Tuyên bố nói trên được hãng tin PTI đăng tải hôm 8-7, một ngày sau khi Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ (ICE) thông báo du học sinh sở hữu thị thực F-1 và M-1 tại nước này phải đối mặt với viễn cảnh bị trục xuất nếu chỉ học trực tuyến. Theo ICE, nếu muốn ở lại, họ phải tham gia ít nhất một khóa học trực tiếp trên giảng đường.
Tuyên bố của ICE khiến nhiều sinh viên quốc tế - số lượng lớn nhất đến từ Trung Quốc và Ấn Độ - hoang mang.
Tuy nhiên, ngày 8-7, Bộ Ngoại giao Mỹ - nơi cấp thị thực cho du học sinh - khẳng định nhiều sinh viên quốc tế đã lên kế hoạch học tập vào mùa thu này ở Mỹ vẫn có cơ hội để làm điều đó. Bộ này cho biết quyết định trên chỉ là tạm thời.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sự điều chỉnh tạm thời về quy chế thị thực nói trên giúp cho sinh viên quốc tế linh hoạt hơn trong việc tiếp tục theo học tại Mỹ - kết hợp giữa giảng dạy trực tuyến và trực tiếp, đồng thời cho phép thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong khuôn viên trường đại học.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh sinh viên quốc tế vẫn phải xin thị thực phù hợp và tuân thủ quy trình cấp thị thực cũng như các hạn chế đi lại do dịch Covid-19. Thông cáo cũng lưu ý sinh viên các nước nên liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Mỹ tại nước mình để nắm thêm thông tin.
Sinh viên tại Trường ĐH Khoa học và Nghệ thuật Boston (Mỹ). Ảnh: AP
Một số trường đại học và nghị sĩ Mỹ cảnh báo thay đổi chính sách đối với sinh viên quốc tế là sai lầm. Nghị sĩ Bennie Thompson, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và nghị sĩ Kathleen Rice nói trong một tuyên bố chung rằng chính sách mới sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây tổn hại cho các tổ chức và không giúp cải thiện sự an toàn hoặc an ninh của Mỹ.
"Sinh viên quốc tế đóng góp hàng tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ. Cấm họ khỏi đất nước chúng ta sẽ làm mất đi thu nhập rất cần thiết của người Mỹ. Chúng tôi không thể để Tổng thống (Donald) Trump tiếp tục làm mất việc làm và gây ra khó khăn không cần thiết chỉ để thỏa mãn chính sách chống người nhập cư của mình. Chúng tôi phản đối chính sách liều lĩnh này và tác hại lâu dài mà nó sẽ gây ra cho các trường đại học và cộng đồng trên cả nước" – hai nghị sĩ nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Felix V Matis Rodriguez của Trường ĐH TP New York, cho rằng thay đổi chính sách sẽ dẫn đến việc hầu hết trong số 1,1 triệu sinh viên quốc tế bị buộc rời khỏi Mỹ vào tháng 9 tới.
Nhiều trường học của Mỹ đã lên tiếng sẽ có kế hoạch kết hợp chương trình trực tuyến và lên lớp trực tiếp để giúp sinh viên của mình không bị trục xuất.
Theo Viện Chính sách Di cư (trụ sở ở Washington D.C.), có khoảng 1,2 triệu sinh viên thuộc diện bị ảnh hưởng đã đăng ký ghi danh theo học tại 8.700 trường trên khắp nước Mỹ tính tới tháng 3-2018.
Trong khi đó, đài CNN cho biết Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước có lượng du học sinh học tại Mỹ đông nhất, lần lượt là 370.000 và 204.000 sinh viên. Xếp sau đó là Hàn Quốc (52.000), Ả Rập Saudi (37.000), Canada (25.000). Việt Nam xếp thứ sáu với 24.000 sinh viên, trên Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Brazil và Mexico.