Đó là câu chuyện của vợ chồng Thảo Nhi (27 tuổi) và Đức Hòa (29 tuổi). Tuy nhiên khi nói về hành trình của mình, Thảo Nhi bày tỏ: “Không hẳn mình chọn bỏ phố về Đà Lạt mà đúng hơn là bỏ công việc bán thuốc để đi cuốc đất, trồng hoa”.
Theo đó, gia đình Nhi có truyền thống theo nghề dược hơn 30 năm, do vậy cô nàng cũng tiếp tục con đường này. Thế nhưng Nhi thích một cuộc sống tự do, một cuộc sống được hòa mình với thiên nhiên nhiều hơn là việc đi làm 8 tiếng thông thường. Do vậy sau khi học xong Dược sĩ, Thảo Nhi quyết định lên Đà Lạt mở quán ăn nhỏ để kinh doanh với bạn bè.
Có một thời gian, Thảo Nhi vẫn quay lại với công việc bán thuốc. Tuy nhiên từ sau khi kết hôn, cô nàng chính thức nghỉ hẳn để chuyên tâm tập làm “nông dân” để mở một quán cafe ngập hoa cỏ.
Trồng hoa tốn 300 triệu, lần đầu tiếp xúc với cuốc, xẻng
Thảo Nhi cho hay bản thân lớn lên từ gia đình làm ngành dược ở thành phố nên thực sự từ “nông dân” chưa từng có trong suy nghĩ hay tưởng tượng của cô. Do vậy, đây vừa là lần đầu khởi nghiệp, vừa là lần đầu cô cầm vào cuốc, xẻng, tiếp xúc với giống đất, giống hoa,..
“Vợ chồng mình tìm thuê một miếng đất rộng khoảng 1ha, cách trung tâm 12km để trồng hoa và mở một quán cafe. Chúng mình tìm ý tưởng, lấy cảm hứng từ trên mạng sau đó lựa chọn loại hoa và cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi mình sống. Sau đó, thì tiến hành kiếm nhà cung cấp giống cây để đặt ươm trồng.
Song song đó, chúng mình tiến hành làm sạch đất. Vì trước mảnh đất bỏ hoang nên rất nhiều cỏ lớn. Vợ chồng mình đưa cỏ thảm về trồng, ươm hạt một số hoa rồi tiến hành gieo và chăm sóc, lắp hệ thống tưới vì khi đó mình làm vào mùa nắng. Nhưng thú thục, chúng mình đều “mù tịt” về hoa nên lần đầu gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ lắm. Thậm chí ban đầu, mình còn không phân biệt được hết các loại cây, hoa”, Nhi kể.
Mảnh đất rộng khoảng 1ha ban đầu...
Tuy nhiên sau vài tháng tìm tòi, học hỏi, từ hành trình không biết gì, vợ chồng Thảo Nhi - Đức Hòa cho biết cả hai đã có thêm nhiều kiến thức về cây, hoa, cỏ... Song, Nhi vẫn chỉ dám nhận mình là nông dân “nửa mùa” vì chưa sành sỏi lắm.
“Mới tập trồng hoa nên chúng mình có thất bại chứ. Có một loài hoa tên là Coliqueco, khá hiếm ở Đà Lạt nên tụi mình phải nghiên cứu nhập hạt giống về để ươm nhưng kết quả không thành công. Rồi chúng mình trồng hơn 2 sào hoa sao nhái để tạo cánh đồng nhưng mà hoa vừa ra thì gặp đúng trận bão lớn mà Đà Lạt sạt lở, hoa ngã gãy hư hỏng hết. Nhìn chung, vợ chồng mình trải qua nhiều lần trồng hoa thất bại lắm, cũng từng nản chí nhưng vẫn quyết cùng nhau thử lại”, Thảo Nhi chia sẻ.
Về chi phí làm vườn, cô tiết lộ riêng phần trồng hoa là tốn khoảng 300 triệu. Còn tổng chi phí bao gồm cả làm quán cafe trên khu đất rộng 1ha là khoảng 1 tỷ đồng. “Toàn bộ chi phí đầu tư là từ tiền mừng cưới của tụi mình, tiền mình dành dụm được một ít từ công việc làm nhà thuốc và tiền chồng mình tích góp từ việc kinh doanh trước đây”, Nhi nói.
Có rất nhiều loài hoa được gieo trồng như cúc họa mi, thạch thảo, hoa lau,...
Hiện tại, khu vườn của hai vợ chồng Nhi - Hòa đã ngập tràn hoa, cỏ mọc tươi tốt. Nhiều loại hoa được trồng như: Cúc họa mi, thạch thảo trắng và tím, hoa nữ hoàng xanh (giống lavender), hồng ri, bướm vàng, hoa lau... đều có đủ.
Nói về cách chăm sóc giúp khu vườn luôn tươi tốt, Nhi cho hay tùy điều kiện thời tiết để điều chỉnh cách chăm sóc: “Chẳng hạn như thời điểm hiện tại, Đà Lạt đang là mùa mưa, các cây thường dễ bị nấm thì mình tìm hiểu để trị nấm. Hay nếu đất bị con sùng ăn thì mình lại trị sùng. Bên cạnh đó, mình nghiên cứu thêm các loại thúc hoa nở, cắt thảm cỏ định kỳ, bón phân bón lá cho xanh,...”. Thế nhưng cũng vì là nông dân “nửa mùa” nên Nhi cho biết đôi khi vẫn phải hỏi thăm các vườn nhà xung quanh, thậm chỉ hỏi cả người bỏ giống cây để có thêm kiến thức. Từ đó, vợ chồng Nhi quen biết thêm nhiều cô chú nông dân thực thụ để nghe câu chuyện, có thêm động lực yêu cây, yêu hoa từ họ để làm vườn nhà mình đẹp hơn.
Thấy khỏe hơn ngồi máy lạnh 8 tiếng, tự hào vì thực hiện được ước mơ
Từ dược sĩ trở thành cô nông dân, Thảo Nhi cho biết cô phải đánh đổi cả làn da, mái tóc lẫn những thói quen trước đây: “Làn da mình bị cháy đen, tàn nhang rất nặng từ khi đi cuốc đất. Rồi mình từ tóc dài thành cắt tóc ngắn tới ngang vai. Thay đổi thói quen ăn mặc từ đầm váy điệu đà thành đồ lao động 100%”.
“Thế nhưng đổi lại mình cũng nhận được nhiều điều thú vị hơn. Trước đây mình không phải là người có sức khỏe tốt để dầm mưa dãi nắng. Vậy mà hiện tại, sau vài tháng cặm cụi trồng hoa, mình lại thấy bản thân khỏe khoắn hơn rất nhiều so với thời ngồi trong máy lạnh bán thuốc. Và đặc biệt, mình cảm thấy vui vẻ hạnh phúc vì có thể hoàn thành đứa con chung của 2 vợ chồng sau khi cưới. Mình tự hào vì đã thực hiện được ước mơ của 2 đứa khi chọn Đà Lạt để sống và lập nghiệp”, Nhi nói thêm.
Từ cô dược sĩ, Thảo Nhi quen với cuốc xẻng, da cháy nắng nhưng vẫn thấy xứng đáng
Đối với Nhi, cô luôn thấy cuộc sống muôn màu, nhiều thăng trầm hơn từ khi cùng chồng làm vườn. Thảo Nhi bày tỏ: “Đó là mỗi sáng, chồng mình phải làm đủ mọi cách để gọi cô thức dậy lúc 6h sáng, chuẩn bị đồ đạc chạy xe hơn 12km đi làm. Rồi lại đưa nhau về sau một ngày làm việc đến kiệt sức. Vậy mà cả chặng đường về nhà, hai đứa cứ bàn bạc, tính toán công việc rồi suy nghĩ sao cây này lại bệnh này, sao loại hoa kia không nở.
Cứ thế, vợ chồng cùng nhau rong ruổi khắp nơi để hỏi các nhà vườn có kinh nghiệm, tìm phương án xử lý. Hay có hôm, hai vợ chồng ngồi trong nhà nhìn ra vườn hoa bị mưa bão gió lớn làm ngã hết cây, chẳng biết nói gì mà cứ im lặng nhìn nhau thôi”.
Thảo Nhi và chồng tự hào vì thực hiện được ước mơ của cả hai
Cuối cùng, khi được hỏi về xu hướng bỏ phố, bỏ công việc ổn định để làm tự do, Thảo Nhi cho hay cô không phản đối nhưng cũng không quá cổ vũ. Nhi chia sẻ: “Nếu cảm thấy quá ngột ngạt với một công việc nhàm chán tại một thành phố mà chúng ta không thuộc về thì đúng là các bạn nên thử thay đổi. Nhưng mình nghĩ, quyết định nào cũng cần cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ, đặc biệt là những điều gì được và mất khi từ bỏ một điều gì đó đang ổn định. Còn nếu đã thấy phù hợp, chúng ta cứ thử thôi”.
Một số góc khác trong khu vườn của vợ chồng Thảo Nhi - Đức Hoà
Ảnh: NVCC