi đùa ngoài trời là bao giờ? Lần cuối cùng, bạn bỏ giày dép, đặt chân trần lên đất là bao giờ?
Những nghiên cứu mới đây cho rằng, đi chân trần không chỉ là một trải nghiệm để cả đời này ghi nhớ của tuổi ấu thơ mà còn là cách để tạo ra những thay đổi tích cực cho sức khoẻ mà tất cả chúng ta đều nên thực hành đều đặn – người lớn cũng như trẻ em. Nó thậm chí còn có một cái tên: Chạm Đất!
Bất kể thời tiết thế nào, khí hậu ra sao, dưới đây là 5 lý do bạn nên cho trẻ bỏ giày dép và để chân trần Chạm Đất:
Chạm Đất cho phép trẻ duy trì sự cân bằng tự nhiên cho cơ thể (Ảnh minh họa).
1. Chạm đất để chạm vào nguồn năng lượng tự nhiên của Trái Đất
Khi trẻ thực hành Chạm Đất – để da thịt tiếp xúc trực tiếp với bề mặt tự nhiên của Trái Đất – những electron âm từ Đất được hấp thụ vào cơ thể trẻ. Chúng giúp tạo ra sự cân bằng với khối lượng electron dương khổng lồ mà bọn trẻ hấp thụ mỗi ngày trong cuộc sống được bao phủ bởi vô số thiết bị điện tử, sóng wifi và điện thoại di động. Chạm Đất cho phép trẻ duy trì sự cân bằng tự nhiên cho cơ thể.
2. Trung hòa các gốc tự do và giúp giấc ngủ tốt hơn
Cảm giác đau đớn, mệt mỏi, ngủ kém, rối loạn miễn dịch tự động và nhiều căn bệnh mãn tính khác đều được cho là có liên quan tới tình trạng viêm nhiễm do các gốc tự do gây ra. Tăng cường số lượng các electron âm trong cơ thể đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát các gốc tự do và cách đơn giản nhất chính là Chạm Đất. Đi chân trần trong khoảng 30 phút trên bề mặt tự nhiên của Trái Đất mang tới cho cơ thể trẻ con nói riêng và mọi người nói chung những electron âm cần thiết. Khuyến khích con đi bộ chân trần cùng bạn còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
3. Kích hoạt các huyệt đạo và hệ thần kinh
Khi mang giày, trẻ bỏ lỡ trải nghiệm giác quan cơ bản nhất – đó là cảm giác về đất bẩn, đá sỏi, lá rụng và cành cây khô bên dưới bàn chân. Chân chúng ta được thiết kế với vô số huyệt đạo và mút thần kinh, với mục đích truyền tải thông điệp tới những vị trí khác trên cơ thể. Giày dép hạn chế hiệu quả của những mút thần kinh này. Trong khi đi chân trần lại giúp kích thích hoạt động của mút thần kinh và toàn bộ hệ thần kinh của chúng ta. Đây có lẽ là dạng trò chơi giác quan (sensory play) dễ thực hiện nhất và chẳng tốn kém gì.
Khi mang giày, trẻ bỏ lỡ trải nghiệm giác quan cơ bản nhất – đó là cảm giác về đất bẩn, đá sỏi, lá rụng và cành cây khô bên dưới bàn chân (Ảnh minh họa).
4. Củng cố sức mạnh cơ và khớp
Đi bộ chân trần giúp củng cố sức mạnh các khối cơ ở bàn chân và mắt cá chân, cải thiện dáng người và độ cân bằng của cơ thể. Nó cũng tăng sức khoẻ cho mu bàn chân và cải thiện sự sắp đặt mạng lưới khối cơ khắp bàn chân. Nhờ đó, các rắc rối về độ ổn định của khớp như ở vị trí hông, đầu gối, mắt cá nhân được giảm thiểu, nguy cơ bị chấn thương sau này cũng giảm theo.
5. Củng cố sự kết nối bền chặt với thiên nhiên
Rời bỏ đôi giày lập tức yêu cầu trẻ phải nhận thức và hiểu biết nhiều hơn về môi trường xung quanh – nền đất có cảm giác thế nào? Có một hòn đá sắc cạnh ở phía trước không? Tiếng sột soạt trong bụi cây đằng kia là gì thế? Giác quan của trẻ sẽ được kích thích và phát triển toàn vẹn hơn bởi trẻ tập trung chú ý vào những gì quanh mình. Từ sự chú ý đó sẽ nảy sinh sự trân trọng dành cho thế giới tự nhiên mà trẻ đang dạo bước. Trẻ sẽ cảm nhận được tiếng lá khô lạo xạo dưới chân. Sự mềm mướt của cỏ. Cảm giác sắc nhọn của gai. Khi tất cả 5 giác quan đều được huy động, trẻ hoàn toàn kết nối với tự nhiên và rốt cuộc, còn có khoảng thời gian nào tuyệt vời hơn là tuổi ấu thơ để nuôi dưỡng và vun đắp một tình yêu dành cho thiên nhiên?
Nguồn: Ecoexplorers