Con cái lớn lên thành công, "hoá rồng hoá phượng" là nguyện vọng chung của nhiều cha mẹ. Song có một thực tế đáng buồn, nhiều người vì quá lo lắng cho tương lai con mà buộc đứa trẻ học ngày học đêm.
Việc cha mẹ không thể chấp nhận những khiếm khuyết của trẻ, nhiều khi lại vô tình khiến con bị áp lực. Thảm kịch gia đình cũng bắt đầu từ đây, điển hình như câu chuyện đau lòng đã diễn ra ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Là một người bố đơn thân, một mình nuôi dưỡng con nên ông Dương đặt nhiều kỳ vọng lên cậu con trai 13 tuổi. Tuy nhiên con trai ông Dương học không tốt, nhiều lần bị giáo viên nêu tên nhắc nhở trong buổi họp phụ huynh.
Một hôm, ông Dương nhận được thông tin phàn nàn của giáo viên về điểm số của con. Tất cả các môn học của cậu đều đạt thành tích thấp, trong đó điểm của môn Thể dục chỉ là 18 (thang điểm cao nhất của Trung Quốc là 100 điểm). "
Nó bị điểm kém ở các môn khác là chuyện bình thường, sao đến cả Thể dục cũng chỉ có 18 điểm?", ông Dương nhớ lại nguồn cơn của chuỗi bi kịch.
Cho rằng đứa trẻ không chịu phấn đấu học hành, ông Dương bèn lấy thanh kiếm samurai dài khoảng 1m, chĩa thẳng vào người con để chất vấn. Đáng buồn là trong cơn nóng giận, do không làm chủ được bản thân, ông Dương đã vô tình đâm chết chính con trai mình.
Chỉ đến khi con hét lên vì đau đớn, ông Dương mới hối hận gọi xe cấp cứu, đưa cậu đến bệnh viện. Thế nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Cậu bé ra đi vĩnh viễn khi mới 13 tuổi. Kết quả khám nghiệm cho thấy, cậu tử vong do bị mất máu quá nhiều.
Câu nói cuối cùng trước khi con trai qua đời, cũng là lời giải thích muộn màng gửi đến người bố: "Bố luôn nói con học tập không chăm chỉ. Nhưng thật ra con đã cố gắng lắm rồi".
Sau cái chết thương tâm của cậu con trai, ông Dương bị kết án 12 năm tù vì tội ngộ sát. Trong phiên toà, người đàn ông nói trong nước mắt: "Tôi chỉ muốn cảnh cáo để nó chăm học hơn. Tôi không ngờ nó sẽ rời xa mình theo cách này".
Đáng phẫn nộ hơn là trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện trên người con trai ông Dương xuất hiện nhiều vết sẹo và thâm tím, chứng tỏ đây không phải lần đầu tiên đứa trẻ bị bố bạo hành. Ông Dương cũng thừa nhận, từ khi con còn nhỏ, ông ta đã nhiều lần đánh đập, mắng mỏ đứa trẻ vì thành tích học tập kém.
Khi con trai học lớp 5 và lớp 6, ông Dương đã 2 lần dùng kiếm samurai để cảnh cáo cậu. Và có lẽ ông cũng không ngờ rằng, trong lần thứ ba "chơi đùa" với thanh kiếm samurai đã khiến con trai ông ra đi mãi mãi.
Tình yêu thương khi không đặt đúng chỗ, đúng mức sẽ để lại hậu quả khó lường. Trước trường hợp của con trai ông Dương, đã có nhiều đứa trẻ rơi vào vào bi kịch vì áp lực thành tích từ chính gia đình. Do đó, đã đến lúc để phụ huynh nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và những đứa con có sự điều chỉnh, tránh tình huống không mong muốn xảy ra.
Vậy cha mẹ ép con học quá nhiều, học "nhồi nhét" sẽ tác động tiêu cực thế nào?
1. Hình thành tâm lý phản nghịch:
Nếu trẻ bị cưỡng ép làm theo hành động không mong muốn, tâm lý chống đối phụ huynh sẽ hình thành. Ngay cả khi trẻ không nói ra, sự bất mãn cũng sẽ tăng dần theo thời gian. Trẻ không những chán chường việc học dẫn đến kết quả giảm sút mà còn có thể lén lút làm những chuyện xấu sau lưng cha mẹ.
2. Thiếu tư duy sáng tạo
Khi cảm thấy chán vì bị ép học, trẻ sẽ khó tiếp thu kiến thức và làm mọi thứ một cách máy móc. Trẻ sẽ không tìm hiểu sâu vấn đề và thiếu sự linh hoạt áp dụng vào thực tế.
3. Ảnh hưởng đến sức khoẻ
Khi trẻ bận rộn với lịch trình học ngày học đêm, hiển nhiên là trẻ sẽ không có thời gian nghỉ ngơi và dành cho sở thích cá nhân. Học tập trong tâm lý căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung, khiến trẻ mắc nhiều căn bệnh. Tình huống tệ nhất là trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm và có hành động dại dột.
Để giúp trẻ giảm bớt áp lực học hành, cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Tạo điều kiện để trẻ có không gian vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khoẻ, gặp gỡ bạn bè để giảm bớt căng thẳng nội tâm. Luôn nhớ rằng, nghỉ ngơi và tận hưởng tuổi thơ là quyền lợi của trẻ em.
- Trò chuyện với trẻ thường xuyên để kịp nắm bắt những bất thường trong tâm lý của trẻ. Khi trẻ làm tốt, có thể thưởng cho trẻ những phần quà tạo động lực như một chuyến đi chơi, món đồ chơi trẻ đã ước muốn có từ lâu. Đồng thời, không quên động viên, cổ vũ khi trẻ đạt thành tích kém.
- Cần tạo cho trẻ môi trường học thoải mái, tránh gây áp lực về việc đỗ - trượt, điểm thi cao - thấp lên trẻ. Hạn chế so sánh trẻ với "con nhà người ta".
- Khi thấy có dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để can thiệp kịp thời.
- Không được dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ. Ngược lại, cũng không nên dùng sự nuông chiều để bao che cho sai lầm của trẻ.
Nguồn: Sohu